'”Đất dữ' Sài Gòn ngày ấy” – (Kỳ 2): Sống ở con hẻm của ông trùm Năm Cam

Thứ bảy, ngày 27/04/2019 20:31 PM (GMT+7)
Quận 4, nơi được xem là mảnh đất sản sinh ra nhiều tay giang hồ cộm cán. Vùng đất giáp sông, giáp cảng nổi tiếng này một thời đình đám bởi những 'ông trùm' giang hồ mà Năm Cam là cái tên bá chủ nhất.
Bình luận 0

Giữa trung tâm Sài Gòn, từ đường Nguyễn Thái Học, chỉ cần đi qua cầu Ông Lãnh sẽ tới “lãnh địa” quận 4. Nơi đây giáp ranh với chợ Cầu Muối một thời trứ danh về du đãng, lại gần khu vực phát triển bật nhất ở Sài Gòn… nên là nơi lý tưởng để “ươm mầm” những tay giang hồ cộm cán.

img

Một góc đường Tôn Đản ngày nay.

Ngày trước, quận 4 là nơi người dân nghèo từ tứ xứ đổ về. Xen lẫn các căn nhà xiêu vẹo là các dòng kênh, rạch. Người lớn ngày ngày đi bốc vác, đạp xích lô kiếm tiền, đám trẻ con lóc nhóc thì được dịp lăn lộn, sống theo kiểu bụi đời nên “máu” giang hồ dần được hình thành.

“Xưa tui với thằng Hà chiến đấu trong Nghiệp đoàn, ngay chỗ Bến Vân Đồn. Hồi đó đánh lộn đánh lạo quá trời đất, cuối cùng thì nghỉ luôn”, chú Minh (ngụ quận 4) kể và cho biết, ngày xưa ở Sài Gòn hình thành các hợp tác xã, nghiệp đoàn đạp xích lô.

Theo chú Minh, vì toàn dân “trời ơi” nên việc tranh dành khách, kiếm miếng cơm manh áo không tránh khỏi thảm cảnh “đầu rơi máu chảy”, thậm chí diễn ra thường xuyên.

img

Để tìm hiểu một cách chân thật, tôi len lỏi ở khu hẻm 148 Tôn Đản.

Nói về đất giang hồ quận 4, các khu vực đã nổi danh trong kí ức người Sài Gòn đứng đầu bảng phải kể đến đường Tôn Đản, trong đó khu hẻm 148, là nơi mà Năm Cam đã trưởng thành, lập nghiệp. Nơi đây được xem như cái nôi của những ông trùm. Kế đến là các hẻm Hiệp Thành, khu Oxi Gạch, chợ Hãng Phân…

Những năm đầu của thế kỷ, dư luận không thể quên được vụ án Năm Cam và đồng bọn làm rúng động cả nước. Ngày 25.2.2003, vụ án Năm Cam và đồng bọn được đem ra xét xử với con số kỉ lục về số bị can khi có đến 155 người ra trước vành móng ngựa.

Từng nhiều lần vào nhà hàng Phi thuyền của ông “trùm” Năm Cam để vui chơi, chị Đen (34 tuổi) nhớ về thời quá khứ: “Lúc đó chị với thằng Lộc Em quen nhau, nó quản lý đào (ý nói gái bán dâm - NV) của nhà hàng. Lộc Em là cháu ruột của Thảo “ma”, cánh tay đắc lực của Năm Cam trong việc điều hành sòng bài nên được Năm Cam tin tưởng giao cho trọng trách này”.

Trong quãng thời gian tối tăm nhất trong cuộc đời, Đen đã dính số phận mình với Lộc Em. “Thử nghĩ, lúc đó chỉ mới biết yêu đương, vậy mà sau này khi Lộc Em bị bắt và ở tù suốt 7 năm, chị phải xách cơm tù thăm nuôi thằng Lộc ở trại giam Z30D, tỉnh Bình Thuận cho tới ngày được thả”.

img

Chuyện vụn nơi con hẻm “huyền thoại”.

Khu vực quận 4 giờ đã “thay da đổi thịt”, nhà cửa san sát, thay thế cho những căn nhà lụm xụp ven sông, rạch

Hẻm 148 đa phần là dân lao động, nghèo khó. Tôi làm quen và kết thân với gia đình cô Bé, chú Phúc (ngụ hẻm 148 đường Tôn Đản), cả hai vợ chồng có đứa con gái tên Dầu Em, mới tròn 9 tuổi.

Mỗi đêm, Dầu Em rảo khắp khu phố Tây để bán kẹo cho “Tây ba lô”. Không một lần biết đến con chữ, thế nhưng Dầu Em nói tiếng Anh một cách thành thạo và giao tiếp làu làu với người nước ngoài.

Tôi được chú Phúc sắp xếp ngủ trên gác của căn nhà trọ, một ngày ở tốn 30 ngàn, bao luôn điện nước, cơm cũng được cô Bé nấu cho ăn. Tại khu trọ, ngoài Dầu Em ra, những đứa trẻ khác cũng đều không được học hành. Nhìn đứa nào đứa nấy tròn vo, ngộ nghĩnh… nhưng hỏi ra thì không đứa nào được đi học, biết con chữ.

Mỗi buổi trưa, tôi hay ra chơi đùa với mấy đứa con nít ở khu hẻm 148 Tôn Đản. Tụi nhỏ thường giả vờ đi ngang qua, sờ vào túi quần tôi và la lớn “có điện thoại xịn, cướp thôi…”, thế là cả đám dùng kiếm nhựa, vây tôi đánh búa xua để lấy điện thoại.

Ở đây, tôi thân thiết với chú Cú Mèo (51 tuổi), chú chạy xe ôm ở Bệnh viện Sài Gòn ngay trung tâm. Đã từng ấy năm, chú Mèo sống mà không có một mảnh giấy tùy thân lận lưng. Chú Mèo nói mình quê tận ngoài tỉnh Bình Định. Cha mất do chiến tranh, mẹ mang bạo bệnh không qua khỏi, năm 10 tuổi chú đã trôi dạt vào Sài Gòn kiếm sống.

“Trong người chỉ có tấm thẻ đỏ… chạy xe ôm ở Bến Thành thôi. Tao sống nhờ nhà người bạn ở hẻm, đăng ký hộ khẩu nhà nó để được cấp cái thẻ, coi như tấm bùa hộ mệnh khi công an xét hỏi”. Chú Mèo kể.

Hằng ngày, dân trong con hẻm tụ tập ở khắp quán cà phê cóc để bàn đề, tán dóc và "bình phẩm" về những câu chuyện cướp giật, về những số phận vừa bị tóm vì giật dọc

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở đây, con hẻm huyền thoại ngày nào cũng trần trụi về những  câu chuyện cơm gạo, áo cơm mỗi ngày. Cuộc sống giang hồ ngày nào dường như vẫn ẩn khuất đâu đó nơi đây bởi chính 'số má' mà quá khứ nó tạo ra.

Tr.R (Thanh Niên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem