Đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, dân đua nhau "hại" đất bằng phân vô cơ

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 20/04/2018 06:30 AM (GMT+7)
Chỉ mấy tháng đầu năm 2018, diện tích trồng chanh trên địa bàn huyện Bến Lức (vùng trồng chanh chủ lực của tỉnh Long An) đã tăng gần 1.000ha. Do trái chanh trong những tháng qua được mùa, được giá, thu lãi cao nên nhiều hộ nông dân rầm rộ chuyển sang trồng chanh.
Bình luận 0

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Bến Lức, so với cùng kỳ năm 2017, diện tích cây chanh của huyện đã tăng lên 954ha. Hiện, huyện có 4.718ha đất trồng chanh.

Ùn ùn đổ vốn trồng chanh

Dù đã có 1ha trồng chanh, nhưng vừa qua ông Lưu Khánh Cường (xã Lương Hòa, Bến Lức) vẫn quyết định san phẳng 1ha đất mía đang khó khăn về đầu ra, giá cả rẻ mạt, chuyển sang đổ giống trồng chanh. “Nói gì thì nói, đôi lúc giá cả cũng bấp bênh, nhưng trên địa bàn hiện nay, cây chanh là cây trồng ổn định giá cả nhất. Chính vì thế, nông dân rầm rộ chạy theo cây chanh là vậy” - ông Cường chia sẻ.

img

img

 Ông Lưu Khánh Cường vẹt cỏ dưới gốc chanh cho thấy lớp đất đã bị chai sần  sau thời gian dài bón phân hóa học.   Ảnh:  T.Đ

"Khả năng trong thời gian tới diện tích trồng chanh trên địa bàn sẽ tăng thêm. Ngành nông nghiệp đã có khuyến cáo: Đối với diện tích trồng mới phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng để đi vào thị trường khó tính".

Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT
tỉnh Long An

Ông Cường cho biết, hiện trên địa bàn, diện tích mía – cây chủ lực của địa phương lâu nay, teo tóp dần để nhường chỗ cho cây chanh.

Theo nhiều nông dân trồng chanh, hiện bình quân mỗi ha trồng chanh đạt năng suất hơn 20 tấn/năm. Với  giá hiện tại, sau khi trừ chi phí, người trồng chanh lãi vài trăm triệu đồng/ha/năm. Không chỉ phát triển tại những vùng chuyên canh như Bến Lức, cây chanh giờ phát triển rầm rộ tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, gây nguy cơ cung vượt cầu.

Thấy bao năm trồng lúa không khá, anh Lê Văn Tại (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) quyết định chuyển đổi 3,2ha đất sang trồng chanh không hạt. “Tôi đi tham quan mô hình trồng chanh ở Bến Lức, thấy nông dân đạt hiệu quả rất cao nên quyết định chuyển đất lúa sang trồng chanh không hạt” - anh Tại lý giải.

Anh Tại cũng cho biết gia đình đã đầu tư hơn 250 triệu đồng vào vườn chanh không hạt này. Hiện, vườn chanh của anh được một công ty hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. “Với giá bán hiện tại, cây chanh mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cây lúa” - anh thổ lộ.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 8.500ha cây chanh. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh nhận định, vấn đề liên kết tiêu thụ chanh trên địa bàn thời gian qua chủ yếu là liên kết mua bán. Việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất có kết quả nhất định.

Nỗi lo hỏng đất

Với việc nhiều hộ “nhảy vào” trồng chanh, diện tích chanh tăng “chóng mặt”, không chỉ lo đầu ra mà nhiều nông dân trồng chanh đang đối diện với thực tế là đất sẽ hỏng do đáp ứng yêu cầu của nhà thu mua.

Gần 10 năm theo nghề trồng chanh với quy trình bón phân hữu cơ, ông Lưu Khánh Cường buộc phải chuyển sang dùng phân vô cơ để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp thu mua. Theo ông Cường, 3 năm nay ông chuyển sang bón phân vô cơ theo yêu cầu của công ty bao tiêu, vườn chanh gần 2ha của ông chất lượng xuống thấy rõ. “Trước đây khi dùng phân hữu cơ, đất tại gốc chanh khá tơi xốp. Nhưng sau thời gian dài bón phân vô cơ, mặt đất tại gốc cây chai sần. Nước tưới cứ chảy tràn ra chứ không vào gốc chanh được” - ông Cường cho biết.

Chưa hết, sản lượng chanh cũng sụt giảm nghiêm trọng. Ông Cường cho biết, trong thời gian bón phân hữu cơ, sản lượng mỗi cây thu hoạch được 5  - 6kg, nhưng giờ chỉ thu hoạch khoảng 2kg/cây. “Từ khi sản xuất chanh cho công ty, phía họ không cho dùng phân hữu cơ bón cho vườn chanh nữa” - ông Cường cho biết. Vậy tại sao phải trồng chanh bán cho công ty này? Ông Cường lý giải do công ty đó mua chanh giá cao hơn thị trường khoảng 3.000 đồng/kg. Và quan trọng hơn là nhà vườn sản xuất được sản lượng bao nhiêu, công ty cũng mua hết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong (Bến Lức) chia sẻ, ông cũng đang trồng 1,5ha chanh bán cho công ty này. 3 năm trước, do trồng mía thất bại và trái chanh đang sốt giá, ông Phong chuyển 1,5ha đất mía sang trồng chanh theo quy trình bền vững. Ông cho đào hố sâu 1,8m2 rồi trộn phân gà cùng vỏ trấu đổ xuống hố. “Lúc đầu tôi trồng chanh theo quy trình hữu cơ. Từ khi chuyển sang trồng chanh cho công ty, tôi phải bón phân vô cơ theo đề nghị của công ty”- ông chia sẻ.

Theo ông Phong, nếu phân bón hóa học thì công ty đề xuất nhãn hiệu cho nhà vườn mua, còn thuốc bảo vệ thực vật được công ty cung cấp cho nhà vườn. “Hiện dưới gốc chanh phân chuồng vẫn còn, nhưng cứ bón phân hóa học mãi thì không ổn cho đất, cho cây” - ông Phong chia sẻ.

Được biết, hiện công ty này đang bao tiêu cho khoảng 400ha chanh không hạt tại huyện Bến Lức với hàng trăm hộ tham gia.

TS Mai Thành Phụng – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng cho rằng, trong điều kiện chưa thể làm chanh sạch, doanh nghiệp cũng nên liên kết nông dân sản xuất trên nền hữu cơ. Có thể sử dụng phân vô cơ trên nền hữu cơ và hướng dẫn nông dân kiểm soát thời gian cách ly khi thu hoạch nông sản. “Nếu cứ sử dụng phân vô cơ thì chỉ một thời gian sau vườn chanh sẽ tàn lụi” - TS  Phụng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem