Trương Chí Hùng (nhà văn)
Thứ ba, ngày 13/02/2024 06:10 AM (GMT+7)
Ba tôi trước kia sống ở miệt Đồng Tháp Mười, vì ông bà nội tôi mất sớm nên ba lang bạt lên vùng Bảy Núi mưu sinh. Ba gặp má khi hai bàn tay trắng, lấy nhau, ra riêng mà không có cục đất chọi chim.
Thương cảnh khó, ông Hai xóm dưới cho ba má tôi cất chòi ở tạm trên bờ kinh, sẵn tiện coi chừng vườn tược, ruộng rẫy của ông luôn…
Ba má tôi mừng húm, liền cất căn chòi lợp lá, lót vạt tre. Ba kể, cất xong ba má nhìn nhau rơi nước mắt. Căn chòi tạm bợ, nhỏ xíu, bên trong trống trơ trống hoác nhưng ba má rất vui. Chỉ có một điều mà ba má chưa thực sự hài lòng, đó là mảnh đất cất chòi không phải của mình. Mình vẫn là người ở đậu.
Sau này, ông Hai thấy ba má chuyên tâm làm ăn lại hiền lành nên nhượng lại cái nền nhà với giá rẻ. Ba mừng quá, mất ngủ mấy đêm liền. Vài bữa sau, ba đợi nước ròng, xuống rạch vít đất lên, đắp nền nhà. Cứ như thế, ngày qua ngày, ba như chú kiến nhỏ kiên trì tha mồi về cho đầy tổ. Một thời gian sau, cái nền nhà vốn dĩ chỉ cao hơn mặt ruộng chừng nửa thước, mùa nước lên là ngập lút đầu, nay kiên cố, sừng sững.
Có được nền nhà rồi, ba má lại phấn đấu làm lụng chăm chỉ, để dành dụm mua một công đất ruộng. Cái ước mơ ấy vậy mà mấy chục năm mới thành hiện thực, nghĩa là ba má tôi mua được công đất khi tuổi xế chiều rồi. Đó là công đất nằm sát bờ kinh, cách nhà tôi chừng năm trăm mét, ba mua lại theo diện "nhường cơm sẻ áo". Mua xong, ba mừng còn hơn đào được một hũ vàng.
Vì nhà tôi ở ngay bờ kinh nên người đi đồng thường ngang qua đó. Thế là, ba gặp ai cũng khoe chuyện mua được công đất. Ba giả bộ mời chú Năm, chú Sáu ghé uống trà, nghỉ chân một chút rồi hãy đi thăm lúa. Hễ mấy chú mà ghé là ba nói vòng vo một hồi liền lái qua chuyện công đất mới mua. Chú nào không ghé mà đi luôn vì công chuyện gấp, ba cũng nói với theo, là tui mới mua được công đất đó, mấy anh hay chưa?
Ba khoe chừng một tháng là giáp hết cả xóm. Sau đó, ba thường xuyên vắng nhà. Hỏi má, má nói ba suốt ngày bên mảnh đất, có bữa còn không thèm về ăn cơm. Mà nói thiệt, công đất ba mua được nó xấu lắm. Phía bờ kinh thì cao, càng ra xa thì càng trũng. Bởi vậy, bơm nước lên, chỗ ngập lút còn chỗ thì khô queo, như vậy rất khó sạ lúa.
Ba suy nghĩ mấy ngày, sau đó quyết định xả hết nước ra, kêu người ta cày lại. Cày xong, ba kêu mấy anh em tôi qua ôm đất từ chỗ cao thẩy xuống chỗ thấp. Cứ thế, ôm hết lớp đất này lại cày lên, rồi ôm tiếp lớp đất khác. Xong, ba cho bò trục và trang lại, công đất bỗng láng mướt như miếng ván ngựa. Khỏi nói cũng biết ba tôi vui đến cỡ nào. Nếu nằm xuống đất, ôm đất, hôn đất mà chẳng ai cười, chắc chắn ba tôi sẽ làm. Từ ngày cải tạo đất, vụ mùa nào ba tôi làm cũng bội thu. Ba cười đắc ý, nói "mấy con thấy chưa, mình không phụ đất thì đất đâu có phụ mình".
Khi già yếu, không còn làm ruộng được nữa, ba kêu anh em tôi lại, nói nhà mình con cái đông, ba thì chỉ có một công đất, không thể chia năm xẻ bảy được, cũng không bán. Ba quyết định để đất lại cho vợ chồng con Tư. Vợ chồng nó nghèo khó nhất, tính lại kỹ lưỡng, để công đất đó cho vợ chồng nó, ba mới yên tâm. Anh em chúng tôi đều đồng ý với quyết định của ba. Bởi tôi biết, ba không muốn bất kỳ ai đối xử thô bạo với đất, thứ mà ba từng chăm chút như chính da thịt của ba.
Nhớ di nguyện của ba má, sau này dù khó khăn, nhưng anh em tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện bán công đất hương hỏa. Trong tâm thức chúng tôi, đất không chỉ quý giá như bạc như vàng, mà còn hơn thế nữa. Bởi đất rất thiêng liêng, mà cái gì thiêng liêng thì vô giá.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.