Câu chuyện “được mùa rớt giá” lâu nay gần như không ảnh hưởng đến những nông dân sản xuất lớn. Trong khi đa số nông dân làm lúa vùng ĐBSCL đều trong cảnh “ăn trước trả sau”, bán lúa tươi ngay tại chân ruộng – thậm chí là “bán lúa non” để trả nợ ngân hàng, trả tiền cho đại lý vật tư nông nghiệp thì chỉ những người sản xuất lớn có thể trữ lại, chờ có giá mới bán…
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2012/images/2012-01-18/1436323936-16_12_nong-nghiep.jpg) |
Đất đai rộng lớn rất thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa sản xuất. |
Đất nhỏ khó làm lớn
Ở An Giang, nông dân Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức) ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn là một trong những điển hình nông dân giỏi. Đất Tri Tôn một mùa lũ, một mùa hạn, đồng phèn nặng, nhiều người làm lúa một vụ thì anh làm lúa 2 vụ ăn chắc, năng suất trung bình 7 - 8 tấn/ha. Một năm 70ha, anh thu khoảng 500 tấn lúa, thu lãi trên tỷ đồng.
Để trở thành “tỷ phú” như hiện nay, Sáu Đức khởi nghiệp cũng chỉ bằng 3ha ruộng mà anh gom từ năm 1996. Nhờ nhanh nhạy và biết tích lũy, Sáu Đức cứ “mở rộng” diện tích và chưa có ý định dừng lại. Nhờ diện tích rộng, anh tự trang bị máy móc, vật tư nông nghiệp cũng trữ sẵn nên trong khi những nông dân khác lãi 30% thì Sáu Đức lãi 40 – 50%.
Ở Long An, lão nông Ba Tráng (Trần Văn Tráng) ở xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng cũng sở hữu “sơ sơ” cả trăm ha lúa. Nằm giữa rốn lũ Đồng Tháp Mười nhưng ông Ba Tráng vẫn đủ lực làm đê bao khép kín cho toàn bộ diện tích của mình. So với nhiều nông dân khác, ruộng của ông Ba Tráng khi thu hoạch bao giờ năng suất cũng cao hơn, chất lượng hạt lúa trội hơn.
Cũng ở vùng Đồng Tháp Mười, nông dân Út Huy (Võ Quang Huy) ở huyện Đức Huệ được coi là tỷ phú đại điền khi anh có trong tay đến 580ha đất sản xuất nông nghiệp. Út Huy cho biết nhờ canh tác trên diện tích lớn nên anh có thể áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật theo kiểu sản xuất lớn nên năng suất luôn cao hơn mức bình quân chung.
Cần xóa hạn điền
Ở ĐBSCL, nông dân huyện Tân Hưng (Long An) được coi là có nhiều đất đai để sản xuất khi trung bình mỗi hộ dân ở đây có hơn 3ha đất nông nghiệp. Trong thực tế, những nông dân sở hữu vài ba chục ha đất ở địa phương này lên đến con số hàng trăm. Hầu hết những “ông chủ” đất này đều tự trang bị máy móc để phục vụ sản xuất.
Ông Hồ Văn Dân - Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng cho biết, do diện tích đất nông nghiệp tính trên đầu người quá lớn nên sản xuất lúa ở địa phương này hoàn toàn cơ giới hóa, từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch.
Nông dân làm ruộng quy mô nhỏ, thường ít vốn, phụ thuộc rất nhiều vào các khoản dịch vụ nên giá thành sản xuất chắc chắn cao hơn. Nông dân có ruộng đồng rộng lớn, phải dự liệu tính toán như một doanh nghiệp thực thụ.
“Cơ giới hóa góp phần làm giảm giá thành hạt lúa, trong khi đó năng suất lại tăng lên nên người nông dân được lãi nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu sản xuất manh mún thì không thể cơ giới hóa được” – ông Dân khẳng định…
Ở huyện Thoại Sơn (An Giang) có diện tích đất lúa khoảng 36.000ha – tương đương với huyện Tân Hưng. Trong số này có khoảng 10% số người sở hữu từ 30-40ha đất. Những người ruộng nhiều chủ yếu là nông dân sản xuất giỏi.
Theo ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Nhà nước cần sớm công nhận quyền sở hữu mở rộng – tức xóa hạn điền để nông dân có thể sản xuất lớn một cách đường đường chính chính chứ không phải nhờ người khác đứng tên như hiện nay.
“Tích tụ ruộng đất dù là sở hữu tư nhân hay thông qua mô hình hợp tác xã, công ty sản xuất nông nghiệp thì cũng là điều kiện cần để chuyển nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa…” – ông Nhị nói.
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.