Đạo diễn Lê Mạnh, diễn viên Công Lý chia sẻ hậu trường phim “Bão qua làng”

Thanh Hà Thứ bảy, ngày 02/08/2014 06:54 AM (GMT+7)
Sau những bộ phim rất thành công về đề tài nông thôn như “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, “Ma làng”, “Gió làng Kình”…, trên VTV1 lại có một bộ phim về đề tài nông thôn đổi mới. Nội dung phim “Bão qua làng” gắn với những vấn đề "nóng" như thu hồi đất đai, bỏ phiếu tín nhiệm, các hệ lụy dẫn đến sự tha hóa... được thể hiện khá chân thực và sinh động.
Bình luận 0

May mắn nối tiếp may mắn

Đằng sau những phút thăng hoa, những cảnh quay rất chân thực là sự vất vả, cực nhọc, hy sinh, thậm chí nguy hiểm tính mạng của ê kíp, đạo diễn và dàn diễn viên trong phim.

Đạo diễn Lê Mạnh cho biết, lúc đầu cả anh và người đồng đạo diễn phim “Bão qua làng” là NSƯT Quốc Trọng định chọn bối cảnh cho phim ở vùng bán sơn địa, nơi có hồ nước, có núi, rừng, có lúa, ruộng rau...

Thế nhưng sau khi xem xét kỹ, cả hai đạo diễn đều thấy không phù hợp. Cuối cùng họ quyết định chọn bối cảnh gói gọn trong một làng mang nét đặc trưng của vùng nông thôn Bắc Bộ.

img Hậu trường Bão qua làng.

“Và rất may mắn trong đoàn làm phim, anh họa sĩ đã từng đi làm phim ở nhiều nơi đã giới thiệu cho tôi về xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Sau khi xem xét một vòng quanh làng Nôm, bên cạnh là hai làng nhỏ khác, tôi cảm thấy đây là làng đã hội đủ các yêu cầu từ kịch bản. Đại Đồng giáp ranh với những khu vực chuẩn bị đô thị hóa, nhưng vẫn còn giữ được rất nhiều nếp nhà cổ từ đầu thế kỷ, bên cạnh chùa Nôm, đình thờ thánh Tam Giang. Đặc biệt môi trường sinh hoạt tại đây vẫn còn lưu giữ theo đúng nét văn hóa nông thôn Việt Nam. 4-5 dòng họ lớn vẫn duy trì những ngày giỗ họ với đông đảo con cháu về tề tựu, dù đi xa đến đâu” - đạo diễn Lê Mạnh chia sẻ.

Đạo diễn Lê Mạnh cho hay, đấy là cái duyên, là sự may mắn của anh khi tìm được một làng mà còn giữ được nét văn hóa, nếp sinh hoạt rất nông thôn Việt Nam của ngày trước. Bộ phim còn may mắn hơn khi chính quyền địa phương từ huyện đến xã, đoàn thể cũng như người dân ở Đại Đồng đối xử rất tốt. Họ sẵn sàng giúp nấu cơm, bố trí cho diễn viên nơi nghỉ ngơi, cho mượn ruộng rau, thậm chí đồng ý cho đoàn làm phim phá luống rau... Và đặc biệt sự chia sẻ của những người dân về đời sống, sinh hoạt về nông thôn, ví dụ như cảnh bầu cử trưởng thôn.

Lúc đầu đạo diễn định quay tại trường tiểu học, nhưng được sự góp ý, giúp đỡ của các cụ bô lão trong làng, đạo diễn đã được phép quay tại đình làng - nơi hợp với không gian, cảnh quan của việc bầu cử tại làng quê.

Chịu rét để có cảnh quay chân thực

Để có được những cảnh quay chân thực nhất, có những diễn xuất tốt nhất, cả đạo diễn lần diễn viên phải chịu vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tất cả đều vì say nghề, yêu nghề mà nỗ lực để có những diễn xuất, những phân đoạn tốt.

Bộ phim được bắt đầu khởi quay từ tháng 11.2012 và kết thúc quay vào tháng 4.2013. Với 5 tháng quay liên tục và vắt qua 2 mùa chính là mùa đông và mùa hè, cả dàn diễn viên đã phải chịu cái rét cắt da, cắt thịt khi mặc áo mỏng để quay giữa mùa đông và chịu cái nóng chảy mỡ, mồi hôi nhễ nhại khi diện áo ấm để quay giữa mùa hè.



Đạo diễn Lê Mạnh
  Dù chỉ mới 2 tập phát sóng nhưng “Bão qua làng” đã nhận được rất nhiều phản hồi tốt từ bà con. Tất cả đều khen bộ phim diễn rất thật, cảnh quay đẹp đúng chất vùng nông thôn”...  

Khổ nhất là diễn viên Công Lý và diễn viên Phú Đôn, có những cảnh quay đã phải chịu giá rét trong khi quần áo mặc phong phanh.

Trong kịch bản có phân đoạn, khi ông trưởng thôn cũ thường ngày vẫn hay thắp sáng một ngọn đèn ngay đầu ngõ nhà ông để cho dân làng đi, nhưng từ ngày mất chức ông đã bỏ cái đèn đó đi. Và có một cháu bé khi đạp xe đi qua đây vì không còn đèn nữa nên đã bị ngã và khóc, khiến ông trưởng thôn cũ (do Phú Đôn thủ vai) nghe tiếng khóc từ trong nhà chạy ra ngõ xem có chuyện gì…

“Đây là cảnh quay vào lúc đêm khuya, trời đầy sương mù và nhiệt độ dưới 11 độ, trong khi anh Đôn chỉ được mặc áo ba lỗ, quần đùi. Mỗi khi cởi áo khoác để tiếp tục quay, anh Đôn run cầm cập, người tím tái, khiến tôi cứ ngay ngáy lo anh ốm bởi anh ấy có thân hình mảnh mai, cò hương. Quay đi quay lại hơn 2 tiếng mới xong, vì thế anh Đôn cứ cởi áo khoác chạy từ trong nhà ra ngõ, chạy vào lại mặc áo khoác, cứ thế cả trăm lần trong một tối” - đạo diễn Lê Mạnh kể.

Còn với diễn viên Công Lý cũng có những kỷ niệm khó quên và một trận cảm lạnh nhớ đời khi làm phim “Bão qua làng”. Cảnh cả làng cùng nhau ăn mừng và tổ chức lễ hội tại sân của đình làng, nơi gió lùa tứ bề, Công Lý đã phải diễn đi diễn lại rất nhiều lần. Mỗi lần quay xong, anh lại nhanh chóng chạy vào xe ô tô và ủ ấm nhưng vì trời quá rét nên cũng bị cảm lạnh, hai hàm răng lập cập đánh vào nhau, lưỡi cứng lại không nói được.

“Lúc đấy tôi thấy người ớn lạnh, mặt tái, môi tím nhưng không dám bảo nghỉ luôn, vì còn cả đoàn làm phim, rồi các diễn viên quần chúng là bà con trong đó có người già, người trẻ đang đợi quay cho xong. Mình nghỉ thì cả ê kíp phải nghỉ hôm đấy như thế thật không hay, nên dù biết là sẽ ốm nhưng sau khi được “xông lưỡi” bằng cốc trà gừng và nghỉ ngơi một tiếng, tôi lại tiếp tục diễn” - diễn viên Công Lý kể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem