Đào rãnh trong vườn rồi lót bạt kỳ công, nông dân Sóc Trăng không nuôi cá thì bơm nước vào làm gì?
Đào rãnh trong vườn rồi lót bạt không phải để nuôi cá mà nông dân Sóc Trăng đối phó với nguy cơ gì?
Thứ tư, ngày 30/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra gay gắt, do đó đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm làm giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Trước thực trạng nêu trên, hiện các nhà vườn trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng đã tích trữ nước ngọt để ứng phó với hạn, mặn...
Thông thường, các loại cây ăn trái từ lúc trồng cho đến thu hoạch lứa đầu tiên phải mất từ 1 - 4 năm. Chính vì vậy, việc chăm sóc vườn cây ăn trái, nhất là các loại trái cây đặc sản không hề đơn giản, bởi quá trình sinh trưởng cây sẽ đối mặt một số loại dịch bệnh, sâu hại.
Đặc biệt biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm gần đây, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất cây ăn trái. Do đó, để cung cấp đầy đủ nước ngọt tưới cho cây ăn trái, các nhà vườn đã chủ động tích trữ nước ngọt trong các ao, mương vườn của mình.
Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là vùng đất cù lao, bốn bề sông nước nên được thiên nhiên ưu đãi phù sa bồi đắp, nguồn nước ngọt dồi dào. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, vào các tháng mùa khô trên địa bàn huyện, nước mặn xâm nhập sâu vào các kênh, rạch, cống và len lỏi vào vườn cây ăn trái của hộ dân.
Nắm bắt được “quy luật” này, nhiều nhà vườn đã chủ động nguồn nước tưới cho cây ăn trái của mình bằng cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để vừa đảm bảo việc dự trữ nước hiệu quả, vừa hạn chế thất thoát nước khi ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm.
Để tìm hiểu cách trữ nước của hộ dân, ứng phó hạn, mặn, chúng tôi ghé tham quan vườn nhãn Ido của ông Trần Văn Khánh, ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung, đúng lúc ông đang bơm nước ngầm vào ao dự trữ trong khu vườn nhãn.
Ông Khánh chia sẻ: “Tôi trồng nhãn tính đến nay đã gần 8 năm với diện tích vườn 1,5ha. Theo đó, để ứng phó hạn, mặn mùa khô xảy ra hàng năm, trước khi nhãn bắt đầu cho trái vụ đầu tiên, tôi đầu tư ao lót bạt trữ nước ngọt và gắn thêm hệ thống ống nhựa mềm dọc theo gốc cây quanh vườn, cứ thế mỗi ngày bơm nước lên đầy ao dự trữ, xử lý hạ phèn xong thì dùng nước tưới nhãn. Nhờ có ao lót bạt dự trữ nước nên đảm bảo nguồn nước tưới cho nhãn dồi dào, giúp cây tươi tốt”.
Cũng là hộ dân tích trữ nước bằng ao lót bạt tưới cho cây nhãn, ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây góp lời: “Nhờ chủ động tích trữ nguồn nước ngọt tưới cho vườn nhãn nên trong các năm qua vào các tháng hạn, mặn, vườn nhãn sinh trưởng tốt vì đủ lượng nước cung ứng cho cây. Cùng với đó, khi chủ động được nguồn nước, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nhãn ra hoa vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Do vậy, thường nhà vườn sẽ tận dụng nguồn nước dự trữ tưới cây rồi làm trái nghịch vụ để bán nhãn giá cao. Đồng thời, việc dự trữ nước trong ao lót bạt hạn chế lượng nước thất thoát do rò rỉ ra bên ngoài, nhất là trong ao có lót bạt, nước mặn sẽ không thể xâm nhập được. Đi kèm ao lót bạt là hệ thống ống tưới với giọt nước nhuyễn, góp phần cho nước thẩm thấu vào gốc cây nhanh, tạo độ ẩm lâu trong đất, hạn chế lượng nước tưới cho cây...”.
Mặc dù không lót bạt tại ao vườn nhưng ông Phạm Văn Hết, cũng ngụ tại ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây lại có cách tích trữ nước và áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật khá hay cho khu vườn có nhiều loại cây ăn trái như: xoài, ổi, dừa.
Ông Hết bộc bạch: “Khi ngoài sông có độ mặn lên, tôi đóng kín các cống thoát nước ra vào vườn để trữ đầy lượng nước ngọt trong các ao vườn. Nếu mặn kéo dài, nước trong các ao trữ cạn, tôi sẽ dùng cây bắp tươi đậy gốc cây ăn trái, cắt tỉa bớt cành, lá cây... Đây là các cách tôi đã áp dụng trong tháng mùa khô hàng năm rất hiệu quả”.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung Nguyễn Văn Đắc, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện là 4.700ha. Để bảo vệ vườn cây ăn trái và ứng phó hạn, mặn trong các tháng mùa khô, đơn vị phối hợp địa phương tăng cường công tác dự báo, cảnh báo về tình hình, diễn biến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động các biện pháp ứng phó.
Hướng dẫn người dân tích trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi; vận động người dân chủ động đắp gia cố các bờ bao cục bộ, nạo vét hệ thống kênh nội đồng... để ngăn mặn, trữ ngọt. Khuyến cáo người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt; khuyến cáo mức độ chịu mặn của một số loại cây trồng phổ biến để người dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.