“Đánh số” vườn cà phê trên mạng

Anh Thơ Thứ bảy, ngày 15/09/2018 07:30 AM (GMT+7)
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, dù ngồi ở bất kỳ nơi nào bạn cũng có thể định vị được vườn cà phê của mình trên Google Maps. Tham vọng này đang dần trở thành hiện thực ngay tại huyện Di Linh - một trong những vùng trọng điểm trồng cà phê chè (Arabica) của tỉnh Lâm Đồng.
Bình luận 0

Tìm hướng đi riêng

Trong bối cảnh sản xuất và xuất khẩu cà phê đang gặp nhiều khó khăn do giá sụt giảm liên tục, tỉnh Lâm Đồng đang có nhiều đầu tư để mở rộng và nâng chất vùng sản xuất cà phê chè, vốn là một đặc sản nổi tiếng từ rất lâu trên xứ sở cao nguyên.

img

Vườn cà phê ở Lâm Đồng sẽ được mã hóa, đưa lên Google Maps. Ảnh: tư liệu

Bà Trần Quỳnh Chi - quản lý chương trình của Diễn đàn Cà phê toàn cầu tại Việt Nam: “Đây có thể coi là một phần mềm online hoặc một app ứng dụng để quản lý vườn cà phê trên mạng. Chỉ cần máy tính hoặc điện thoại hệ điều hành Android, bạn có thể lên Google Maps để biết được chỗ nào được trồng cà phê, vùng trồng cà phê ấy có vị trí, điều kiện thổ nhưỡng, độ cao như thế nào...”.

Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2018 đạt 1.921 USD/tấn, giảm 14,9% so với cùng kỳ  năm 2017. Giá cà  phê vối (Robusta) tại các  tỉnh  Tây Nguyên trong tháng 8 cũng giảm 1.300 – 1.600 đồng/kg, xuống còn 33.000 – 33.800 đồng/kg. Trong khi đó, trên các trang bán hàng trực tuyến, giá cà phê chè Cầu Đất - một thương hiệu cà phê nổi tiếng ở Lâm Đồng vẫn ở mức 270.000 – 280.000 đồng/kg.

Thực tế, Lâm Đồng đang sở hữu diện tích cà phê chè có chất lượng cao nhất Việt Nam từ trước đến nay. Chính vì vậy, tỉnh này cũng đặt ra tham vọng sẽ trở thành trung tâm cà phê chè của Việt Nam và cà phê chè cũng sẽ là loại cây trồng được ưu tiên phát triển.

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, trong tổng số 150.000ha cà phê hiện có của tỉnh, diện tích cà phê chè chiếm khoảng 10%, tương đương 15.000ha, tập trung ở một số địa phương như TP.Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh… Đến nay, tỉnh đã có 2 nhãn hiệu cà phê được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận là nhãn hiệu độc quyền, gồm: Cà phê Di Linh và cà phê Arabica Lang Biang. Tỉnh cũng đang tiến hành xây dựng thêm một nhãn hiệu độc quyền cho cà phê chè Cầu Đất.

Dù cà phê chè là một thế mạnh của tỉnh nhưng hiện nay, diện tích cà phê này chưa nhiều, sản lượng hàng năm không đáng kể. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích cà phê chè ở Lâm Đồng sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay. Năm 2015, lần đầu tiên thương hiệu cà phê Starbucks thông báo đưa sản phẩm cà phê chè xuất xứ Đà Lạt (Lâm Đồng) vào bán trong hệ thống của mình với mức giá khi đó là 50 USD/kg bởi cà phê Đà Lạt được đánh giá có vị chua dịu nhẹ, phù hợp với khẩu vị của khách hàng.

Chuyên nghiệp hóa quy trình canh tác

Lâm Đồng đang được coi là một trong những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, với hơn 50.000ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 18% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đây chính là lý do khiến Diễn đàn Cà phê toàn cầu chọn Lâm Đồng để xây dựng một “bản đồ cà phê online” hướng đến việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo bà Trần Quỳnh Chi -quản lý chương trình của Diễn đàn Cà phê toàn cầu tại Việt Nam, từ cuối năm 2017, diễn đàn đã phối hợp với Cục Trồng trọt, các tỉnh Tây Nguyên và các đối tác đề xuất lên lãnh đạo Bộ NNPTNT về dự án mã hóa vùng trồng cà phê trên mạng internet với sự tích hợp của hai bộ chỉ số: Bộ chỉ số phát triển cà phê bền vững của Việt Nam và Bộ chỉ số phát triển cà phê bền vững toàn cầu. “Việc mã hóa vùng trồng sẽ giúp ngành quản lý, các địa phương đánh giá được sự phát triển của các vùng chuyên canh cà phê trong nước trong mối tương quan với toàn cầu để từ đó có những định hướng phát triển phù hợp” – bà Chi nói.

Trước mắt, dự án chọn thực hiện thí điểm tại huyện Di Linh với khoảng 15.000 hộ trồng cà phê. Để làm việc đó, cán bộ dự án sẽ phối hợp với ngành địa chính của huyện, lập bản đồ các vườn trồng cà phê của địa phương, mã hóa từng vườn, đưa thêm thông tin để thành lập cơ sở dữ liệu và sau đó đưa lên Google Maps.

Cũng theo bà Chi, phần mềm này tương đối dễ sử dụng, chỉ cần đào tạo là nông dân có thể tự cập nhật, bổ sung thông tin về vườn cà phê của mình trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Theo đó, nông dân sẽ được cấp một account để tự bổ sung thông tin về vườn cà phê, tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ra sao. Hiện, việc mã hóa 15.000 vườn cà phê ở Di Linh đã hoàn thiện, dự kiến tháng 11.2018, hệ thống sẽ ra mắt. “Tuy nhiên, chúng tôi không muốn dừng lại ở 15.000 hộ trồng cà phê ở Di Linh mà muốn được áp dụng cho toàn vùng chuyên canh cà phê, tiến tới xây dựng một bản đồ cà phê online tại Việt Nam” – bà Chi cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem