Đạo diễn Vương Đức bật mí tình tiết thú vị trong phim “Nhà tiên tri”

Thiên Việt (thực hiện) Thứ tư, ngày 12/11/2014 09:56 AM (GMT+7)
Bộ phim “Nhà tiên tri” xây dựng hình tượng Bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp đã bắt đầu bước vào giai đoạn hậu kỳ. NSƯT Vương Đức (ảnh) - Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam, được giao trọng trách đạo diễn bộ phim đã “bật mí” một số tình tiết thú vị trong quá trình làm phim.
Bình luận 0

Thưa ông, việc nhận nhiệm vụ làm một bộ phim lịch sử về Bác Hồ trong thời điểm này có phải là một quyết định khó khăn với cá nhân ông và hãng phim?

img NSƯT Vương Đức  - Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam

 

- Trước tiên xin nói về kịch bản, đây là một kịch bản rất hay dựa vào các yếu tố lịch sự của anh Hoàng Nhuận Cầm viết từ năm 2007, đã đoạt giải nhưng vướng một số trục trặc, khó khăn nên đến ngày hôm nay mới đem ra làm phim. Đây không phải là bộ phim đầu tiên làm về Bác Hồ. Đã có những bộ phim rất tốt về Bác như: “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Hà Nội mùa đông năm 1946”, “Nhìn ra biển cả”… Tuy nhiên cuộc đời hoạt động vĩ đại của Bác vẫn còn nhiều điều mà nhân dân chưa được biết, do vậy chúng tôi rất mong muốn được đưa lên màn ảnh quãng thời gian Bác đã trải qua trong kháng chiến chống Pháp, thời gian mà sự thiên tài của lãnh tụ luôn song hành với khó khăn gian khổ của cuộc chiến sống còn.

Trong phim Bác là nhân vật chính, là trung tâm “trái tim lớn” của cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Vì vậy nhận lời làm bộ phim này là một quyết định hết sức quan trọng với tôi và của cả êkíp làm phim.

Câu chuyện mà phim đề cập là giai đoạn nào cụ thể của cuộc kháng chiến chống Pháp?

- Bối cảnh của thời gian từ năm 1947 -1950. Đây là thời kỳ rất khó khăn khi quân đội ta chưa có sự hợp tác với Liên Xô và Trung Quốc, lực lượng còn non kém, vũ khí thô sơ. Vào Thu Đông năm 1947, Pháp đã mở chiến dịch Lê-A hòng bất ngờ tiêu diệt cơ quan đầu não của ta ở Bắc Kạn, nhưng chúng đã thất bại hoàn toàn. Chính phủ đã kịp sơ tán và quân đội đã giáng trả cho kẻ địch những đòn đích đáng. Cũng chính giai đoạn này, sau đó chúng ta đã giải phóng Đông Khê, bắt sống hai binh đoàn Pháp và mở thông đường biên giới sang Trung Quốc (chiến dịch biên giới). Những năm này chính là thời kỳ quan trọng trong cuộc chiến tranh chuyển từ phòng ngự sang chủ động. Và qua đây thể hiện rõ sự lãnh đạo sáng suốt của Bác và T.Ư Đảng dìu dắt con thuyền cách mạng giữa vòng vây.

img Cảnh trong phim “Nhà tiên tri”.     ĐPCC

 

Ông có thể giải thích tại sao tên phim lại là “Nhà tiên tri”?

- Như tôi đã nói là bộ phim này muốn nói lên thiên tài, những quyết định sáng suốt của Hồ Chủ tịch trong kháng chiến. Nội dung phim nhiều lần chứng minh sự linh cảm và tiên tri của Bác, chẳng hạn như có lần khi Người chuyển đến một địa điểm mới thì Bác nói ngay với cận vệ là không được ở đây mà phải đi ngay. Quả nhiên một lát sau thì quân Pháp kéo tới. Hoặc có lần Bác nói với chiến sĩ người Cao Bằng là đến năm 1950 thì đồng chí sẽ được về thăm quê (quả nhiên là tới năm 1950 ta đã giải phóng Cao Bằng và đánh thông biên giới). Sau chiến thắng Đông Khê Bác đã có nhận định: có thể chúng ta không cần đánh Hà Nội mà vẫn được về Hà Nội...

Chúng tôi đã cố gắng xây dựng hình ảnh Bác là một lãnh tụ vĩ đại nhưng vẫn rất gần gũi với quần chúng, với nông dân và chiến sĩ. Người không phải là một ông thánh. Điều đó làm nên sự khác biệt của Bác với những lãnh tụ khác. Cho nên kẻ thù cũng phải kính trọng Người.

Trong bộ phim này sẽ có những tư liệu lịch sử nào mới được giới thiệu với công chúng?

- Phim sẽ có những hình ảnh mới về lịch sử lần đầu được đưa lên màn ảnh, ví dụ như cảnh Bác Hồ sang gặp Stalin vào năm 1950, những đối thoại giữa hai lãnh tụ với nhau. Để chọn nhân vật đóng Stalin, chúng tôi đã phải nhờ xưởng Mosfilm ở Mátxcơva chọn giúp, và sau hơn 100 lượt thử cũng đã chọn được. Phim cũng có những nhân vật lịch sử được lần đầu đưa lên màn ảnh như anh hùng La Văn Cầu, cụ Nguyễn Văn Tố, chiến sĩ Nguyễn Danh Lộc (người đã chạy 4 đêm 3 ngày mang tài liệu lấy từ chiếc máy bay bị rơi của đại tá Pháp về cho Bộ Tổng tham mưu, nhờ đó ta có cách ứng phó kịp thời chiến dịch Lê-A).

Khi làm phim này, chúng tôi cố gắng sử dụng các chi tiết sinh động để phản ánh cuộc chiến gian khổ ác liệt, sự thông minh dũng cảm của quân đội ta tuy vũ khí còn thô sơ, thiếu thốn.

Xin cảm ơn đạo diễn!

Về việc chọn diễn viên Bùi Bài Bình vào vai Bác Hồ, đạo diễn Vương Đức cho biết: NSND Bùi Bài Bình là một diễn viên lâu năm, nhiều kinh nghiệm. Tuổi của anh Bình hiện nay cũng tương đương với tuổi của Bác thời kỳ phim đề cập. Đó là một thuận lợi. Tôi nghĩ là anh Bình đã hoàn thành tốt vai diễn của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem