Đạo diễn Việt Tú: Chiến thắng lớn nhất là kết luận "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 15/03/2019 18:06 PM (GMT+7)
“Tôi cho rằng đấy là chiến thắng lớn nhất của ngày hôm nay, không chỉ cho riêng tôi mà cho tất cả các nghệ sĩ. Trước ý kiến của Hội nghệ sĩ sân khấu VN hay tới đây của toà án, tôi tin là sau đây nếu nghệ sĩ làm muốn làm bậy cũng sẽ hết sức phải cân nhắc”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ.
Bình luận 0

img

Chiều ngày 14/3, TAND TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp “Quyền sở hữu trí tuệ” giữa nguyên đơn là Công ty Tuần Châu Hà Nội và bị đơn là Công ty DS do đạo diễn Việt Tú làm chủ.

Sau phần trình bày của nguyên đơn và bị đơn, phiên toà trở nên căng thẳng tại phần hỏi đáp và tranh luận. Phía Công ty Tuần Châu Hà Nội đã từ chối trả lời nhiều câu hỏi với lý do không nằm trong phạm vi vụ xét xử cũng như đó là thông tin bí mật trong kinh doanh không thể tiết lộ.

Phiên toà diễn ra hơn 5 giờ đồng hồ mà chưa có phán quyết cuối cùng, sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào sáng 20.3.

img

Chia sẻ với báo chí sau khi kết thúc phiên toà sơ thẩm, đạo diễn Việt Tú cho biết: "Tôi đến đây không phải tranh quyền chủ sở hữu tác phẩm với Công ty Tuần Châu Hà Nội. Mục tiêu  chính tôi đạt được trong ngày hôm nay là ý kiến của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và 5 ý kiến của 5 nghệ sĩ, đạo diễn, biên đạo hàng đầu VN rằng Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh từ vở Ngày xưa. Tôi chưa bao giờ có ý tranh đoạt chủ sở hữu với bên Công ty Tuần Châu Hà Nội, điều đó chưa bao giờ được đưa vào lịch trình. 

Luật sư phía Công ty Tuần Châu Hà Nội đã đưa vào như luận điểm tấn công rằng, tôi tự ý đi đăng ký quyền chủ sở hữu, nên tôi phải đưa ra luận điểm để chứng minh rằng tôi không có ý định chiếm giữ và ngày hôm nay tôi khẳng định điều này ở toà rất nhiều lần.

Tôi nghĩ ngày hôm nay tôi đến đây về một vấn đề cực kỳ quan trọng, đó là đạo đức nghề nghiệp. Đây là điều cực kỳ kinh khủng trong thời điểm hiện tại ở trong thế giới nghệ thuật. Nhiều ông cầm nhầm của những ông khác, thậm chí là cố tình. 

Tôi cho rằng đấy là chiến thắng lớn nhất của ngày hôm nay, không chỉ cho riêng tôi mà cho tất cả các nghệ sĩ. Trước ý kiến của Hội Nghệ sĩ Sân khấu hay tới đây là của toà án, tôi tin là sau đây nếu ai đó muốn làm bậy cũng sẽ hết sức phải cân nhắc. Bởi chúng ta bây giờ hội nhập. Tôi tin rằng đây là phiên sơ thẩm thôi, còn phiên phúc thẩm sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý của hãng luật quốc tế, bởi rõ ràng họ đang giám sát chúng ta, họ không quan tâm tranh chấp giữa tác giả và chủ đầu tư, hợp đồng đâu. Họ quan tâm tới quá trình chúng ta thực thi việc bản quyền sở hữu trí tuệ như thế nào, chúng ta tôn trọng ra sao để quyết định chúng ta có ở trong hiệp ước đó hay không. Đây là điều rất quan trọng”, đạo diễn Việt Tú chia sẻ.

img

Trước câu hỏi của phóng viên Dân Việt về quan điểm đại diện Viện kiểm sát đã đọc tại toà sơ thẩm có phần nghiêng về Công ty Tuần Châu Hà Nội, đạo diễn Việt Tú cho biết: “Chúng ta phải bắt buộc tôn trọng ý kiến của rất nhiều bên, trong đó có ý kiến của Viện kiểm sát. Nhưng chúng tôi chỉ nói thế này, ý kiến cuối cùng và quan trọng nhất là của toà án, chứ không phải là Viện kiểm sát. Viện kiểm sát luôn luôn có quyền đưa ra ý kiến. Tôi hoàn toàn tôn trọng quan điểm của Viện kiểm sát. 

Tôi vẫn nhấn mạnh kết luận của Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, tác phẩm Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh vẫn là điều quan trọng nhất, bởi vì nó liên quan tới đạo đức nghề nghiệp, chưa kể bạn đạo diễn trẻ kia còn đang kiện tôi xúc phạm nhân phẩm, tôi hy vọng công văn này sẽ là câu trả lời cho bạn ấy”.

Theo đạo diễn Việt Tú, tại phiên toà sơ thẩm này, điều khiến anh cho là chưa chính xác là khoản tiền Công ty Tuần Châu Hà Nội đã công bố không còn nợ phía Công ty DS. 

“Nhưng rõ ràng Tuần Châu Hà Nội vẫn đang nợ chúng tôi. Nhưng tôi đến đây không phải đòi nợ, số tiền đó quá nhỏ so với công sức tôi bỏ ra. Mà tôi muốn chứng minh điều đó không phải là sự thật. Họ nói rằng đã thanh toán hết rồi, nhưng sự thật đã thanh toán hết đâu? Tôi chỉ nói thanh toán trong hợp đồng thôi nhé, mọi người lưu ý không phải 7,3 tỷ như Công ty Tuần Châu Hà Nội vẫn nói, mà 7,3 tỷ cộng với 10% đầu vé mà họ thường xuyên trốn tránh, cộng với phụ lục hợp đồng.

img

Một điều nữa mà tôi muốn báo chí đưa lên là, tất cả các đại lý du lịch do tôi giới thiệu thời kỳ đầu mua vé đến xem vở diễn Thuở ấy xứ Đoài thì bây giờ họ nói những chiếc vé đó không phải do họ phát hành. Đồng thời hành động dùng trailer của vở diễn Thuở ấy Xứ Đoài (Ngày xưa) để quảng bá vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ là hành động lừa dối khán giả”.

Trước câu hỏi tiếp của Dân Việt, Tuần Châu Hà Nội trả lời trước Hội đồng xét xử rằng những chứng cứ DS đưa ra như vé, hoá đơn không hề có con dấu của Công ty Tuần Châu Hà Nội, đạo diễn Việt Tú cho hay: “Các nhà báo đã cầm trên tay chiếc vé của vở diễn Thuở ấy xứ Đoài, tôi tin toàn là các nhà báo uy tín, không ai lại nói dối điều đó cả. 

Tôi khẳng định đó là những chiếc vé do Công ty Tuần Châu Hà Nội phát hành, tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về những chứng cứ đó. Tôi cũng tin rằng, nếu ai đó khẳng định đó là vé giả, tôi sẽ đề nghị pháp luật làm rõ việc này”.

Nội dung văn bản kết luận của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nêu rõ, tiếp nhận công văn của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội ngày 22.10.2018, đề nghị Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam với tư cách là hiệp hội nghề nghiệp của các nghệ sĩ sân khấu đưa ra ý kiến chuyên môn về 2 tác phẩm (có tranh chấp), đó là:

Chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ có dấu hiệu sao chép lại cách thể hiện chủ chốt của kịch bản cũng như vở diễn Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài) không? 

Công ty DS hiện đã nộp tới toà bằng chứng về việc Công ty Tuần Châu Hà Nội sử dụng hình ảnh và trailer (phim ngắn giới thiệu) của vở diễn Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài) để quảng cáo bán vé cho chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ trong giai đoạn trước tháng 11.2017. Đề nghị Quý Hội cho biết ý kiến của mình, cả về mặt chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cũng như đánh giá về khả năng tương tự giữa các kịch bản/vở diễn kia để quảng cáo bán vé. Trong thực tế, đã xảy ra trường hợp nào như vậy chưa?

Vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ đã bị cáo buộc sử dụng gần như toàn bộ diễn viên (người nông dân), trang phục, đạo cụ, thiết kế ánh sáng, âm thanh vốn được xây dựng, thiết kế dành riêng cho vở diễn có trước Ngày xưa (Thuở ấy xứ Đoài) ở cùng thể loại trình diễn thực cảnh. Nếu cáo buộc này là đúng, từ góc độ sân khấu, vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ có được coi là sáng tạo độc lập khỏi vở diễn có trước Ngày xưa hay không? Trong thực tế, đã xảy ra trường hợp nào như vậy chưa?

Trước các câu hỏi của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã ký Quyết định số 232/QĐ-HNSSK ngày 2.11.2018 thành lập Hội đồng thẩm định gồm những người có trình độ và uy tín nghề nghiệp cao. Ngoài công văn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam còn nhận được những tài liệu phục vụ cho việc xem xét đưa ra ý kiến chuyên môn bao gồm: Kịch bản vở diễn Ngày xưa, kịch bản vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ; Video quay lại vở diễn Ngày xưa, video quay lại vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ; Bản liệt kê các phân cảnh bị cáo buộc sao chép giữa Tinh hoa Bắc Bộ và Ngày xưa; Các bản vẽ thiết kế 3D và thiết kế cảnh quan, ý tưởng nghiên cứu từ ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng cho vở diễn Ngày xưa; Bài báo trên trang báo Sài Gòn Giải Phóng online trong đó Công ty Tuần Châu Hà Nội thừa nhận xây dựng Tinh hoa Bắc Bộ kế thừa những kinh nghiệm đã có và phát huy hơn nữa phần nội dung và hình thức thể hiện của vở diễn Ngày xưa.

Các tài liệu này đã được Hội Nghệ sĩ Sân Khấu Việt Nam sao chuyển cho các thành viên trong Hội đồng thẩm định để xem xét, nghiên cứu, so sánh và có ý kiến nhận định về chuyên môn theo yêu cầu của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội.

Với câu hỏi 1, Hội đồng thẩm định cho biết chương trình có nhiều điểm giống nhau về cơ bản.

+ Về ý tưởng: hai chương trình đều có chung một ý tưởng dàn dựng, trình diễn thực cảnh nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc; chỉ khác nhau ở tên gọi từng trò diễn, từng phân cảnh.

+ Về chất liệu: Hai bên đều sử dụng loại hình nghệ thuật múa rối nước kết hợp với những màn biểu diễn tập thể, và cùng một địa điểm (chùa Thầy, Sài Sơn)

+ Về kết cấu câu chuyện: nội dung của các tiết mục trong hai chương trình có nhiều điểm giống nhau tuy tên gọi của các nhân vật có khác nhau như (Tễu và Mõ). Hoặc thay bài hát dân ca này bằng bài dân ca khác. Về một số phân cảnh: có nhiều phân cảnh giống nhau, ví dụ: Thánh tổ Từ Đạo Hạnh xuất hiện (một vở đổi tên phân cảnh thành cõi Phật); Vinh quy bái tổ, Hội làng (một vở đổi tên thành Ngày hội)…

Chi tiết giống nhau là hai bên đều sử dụng ngôi nhà thuỷ đình có gắn động cơ ở trên hồ, cho thuỷ đình chuyển động, chỉ khác nhau về hướng chuyển động (một bên chuyển động từ dưới nước lên; một bên là hạ từ từ xuống). Về nguyên tắc của rối nước truyền thống: nhà thủy đình tuyệt đối đứng yên, không chuyển động; Hai chương trình lại cùng diễn ra ở cùng 1 địa điểm (chùa Thầy, Sài Sơn) nên không gian nghệ thuật cũng bị lặp lại…

Diễn viên tham gia trong 2 chương trình cũng giống nhau về số lượng tương đương, kể cả đạo cụ biểu diễn trong 2 chương trình cũng không khác nhau là mấy.

Nếu vở Ngày xưa có trước, thì việc sử dụng hình ảnh và trailer để quảng cáo bán vé cho vở diễn có sau là Tinh hoa Bắc Bộ trong thực tế chưa có trường hợp nào và cũng không có quy định nào cho phép như vậy.

Từ thực tế so sánh hai chương trình, Hội đồng thẩm định nhận thấy: hai chương trình nghệ thuật đều giống nhau về căn bản: Từ ý tưởng, chất liệu, kết cấu, đến địa điểm, trang phục, đạo cụ…

Với câu hỏi thứ hai của Toà án, Hội đồng thẩm định trả lời: Nhìn từ góc độ sân khấu, vở diễn Tinh hoa Bắc bộ không được coi là một sáng tạo độc lập mà chỉ có thể coi là vở diễn phái sinh. Đề nghị phải đảm bảo nguyên tắc chuyên môn của sáng tác và đạo đức nghệ sĩ cũng như những quy định pháp luật về quyền tác giả có liên quan. Trong thực tế của nghệ thuật biểu diễn chưa từng xảy ra trường hợp nào như vậy mà được coi là sáng tạo độc lập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem