Danh tướng nào của Thái Bình Thiên Quốc có biệt danh "chó 4 mắt", bị xử lăng trì khi 26 tuổi?

MA Thứ bảy, ngày 08/04/2023 18:31 PM (GMT+7)
Trần Ngọc Thành là danh tướng của Thái Bình Thiên Quốc, có biệt danh "Tứ nhãn cẩu" (chó 4 mắt) do có hai nốt ruồi nổi rõ dưới mắt. Hai nốt ruồi này nhìn từ xa giống hai con mắt, và làm cho một số quân Thanh khiếp sợ...
Bình luận 0

Trần Ngọc Thành sinh năm 1834 trong một gia đình nông dân tại huyện Đằng, tỉnh Quảng Tây. Ông được miêu tả là "mạo thậm tú mĩ, tuyệt vô sát khí". Ông có biệt danh "Tứ nhãn cẩu" (chó 4 mắt) do có hai nốt ruồi nổi rõ dưới mắt. Hai nốt ruồi này nhìn từ xa giống hai con mắt, và làm cho một số quân Thanh khiếp sợ.

Năm 1850 khi cùng toàn tộc tham gia cuộc khởi nghĩa Kim Điền, Trần Ngọc Thành mới chỉ 14 tuổi, được biên chế vào “Bài vĩ”, cũng tức là lão ấu ngoài biên chế, ông bước trên con đường vạn lý như vậy đó.   

Theo như lời truyền khẩu, tháng 8 Tân Khai nguyên niên (1851), khi quân Thái Bình hành quân tới Đại Lê Lý (cũng tức là nơi quê hương ông), ông đã tới tìm Hữu nhị quân soái La Đại Cương, xin dẫn đường tấn công châu Vĩnh An, tòa thành trì đầu tiên mà Thái Bình Thiên Quốc đánh hạ được. Hai tháng sau, ông từ Bài vĩ nhẹ bước thanh vân, được phong làm Tả tứ quân chính điển thánh lương, theo quốc tông, danh tướng hiệu xưng “gà trống sắt” Thạch Tường Trinh tây chinh. 

Danh tướng nào của Thái Bình Thiên Quốc có biệt danh "chó 4 mắt", bị xử lăng trì khi 26 tuổi? - Ảnh 1.

Tranh vẽ Trần Ngọc Thành.

Nói là nhẹ bước thanh vân chẳng ngoa chút nào. Chính điển thánh lương chức đồng giám quân, còn cao hơn quân soái một cấp, Trần Ngọc Thành từ một Bài vĩ, thánh binh còn chẳng bằng thăng thẳng lên chức đồng giám quân, tương đương với thăng liền tám cấp. Khi đó quân Thái Bình mở rộng biên chế, từ 10 cơ quân mở rộng tới 25 cơ quân, lại lên tới 50 cơ quân, 95 cơ quân, quan quân các cấp thiếu hụt, Trần Ngọc Thành tuy chức vụ thấp, tuổi nhỏ nhưng nói thế nào cũng là “lão thành”, đảm nhiệm chức vụ chủ quản hậu cần quân nhu này, cũng không coi là chuyện gì quá đặc biệt, huống hồ ông nhanh chóng dùng chiến tích chứng minh, “đề bạt kiểu hỏa tiễn” là hoàn toàn xứng đáng.

Tháng 4 năm thứ 4 Giáp Dần (1854), ông theo Vi Tuấn, em trai của Vi Xương Huy (khi đó hiệu xưng Quốc tông huynh, đồng cấp với Yến Vương Tần Nhật Cương) tiến công Vũ Xương, tỉnh lỵ của Hồ Bắc. Dưới sự chỉ huy của Vi Tuấn, ông từ huyện Vũ Xương lách qua Lương Tử Hồ, tới được phía đông thành Vũ Xương. Ngày 21 tháng 5, dẫn 500 thiếu niên “Bài vĩ” leo lên tường thành Vũ Xương, giết lính giữ thành, đưa đại đội quân Thái Bình vào thành, sừ sách ghi là “quân Thái Bình hạ thành Vũ Xương lần thứ hai”.

Trận này Trần Ngọc Thành lập công đầu, không chỉ khiến “Đồng Tử quân” của Thái Bình Thiên Quốc uy danh vang dội, ngay đến người nước ngoài cũng biết tiếng, mà còn khiến ông được Hồng Tú Toàn ở sâu trong thâm cung chú ý. Tháng 8 năm này, ông nhảy liền ba cấp, được thăng làm Điện hữu thập bát chỉ huy, trấn thủ Kỳ Châu Hồ Bắc. Một tháng sau được thăng làm Điện hữu thập tam kiểm điểm, chỉ huy Hậu thập tam quân và thủy doanh Tiền tứ quân, phụ trách quân vụ hai quận Kỳ Châu và Hoàng Châu, trở thành đại tướng độc giữ một mặt. Lúc này ông mới chỉ 18 tuổi.

Do quân phòng ngự núi Bán Bích và trấn Điền Gia của Tần Nhật Cương thất bại, Trần Ngọc Thành đành phải bỏ hai thành, lui về Hoàng Mai, và tham gia cầm chân quân địch ở ngoại vi chiến dịch Hồ Khẩu nổi tiếng sau đó phản kích Tương quân, ông lần lượt lấy lại được Hoàng Mai, Hoàng Châu, Kỳ Châu và Vũ Xương, đánh bại tổng đốc Hồ Quảng Dương Bái.

Tháng 7 năm thứ 5 Ất Vinh (1855), Trần Ngọc Thành nhận lệnh rời khỏi đội hình của Vi Tuấn, sang phía đông cứu viện cho Lư Châu (nay là Hợp Phì tỉnh An Huy), giữa đường chuyển qua cứu viện Vu Hồ, không lâu sau đó thăng làm Đông quan hựu chính thừa tướng, gia nhập hàng ngũ “cán bộ cao cấp”.

Đầu năm thứ 6 Bình Thìn (1856), Trần Ngọc Thành là một trong “ngũ thừa tướng” trứ danh (Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành, Đồ Chấn Hưng, Trần Sĩ Chương, Chu Thắng Khôn), dưới sự chỉ huy thống nhất của Đỉnh Thiên Yến Tần Nhật Cương, người vừa được phục chức, tham gia vào chiến dịch cứu viện Trấn Giang. Khi đó Trấn Giang bị quân Thanh vây khốn trùng trùng, tướng giữ thành là Ngô Như Hiếu cố thủ, đạn hết lương cạn, Trần Ngọc Thành chỉ dùng một chiếc thuyền nhỏ liều chết đột phá vòng phong tỏa trên mặt sông của quân Thanh, xông vào Trấn Giang, thuận lợi hoàn thành việc nội ứng ngoại hợp, phá tan kế hoạch vây thành của quân Thanh.

Sau đó cánh quân này tấn công tiêu diệt tuần phủ Giang Tô Cát Nhĩ Kháng Khả, công phá đại doanh Giang Bắc, Giang Nam, ép chết khâm sai đại thần Hướng Vinh, tạo dựng lên chiến công hiển hách nhất trong lịch sử Thái Bình Thiên Quốc.

Nhưng sau đó sự biến Thiên Kinh bùng nổ, Tần Nhật Cương bị cuốn vào trong đó, mất mạng oan uổng, Trần Ngọc Thành do ở lại tiền tuyến Đan Dương nên may mắn thoát nạn, lập tức chuyển chiến tới vùng Hoản Giang. Tháng 10 năm đó, ông được phong là Thành Thiên Hầu.

Cuối năm đó, ông hội ngộ với người bạn thân Lý Tú Thành tại Tung Dương, đạt được ý định hợp tác phát triển vùng Hoản Bắc, hai cánh quân lập tức từ Hoản Bắc phát động thế tấn công, liên tiếp hạ các nơi như Vô Vi, huyện Sào, Đồng Thành, Lư Giang, là khu chiến lược đầu tiên chuyển sang phản công sau sự kiện Thiên Kinh sự biến, vực dậy được sĩ khí của Thiên Quốc vốn suy sụp hoàn toàn sau sự biến.

Đầu mùa hạ năm thứ 7 Đinh Tị (1857), Thạch Đạt Khai do bị Hồng Tú Toàn nghi kị, gạt bỏ nên phẫn nộ bỏ đi viễn chinh, Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành bị bỏ lại ở An Khánh. Do binh lực không đủ, từng một dạo hợp binh với cánh quân rút về từ Vũ Hán của Vi Tuấn, tiến về đánh du kích, chiêu binh ở vùng Quang Sơn, Cố Thủy thuộc Hà Nam.

Tháng 9 năm đó, do nhiều biến cố, nhân tài thiếu hụt, Hồng Tú Toàn phong Trần Ngọc Thành làm Hựu chính chưởng soái, phụ tá cho Chính chưởng soái Mông Đắc Ân tổng lý triều chính, từ đó Trần Ngọc Thành trở thành nhân vật số một trong hàng tướng lĩnh bên ngoài, ngoại trừ Thạch Đạt Khai đã ly khai viễn chinh, quan tước cũng từ Thành Thiên Hầu, Thành Thiên Yến, Thành Thiên Phúc, Thành Thiên An, thăng thẳng lên tới chức vị cao nhất lúc đó là Thành Thiên Nghĩa.

Tháng 4 năm thứ 8 Mậu Ngọ (1858), Cửu Giang thất thủ, Thiên Kinh lại bị vây khốn. Tháng 6, Lý Tú Thành triệu tập đại hội giải vây ở Tung Dương, Trần Ngọc Thành là chủ lực, sử sách gọi là đại hội Tung Dương lần thứ hai, kế hoạch là trước tiên giải vây cho Lư Châu sau đó là Giang Bắc, đến tháng 8 thì đại phá đại doanh Giang Bắc. Trong khoảng thời gian này Hồng Tú Toàn khôi phục lại chế độ chủ tướng của 5 cánh quân, Trần Ngọc Thành được phong làm tiền quân chủ tướng.

Tháng 9 cùng năm, ông phối hợp với Lý Tú Thành, Ngô Như Hiếu, Ngô Định Quy và cánh Niệm quân cờ trắng của Cung Đắc Thụ tiêu diệt toàn bộ hơn 5000 quân tinh nhuệ nhất của Tương quân do Lý Tục Tân cầm đầu tại trấn Tam Hà, thừa thắng đánh cuốn chiếu Hoản Bắc, đạt được đỉnh cao cá nhân trong cuộc đời quân sự.

Sau đó khí thế của ông không hề giảm sút, tuy nhiên do khinh địch nên bị thua Đa Long A ở Nhị Lang Hà, nhưng liền đó lại liên tiếp phá Thắng Bảo, bắt sống khâm sai đại thần Lý Mạnh Quần, khống chế chặt chẽ tuyến An Khánh – Lư Châu, trở thành phái thực lực địa phương lớn nhất của Thái Bình Thiên Quốc.

Tháng 4 năm thứ 9 Kỷ Mùi, Hồng Tú Toàn phong cho Hồng Nhân Can, người vừa đến Thiên Kinh hơn 40 ngày làm Can Vương, phá bỏ lời hứa “vĩnh viễn không phong vương nữa”, dẫn tới việc mọi người bất phục. Với kiến nghị của Hồng Nhân Can, Hồng Tú Toàn phong Trần Ngọc Thành, khi đó địa vị cao nhất, chiến công hiển hách nhất làm Anh Vương, đồng thời hạ chiếu chỉ “việc ngoài không quyết được thì hỏi Anh Vương, việc trong không quyết được thì hỏi Can Vương, hai việc mà không quyết được thì hỏi Thiên Vương”.

Tháng 2 năm thứ 10 Canh Thân (1860), Trần Ngọc Thành đông tiến theo sự điều động của Hồng Nhân Can, và vào tháng 3 nhuận hiệp trợ Lý Tú Thành đại phá đại doanh Giang Nam. Sau đó chuyển chiến Tô Nam, Tô Bắc, một dạo bao vây Dương Châu, ép sát Hàng Châu. Tuy nhiên lúc này Tương quân lợi dụng khi ông đông hạ, mật tập Tung Dương, tiến vây An Khánh, ông đành phải mang thương tích vượt sông vào tháng 8, ý định đánh chặn Tương quân, nhưng liên tiếp gặp bất lợi.

Ngày 26 tháng 7 năm thứ 11 Tân Dậu, An Khánh thất thủ, Trần Ngọc Thành mất hết tinh nhuệ, lui về giữ Lư Châu, không lâu sau bị cách chức lưu nhiệm. Ông càng cảm thấy uất ức, không muốn trở về Thiên Kinh nương nhờ kẻ khác, biết rõ Hoản Bắc khó có thể trú chân vẫn tử thủ Lư Châu, đồng thời phái Trần Đắc Tài, Lại Văn Quang, Lương Thành Phú, Lam Thành Xuân, Mã Dung Hòa, Phạm Lập Xuyên bắc thượng, ý định liên hiệp với Niệm Quân và phái thực lực địa phương Miêu Bái Lâm để phát triển Hoản Bắc, nhưng mấy cánh quân này sau khi vây đánh Dĩnh Châu không hạ được lại nhất lộ bắc thượng đến Thiểm Nam Hán Trung, dẫn tới việc nguyên khí của Trần Ngọc Thành vốn đã bị tổn thương lại càng suy yếu.

Mùa xuân năm thứ 12 Nhâm Tuất (1862), tướng Thanh Đa Long A đem quân áp sát Lư Châu, hợp vây ba cửa Đông, Tây, Nam, “chỉ cách một tầm pháo”, mặt bắc cũng có quân địa phương Định Viễn kềm chân cách thành hơn 10 dặm, Trần Ngọc Thành nhiều lần khẩn cầu các lộ quân Thái Bình về cứu, nhưng ngoại trừ quân của Trần Khôn Thư từ Thường Châu ngày đêm về cứu, giữa đường bại trận quay về, các nơi khác hoặc có lòng mà không có sức, hoặc nhắm mắt làm ngơ, mà quân do Trần phái đi viễn chinh cũng không thể trở về kịp lúc.

Tháng 4 cùng năm, Miêu Bái Lâm, đã bí mật đầu hàng Thắng Bảo, gửi thư cho Trần Ngọc Thành, nói có thể điều động 4 kỳ, 120 vạn đại quân, cùng Trần phối hợp tiến đánh Trung nguyên. Trần vui mừng khôn xiết, bất chấp bộ hạ phản đối, quyết ý phá vây chạy lên phía bắc với Miêu Bái Lâm.

Ngày mùng 1 tháng 4, Trần Ngọc Thành dẫn bộ hạ đột phá trùng vây, do lòng quân ly tán, mấy vạn quân mã nhất lộ tan rã, lúc tới được bên ngoài thành Thọ Châu chỉ còn hơn 4000 người, Miêu Bái Lâm trốn không gặp, để cháu là Miêu Cảnh Khai lừa bọn Trần Ngọc Thành hơn 20 người vào thành rồi bắt giữ, thu nạp tàn quân bên ngoài thành, lập tức đem áp giải Trần Ngọc Thành đến doanh trại của Thắng Bảo.

Trong doanh trại của Thắng Bảo, Trần Ngọc Thành lời nói bất khuất, nói rằng “Thiên triều ân trọng, không thể đầu hàng”, “hình phạt đao búa, một người gánh chịu”, bị áp giải về Bắc Kinh. Do dọc đường không ngừng có Niệm quân và bộ thuộc cũ của Trần Ngọc Thành muốn giải cứu, Thanh đình lo sợ có chuyện nên hạ lệnh “xử lăng trì tại chỗ”. Ngày 23 tháng 4, cuộc đời Trần Ngọc Thành khép lại tại giáo trường Diên Tân, Hà Nam, tuổi mới 26.

Trần Ngọc Thành hiệu xưng “tam tẩy Hồ Bắc, cửu hạ Giang Nam”, phá 3 tòa tỉnh thành, hơn 150 châu huyện, “bắt sống 4 vị đại khâm sai”, chiến tích chói lọi trong quân Thái Bình. Trước khi chết ông từng nói, “Thái Bình Thiên Quốc mất đi ta, có thể nói là mất đi một nửa giang sơn”, hai năm hai tháng sau khi ông mất, Thiên Kinh thất thủ, Thái Bình Thiên Quốc diệt vong, đúng là không may nói trúng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem