Cuối năm 1287, cánh quân thủy của nhà Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy 70 thuyền chở 170.000 thạch lương tiến vào nước ta. Đi trước dẫn đường là đoàn quân của Ô Mã Nhi theo hướng Khâm Châu tiến vào Đại Việt.
Trần Khánh Dư và thế trận Vân Đồn
Khi tới Vân Đồn (Quảng Ninh), giặc Nguyên chạm trán quân của Trần Khánh Dư. Một trận đánh lớn đã diễn ra ở đây. Dù đã chuẩn bị, trước kẻ địch rất mạnh, đội quân nhà Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy bị đánh bại. Nghe tin, Thượng hoàng Trần Thánh Tông nổi giận, sai Trung sứ đưa Trần Khánh Dư về kinh đô chịu tội.
Khánh Dư tâu rằng: “Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin hoãn cho vài ba ngày, để lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn”.
Thấy lời nói có lý, Trung sứ thuận lòng cho Trần Khánh Dư thêm cơ hội lập công chuộc tội.
Tranh minh họa tướng Trần Khánh Dư.
Nắm được tình hình của địch, Trần Khánh Dư đoán rằng, đại quân đi trước, đoàn thuyền lương của chúng tất phải theo sau. Sau trận thắng, Ô Mã Nhi chủ quan, khinh địch, không đi theo bảo vệ đoàn thuyền lương. Nhận thấy đây chính là cơ hội vàng để tấn công quân địch, Khánh Dư đã cho thu thập tàn quân, mai phục sẵn.
Đúng như dự đoán của Khánh Dư, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp theo sông Bạch Đằng vội tiến về Vạn Kiếp để nhanh chóng hội quân với Thoát Hoan theo như kế hoạch đã định, bỏ lại phía sau đoàn thuyền vận lương nặng nề của Trương Văn Hổ.
Yên tâm có quân của Ô Mã Nhi đi trước dọn đường, Trương Văn Hổ cho đoàn thuyền chở lương thực và khí giới chậm chạp tiến vào Hạ Long. Chúng không ngờ bị rơi vào trận địa phục kích.
Khi quân giặc vừa tới Vân Đồn, thủy binh của ta từ các vị trí yểm sẵn bất ngờ xông ra đánh. Trương Văn Hổ cùng quân lính ra sức chống đỡ, cố thúc đoàn thuyền vào đất liền nhưng bị quân ta liên tục tiến công.
Giặc bị chặn đánh trên chặng đường dài hàng chục km, đến Cửa Lục (Hòn Gai), thủy binh của ta đổ ra đánh càng đông. Quân giặc không chống đỡ nổi, phần bị đắm thuyền, phần bị tiêu diệt. Chúng phải đổ cả thóc xuống biển hòng thoát thân.
Trương Văn Hổ may mắn thoát chết chạy về Trung Quốc trên một chiếc thuyền. Toàn bộ số lương thảo của giặc bị nhấn chìm. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, "Khánh Dư đánh, giặc bị thua, bắt được lương thực khí giới của giặc không xiết kể, bắt sống quân giặc rất nhiều".
Danh tướng bán than nổi danh sử Việt
Tin thắng trận lập tức được báo về triều đình, thượng hoàng tha tội trước không hỏi đến, Trần Khánh Dư và quân của ông đã chuộc được tội trước đây để cho thủy quân của Ô Mã Nhi qua được Vân Đồn.
Theo lời Thượng hoàng Trần Nhân Tông, chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo, nay đã bị đánh chìm, chúng không thể hung hăng được nữa. Sau đó, thượng hoàng lại dùng kế tha cho những tên lính bị bắt đến doanh trại báo cho quân Nguyên biết tin khủng khiếp đó. Nghe tin, quân Nguyên mất hết nhuệ khí chiến đấu, chỉ mong rút quân khỏi Đại Việt.
Chiến thắng của Trần Khánh Dư đã buộc quân Nguyên rơi vào thế bị động. Trên đường rút lui, chúng đã bị Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão đánh cho tan tác. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn về Trung Quốc.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, trước đó, vì mắc tội, Trần Khánh Dư bị phạt đánh 100 roi, đuổi về quê, tước hết gia sản. Trở về Chí Linh, ông làm nghề đốt than kiếm sống.
Đền thờ Trần Khánh Dư. Ảnh: Báo Quảng Ninh.
Một hôm, vua Trần Nhân Tông trên đường từ sông Đuống xuống bến Bình Than hội quân, bàn kế đánh giặc. Từ xa, ông thấy một người có vóc dáng giống Khánh Dư, ăn mặc tiều tụy, cho người lại gần hỏi han.
Người bán than trả lời rằng: "Tôi chỉ là lão bán than vô danh tiểu tốt, có gì mà hỏi?".
Người lính quay về kể lại với vua, Trần Nhân Tông bèn bảo khẩu khí đó mà xét thì người đó đích thị là Nhân Huệ Vương chứ không ai khác. Sau khi được vua Trần Nhân Tông đón lên thuyền, xuống bến Bình Than hội quân, Trần Khánh Dư đã ra trận lập công.
Sử gia Phan Huy Chú đã xếp Trần Khánh Dư đừng hàng thứ năm trong số những tướng giỏi của nhà Trần, chỉ sau Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật và Phạm Ngũ Lão.
Sau kháng chiến chống Mông - Nguyên thắng lợi, Trần Khánh Dư được phong Phiêu kỵ thượng tướng quân, một chức chỉ dành cho các hoàng tử, tước Nhân Huệ Vương.
Khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn biên soạn xong bộ Binh thư yếu lược, Trần Khánh Dư vinh dự được viết lời tựa. Ông là vị tướng giỏi, lập nhiều công, trải thờ ba đời vua, khi mất được truy phong Đại Vương.
|
Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.