Nhiều yêu cầu khắt khe
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Minh Cường – Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh cho biết, do chanh là loại cây ăn trái dễ trồng, đặc biệt có thể cho rải vụ quanh năm nên những năm gần đây, nông dân trên địa bàn đua nhau mở rộng diện tích trồng chanh, dẫn đến sản lượng tăng cao.
Vào mùa nóng, chanh dễ tiêu thụ, bán được giá, nhưng vào mùa mưa thì áp lực tiêu thụ rất lớn, có thời điểm giá chanh rớt thê thảm, chỉ còn 1.500 – 2.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất chanh khoảng 5.000 đồng/kg, khiến bà con bị thua lỗ.
Xã viên HTX sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh chăm sóc vườn chanh. Ảnh: N.H
"Theo định hướng lâu dài, HTX sẽ xây dựng vùng nguyên liệu lớn mạnh hơn để có thể cung ứng cho nhiều khách hàng khác chứ không chỉ riêng thị trường Hàn Quốc”.
Ông Phạm Minh Cường
|
Tuy nhiên, từ khi Công ty In Jae của Hàn Quốc thỏa thuận hợp tác thu mua sản phẩm chanh tươi của HTX (tháng 3.2016), việc sản xuất chanh của bà con xã viên HTX thuận lợi hơn hẳn.
Theo ông Cường, hiện nay, mỗi tháng HTX cung cấp đều đặn khoảng 80 tấn chanh tươi cho đối tác Hàn Quốc với giá bình quân 22.000 đồng/kg chanh không hạt, tương đương trên 1.000 tấn/năm. Trong khi nếu bán tại thị trường nội địa, hiện giá chanh không hạt chỉ đạt 15.000 đồng/kg, còn chanh có hạt giá khoảng 12.000 đồng/kg.
“Để có thể xuất khẩu được trái chanh sang Hàn Quốc, ngoài việc phải đảm bảo sản xuất theo quy trình VietGAP, chúng tôi cũng phải đáp ứng những yêu cầu riêng của đối tác. Ví dụ, mẫu mã và chất lượng chanh phải đồng nhất, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, trọng lượng đạt bình quân từ 16 – 20 trái/kg. Sau khi thu hoạch, chanh phải được sơ chế, test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đóng gói và hút chân không tại HTX” – ông Cường cho biết.
Ôông Trần Văn Rê – thành viên HTX sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh nói thêm: Yêu cầu doanh nghiệp Hàn Quốc đặt ra là sản phẩm chanh phải có chất lượng tốt nhất, an toàn nhất, vì thế trong quá trình canh tác, nông dân chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo thời gian cách ly để không còn tồn dư hoá chất.
Trong quá trình chăm sóc, việc bón phân cũng phải đảm bảo tỷ lệ 50-60% lượng phân bón hữu cơ, còn lại tôi thường bón phân đạm và một số loại phân vi lượng khác để cây chanh phát triển tốt, cho quả sai, kích cỡ đồng đều.
Lo không đủ hàng
Nông dân Nguyễn Văn Đông – thành viên HTX cho biết thêm: Để có những quả chanh to, mọng nước, cây không bị già cỗi hay lão hoá sớm bà con cần đặc biệt chú ý chăm sóc cây và bón phân ở giai đoạn nuôi quả, lượng phân bón chia làm 2-3 lần để bón theo mức độ phát triển của quả.
Nông dân huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) thu hoạch chanh. Ảnh: I.T
Ví dụ, khi cây dưới 1 năm tuổi, bón từ 5-10kg phân hữu cơ hoai mục + 2kg NPK + 100-200gram phân hữu cơ sinh học; hoặc 0,5kg đạm + 1kg lân+0,2kg kali, chia 4-5 lần bón/cây/năm. Khi cây đến giai đoạn thu hoạch, dùng 10-15kg phân hữu cơ hoai mục + 200-300g phân hữu cơ sinh học + 0,5 -1kg đạm + 3- 4kg lân + 0,4kg kali, chia làm 4-5 lần bón (bón sau khi thu hoạch 1 tuần; 4 tuần trước khi cây ra hoa; sau khi đậu quả và phát triển; một tháng trước thu hoạch…).
Đến nay, HTX sản xuất và tiêu thụ chanh Cao Lãnh có 130 viên, diện tích sản xuất đạt 67,8ha. Bình quân mỗi ha cho năng suất từ 8 - 10 tấn quả, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng/ha.
Vấn đề hiện nay, theo ông Cường, với nhu cầu thu mua ổn định 80 tấn/tháng, khả năng sản xuất của HTX chỉ đáp ứng vừa đủ. Tuy nhiên, nếu mùa vụ gặp khó khăn do thời tiết thì khả năng cung cấp của HTX sẽ gặp trở ngại. Trong khi đó, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ HTX cũng như bà con xã viên còn hạn chế, một số nhà vườn e ngại áp dụng quy trình VietGAP vì phải đáp ứng nhiều tiêu chí phức tạp hơn so với sản xuất bình thường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.