Đảo Bạch Long Vĩ "thay da đổi thịt", người dân thu nhập đáng kể nhờ phát triển dịch vụ này

Vũ Thị Hải Thứ tư, ngày 15/03/2023 06:00 AM (GMT+7)
Một ngày đầu tháng 3 sóng yên biển lặng, chúng tôi bước chân lên con tàu mang tên loài hoa được xem là biểu tượng của Hải Phòng, tàu Hoa Phượng để ra với đảo Bạch Long Vĩ. Thời điểm này, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trên đảo đang tất bật lo toan cho công việc chuẩn bị Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện đảo.
Bình luận 0

Xuất phát từ 1 bến cảng ở khu vực Đình Vũ, sau 6 giờ lênh đênh trên biển, chúng tôi đã thấy xuất hiện trước mũi tàu Hoa Phượng một hòn đảo nhỏ nổi lên giữa mặt biển bao la. Hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ neo đậu trước cửa bến tạo nên không khí nhộn nhịp cho đời sống của hòn đảo xa đất liền nhất khu vực Vịnh Bắc Bộ. 

Nhịp sống an bình trên đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng - Ảnh 1.

Đảo Bạch Long Vĩ đã trở thành trung tâm hậu cần nghề cá trên vịnh Bắc Bộ để bà con ngư dân yên tâm bám biển dài ngày. Ảnh: Vũ Thị Hải

Đó là những con tàu đánh cá của ngư dân vào đảo nghỉ ngơi sau những hành trình dài đánh bắt trên biển để tiếp thêm lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nước đá và những nhu yếu phẩm khác. Đảo Bạch Long Vĩ, hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, những năm gần đây, gánh thêm sứ mệnh là trung tâm hậu cần nghề cá cho ngư trường lớn trên vịnh Bắc bộ. 

Cũng nhờ đó, Bạch Long Vĩ trở thành chỗ dựa để ngư dân yên tâm đánh bắt xa bờ, vào tránh trú bão, làm hàng và ngược lại, người dân trên đảo có thêm nghề mới: dịch vụ hậu cần nghề cá với nguồn thu nhập đáng kể. 

Nhịp sống an bình trên đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng - Ảnh 2.

Toàn cảnh đảo nhỏ Bạch Long Vĩ nổi lên giữa biển khơi. Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa.

Chúng tôi dừng chân tại một quán cà-phê để uống nước và trò chuyện với người dân trên đảo. Chị Hường- chủ quán (trú tại khu phố 2) vừa tất bật pha nước cho khách, vừa rộn ràng kể chuyện về cái duyên đưa chị đến với hòn đảo xa xôi này, rồi vì sao chị lại gắn bó, không nỡ dời xa đảo. "Lần đầu tiên ra đây, tôi đã nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với đảo. Tình yêu đó có lẽ xuất phát từ trái tim tôi, một người con của một gia đình cách mạng. Bà nội tôi là bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Gia đình bố tôi là một gia đình cách mạng ở Tân Trào, Kiến Thụy. Cuộc sống ở đảo hôm nay tuy còn khó khăn nhưng cũng đã khác xa những năm trước. Tôi nghe các anh chị đi trước kể chuyện những ngày đầu ra đảo cách đây mấy chục năm thật sự gian khổ. Điện không có, nước ngọt hiếm hoi, xa đất liền, xa người thân. Thực sự họ đã phải hy sinh rất lớn để xây dựng đảo quê hương được như ngày hôm nay."- chị Hường xúc động kể.

Chị Hường chia sẻ về việc học hành của con em trên đảo Bạch Long Vĩ. Clip: VTH

Dạo một vòng quanh đảo, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người dân đang thoăn thoắt sơ chế hải sản vừa mua được của ngư dân. Họ mổ cá, bóc tôm rồi cấp đông để chờ bán cho du khách hoặc chuyển vào đất liền. Một người dân cho biết, từ khi đảo xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá, lại có điện sinh hoạt cấp từ điện gió, bà con trên đảo có thể mua tôm, cá của ngư dân, dự trữ cấp đông để bán dần và bán vào đất liền. Cuộc sống cũng từ đó khấm khá hẳn lên. 

"Trước đây không có điện, không chạy được tủ cấp đông, chúng tôi có muốn cũng chẳng làm được gì. Nay thì khác, khách đến thăm đảo muốn mua hải sản gì cũng có. Hàng được cấp đông ngay từ khi còn tươi nên chất lượng đảm bảo, giá cả thì rẻ hơn mua trong đất liền nhiều... "- Người dân này nói. 

Chị Phương, trú tại khu phố 1, chia sẻ về cuộc sống, mưu sinh của người dân trên đảo. Video: VTH

Nhịp sống an bình trên đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng - Ảnh 5.

Người dân trên đảo sơ chế hải sản, một mặt hàng thu mua được từ các tàu vào neo đậu trong khu hậu cần nghề cá. Ảnh: Vũ Thị Hải

Theo chỉ dẫn của chị Vũ Thị Ngân, một cán bộ và cũng là cư dân lâu năm của đảo, chúng tôi đến thắp nhang tại chùa Bạch Long. Giữa mênh mông sóng nước đại dương, tiếng chuông chùa ngân lên vào buổi chiều tà quyện với mùi hương trầm ngào ngạt khiến ai nấy lòng dạ bâng khuâng. Từng viên gạch, từng phiến đá, gốc cây, ngọn cỏ nơi đây, đều in đậm dấu ấn của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. 

Nhịp sống an bình trên đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng - Ảnh 6.

Chùa Bạch Long trên đảo Bạch Long Vĩ, nơi từng viên gạch được ghi dấu tên của Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Vũ Thị Hải.

Sáng sớm hôm sau, đoàn công tác của chúng tôi đến dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ đảo Bạch Long Vĩ. Trong khói hương nghi ngút, những cái tên liệt sỹ ở khắp các miền quê đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ khiến chúng tôi không khỏi nghẹn ngào, giọt lệ rưng rưng nơi khóe mắt. Và, chúng tôi hiểu rằng, đã có rất nhiều các thế hệ thanh niên đã đổ biết bao mồ hôi, công sức, máu xương để giữ gìn và xây dựng để chúng ta có được hòn đảo xinh đẹp như ngày hôm nay. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Quang Tường, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vĩ cho biết, sau 30 năm xây dựng và phát triển, từ một vùng đất hoang vu, cằn cỗi, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã được thay da đổi thịt bằng màu xanh của cây cối, hệ thống đường giao thông nội bộ, hệ thống sản xuất cung cấp điện, nước ngọt, bệnh viện, trường học, cảng và khu neo đậu tàu, trụ sở các cơ quan, đơn vị, nhà dân và các công trình văn hóa khang trang, sạch đẹp. Tất cả những đổi thay kỳ diệu đó là tiền đề để  thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.

Bí thư, Chủ tịch huyện đảo Trần Quang Tường chia sẻ về công tác hỗ trợ bà con ngư dân tránh trú bão. Video: VTH. 

"Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của huyện đảo luôn gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh – quốc phòng. Chính vì thế, trong năm 2023, chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện dự án đầu tư trung tâm dịch vụ hậu cần, bến neo đậu tàu, đón trả khách tuyến Hải Phòng - Bạch Long Vĩ tại Thủy Nguyên; Nâng cao chất lư­ợng công tác y tế, giáo dục và các hoạt động văn hoá; Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ, tài nguyên - môi trường, xây dựng, quy hoạch..."- ông Tường chia sẻ. 

Nhịp sống an bình trên đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng - Ảnh 3.

Sự thay đổi kỳ diệu của huyện đảo xa bờ nhất Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa.

Bà con trên đảo tập dân vũ vào các buổi sáng sớm. Video: VTH.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem