Với tư cách là đạo diễn “Người phán xử” tiền truyện, anh nói sao về những tranh cãi trái chiều xoay quanh các cảnh bạo lực, chửi tục và cảnh nóng?
Với tư cách người sản xuất kiêm đạo diễn, tôi luôn muốn đưa tới cho khán giả những gì chân thật nhất, sao cho khán giả tin những thứ như thế đang diễn ra ở ngoài đời. Chuyện chửi tục, chửi thề, cảnh bạo lực, cảnh nóng… ở phần này có thể dày hơn phần phát trên truyền hình vì khâu kiểm duyệt khác. Đây là phần phát hành trên mạng nên sẽ hạn chế được độ tuổi xem. Việc tạo ra dư luận hai chiều kiểu có người đồng tình và người phản đối là ý đồ của nhà sản xuất. Và đương nhiên chúng tôi sẽ có những điều chỉnh thích hợp khi thấy dư luận phản ứng quá lên.
Đạo diễn Khải Anh.
Nhiều người cho rằng, phim phát hành online thì trẻ con vẫn có thể xem được. Vậy khi sản xuất cần phải tính đến phương án làm thế nào để dung hòa tất cả các đối tượng?
Việc dung hòa tất cả các đối tượng là rất khó. Nếu dung hòa được các đối tượng khán giả phải tầm phim Mỹ trở lên mới làm được. Tôi không biết độ tuổi của khán giả xem phim chiếu rạp bây giờ như thế nào nhưng với phim Mỹ về Việt Nam, có một số phim còn quá hơn cả phim của Việt Nam. Vậy tại sao không cấm những phim đấy mà lại cấm phim của Việt Nam.
Bên cạnh đó, phim làm về đề tài xã hội đen nên để mô tả chân thực nhất chúng ta phải dùng đến những hình ảnh như thế. Có như thế khán giả mới thấy phim làm đúng thực tế, không cường điệu quá và không hư cấu quá. Làm phim về giới giang hồ không thể nào dùng ngôn ngữ hoa mỹ kiểu “ấy”, “tớ”, “cậu” và không đánh đấm mà chỉ “vuốt má”.
Những tập ở phần 1 không có các ngôn từ “chợ búa”, “giang hồ”… vẫn vô cùng hấp dẫn. Vậy việc đưa vào phần tiền truyện những ngôn từ đó, anh có dụng ý gì?
Tôi nhắc lại, ngay từ đầu, khi bắt tay vào thực hiện chúng tôi muốn đưa đến cho khán giả những gì chân thực nhất. Còn tôi không có ý dùng từ ngữ thô tục, cảnh nóng, bạo lực… để câu like, câu view gì cả.
Theo tôi, chúng ta không nên xoáy vào những chi tiết nhỏ trong phim mà làm cho giá trị bộ phim bị giảm xuống. Chúng ta nên nhìn vào tổng thể phim là mang đến cho khán giả những gì chân thật nhất, đời sống nhất.
Cảnh của Vân Dung với Việt Anh trong "Người phán xử" tiền truyện.
Theo anh, yếu tố hài hước trong “Người phán xử” tiền truyện được đẩy lên nhiều hơn phải chăng để cân bằng với những cảnh bạo lực?
Đó là ý đồ của tôi ngay từ đầu. Làm thế nào cho nó nhẹ bớt và mới khác đi để khán giả xem không thấy chán. Bây giờ chúng tôi làm phần tiền truyện mà truyền thông với khán giả lại bảo: “Ôi dào, tưởng thế nào chứ chẳng có gì sáng tạo cả. Vẫn ngần đấy câu thoại, vẫn ngần đó thái độ, vẫn chỉ những tình tiết như thế…” có thể lại gây ra phản ứng khác, nhiều người lại cho copy y nguyên phần trước. Chúng tôi không muốn đi theo vết xe đổ đó.
Việc anh mời những gương mặt hài như Vân Dung tham gia phim có phải để tạo yếu tố vui vẻ cho phim?
Không phải thế đâu. Thực ra mọi người chưa xem chị Vân Dung diễn chính kịch, khi xem chị ấy diễn chính kịch rồi mọi người sẽ thay đổi quan niệm. Không phải cứ đưa diễn viên hài vào phim là phải diễn hài. Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy, chúng tôi dùng diễn viên hài nhưng lại diễn chính kịch. Và đương nhiên phim khi hấp dẫn phải dùng tới những diễn viên mới.
Tôi không bất ngờ với cách diễn của chị Vân Dung vì đến bây giờ tôi đã làm việc với chị ấy được 15 năm rồi. Khi chúng ta dùng diễn viên, chúng ta phải tin người ta, nếu chúng ta không tin thì tốt nhất chúng ta không nên mời họ.
Phần 1 của “Người phán xử” gây được nhiều hiệu ứng tích cực, theo anh, vì sao không làm tiếp phần 2 mà chỉ làm phần tiền truyện?
Cái này nên hỏi ý kiến lãnh đạo chứ tôi cũng không biết trả lời vì sao không làm phần 2. Nói thật, chúng tôi cũng hơi “lưỡng”, 50% muốn làm tiếp, 50% muốn dừng lại. Tại sao chúng tôi phải sản xuất phần tiền truyện vì số lượng tập nhỏ, chỉ phổ biến trên mạng chứ không chiếu trên truyền hình. Đây là cách để đo thử phản ứng của khán giả như thế nào.
Cảnh nóng, bạo lực, chửi thề... trong phim đã dấy lên những luồng ý kiến trái chiều.
Tôi quan niệm, phần 2 không bao giờ hay bằng phần 1 cả. Phần 1 là mới mẻ về đề tài, cách thể hiện, diễn viên, trang phục… tát cả mọi thứ đập vào mắt khán giả bao giờ cũng gây được ấn tượng tốt nhất. Còn phần 2, khán giả đã biết câu chuyện trước đó rồi nên bị bó hẹp bởi khuôn khổ mình đã đặt ra từ trước.
Phần 2 vượt qua phần 1 là rất khó, trên thế giới cũng vậy. Đấy là lí do vì sao chúng tôi chỉ làm phần tiền truyện thôi để vẫn giữ được những cái gì khán giả thích nhất. Chẳng hạn, tính cách của Phan Hải chưa bị sến súa, tất cả các thế lực vẫn đang rất mạnh. Chúng tôi lựa chọn phần đó là thời kỳ Phan Thị đang vượng nhất và đấy cũng là yếu tố khán giả đang muốn nhắc đến.
Có ý kiến cho rằng, kịch bản gốc của “Người phán xử” đã làm hết, nếu giờ làm tiếp phần 2 phải viết kịch bản từ đầu nhưng vẫn phải trả tiền tác quyền?
Như mọi người đã biết, với “Người phán xử” phần 1 chúng tôi Việt hóa đến 70% và 30% giữ lại gốc thôi. Vậy thì không khó để chúng tôi viết lại một câu chuyện hoàn toàn mới.
Khi được giao làm “Người phán xử” tiền truyện anh có gặp áp lực nào không?
Thực ra tôi chẳng gặp áp lực nào cả vì lãnh đạo giao thì mình phải làm thôi. Còn việc thực hiện gấp gáp như thế cũng là xu hướng của VFC trong những năm sắp tới. Tức là bắt kịp được những nhu cầu mới mẻ của khán giả. Chỉ cần nắm bắt được khán giả đang muốn gì, thích xem gì ở thời điểm đó… ngay lập tức chúng tôi có thể lên đề tài thực hiện luôn. Cảm giác muốn làm xong sớm nhất để đưa đến cho khán giả xem ngay là kỳ vọng của VFC. Nếu bây giờ những xu hướng mới nổi lên nhưng một vài tháng sau mới bắt tay vào làm thì đã bị “nguội”.
Qua hai tập phát sóng, nhìn thấy lượng người xem như thế, anh thấy thế nào?
Tôi thấy hài lòng vì một bộ phim có dư luận trái chiều và thuận chiều mới là phim thành công. Phim chỉ có những lời khen thôi chưa chắc đã hay.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.