Đất nước bắt đầu từ đó!

Nguyễn Hữu Quý Thứ năm, ngày 18/04/2024 09:46 AM (GMT+7)
Với người Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa không có gì thay thế được.
Bình luận 0

Câu ca dao "Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba" là một khắc sâu về cội nguồn dân tộc, về gốc rễ cộng đồng mà nếu ai không biết, không nhớ, không tin thì có lẽ họ không còn là người Việt nữa.

Ngày linh thiêng nhất

Dân tộc ta luôn đề cao và hết sức coi trọng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Dẫu rằng bây giờ có người trên muôn nẻo mưu sinh của cõi đời đã mang quốc tịch khác, sinh ra và lớn lên ngoài Tổ quốc gốc gác xử sở nhưng khi dòng máu Việt còn chảy trong cơ thể thì Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn là ngày linh thiêng nhất. Quốc Tổ Lạc Long Quân, Tổ Mẫu Âu Cơ, Hùng Vương, đó mãi mãi là những danh tính bất tử trong tâm linh người Việt, là khởi thủy của một dòng chảy mãnh liệt từ xa xưa đến mai sau, từ ít ỏi đến đông đúc, từ chật hẹp đến mênh mông. Trong bài thơ "Soi gương giếng ngọc", tôi đã từng xúc động viết: Tôi soi vào Nước ngàn xưa/ thấy dân đi cấy với Vua đi cày/núi Hùng chim Lạc rợp bay/hoang sơ xóm mạc, tháng ngày hồn nhiên...

Đất nước bắt đầu từ đó, dân tộc bắt đầu từ đó. Bắt đầu từ đó muôn thế hệ người Việt Nam có Tổ quốc thiêng liêng và yêu dấu của mình.

Đất nước bắt đầu từ đó!- Ảnh 1.

Tái hiện nghi thức Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Ảnh: P.V

Giữ nước là xây dựng non sông đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, mỗi người dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành như mong ước của Bác Hồ... Tin rằng, con cháu Vua Hùng sẽ biết làm gì cho Tổ quốc trường tồn và phát triển mạnh giàu. Trên con đường đi tới tương lai, tinh thần Hùng Vương sẽ mãi mãi tỏa sáng cùng dân tộc Việt Nam.

Đến hôm nay, ta hằng bâng khuâng cảm nhận được hình tượng chim Lạc khắc trên mặt trống đồng như khát vọng của tổ tiên dưới vầng dương chói sáng từ thuở châu thổ Hồng Hà còn là vùng đầm lầy ẩm ướt dọc ngang sông lạch, um tùm lau lách năn sậy. Vùng đất trung du nằm giữa ngã ba sông vơi bớt hoang vu khi bông lúa Giao Chỉ chín vàng trên những thửa lạc điền nằm dưới chân đồi bát úp. Dấu chân lội ruộng của Vua Hùng trong buổi cày se se gió bấc còn lưu lại giữa truyền thuyết dân gian như một minh chứng hùng hồn về sự hồn nhiên của thuở dựng nước sơ khai ấy.

Chưa hết, hồn nhiên Việt còn lấp láy trong những tư thế ân ái của các cặp trai gái trên nắp thạp đồng Đào Thịnh. Còn nữa, sau thậm thình nhịp chày giã gạo là những xoan ghẹo ân nghĩa tình tứ của miền Đất Tổ và thật may mắn nó không bị chìm lấp dưới lớp lớp bụi thời gian dày đặc, trái lại đã được nhân loại trân trọng tôn vinh bởi giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo. Ông cha để lại cho con cháu những giá trị văn hóa đặc sắc, mang dấu ấn tính cách, tâm hồn Việt sâu đậm và đó cũng là minh chứng cho trí tuệ của một dân tộc biết đánh giặc bằng gươm và cả bằng đàn.

Đáng tự hào khi non sông Việt Nam có một Đền Hùng không lộng lẫy, hoành tráng lại cho ta nhiều hướng vọng để tri ân và những nhớ thương để quy tụ. Con đường dựng nước và giữ nước đã dài về thời gian đã rộng về không gian, dân tộc bật lên từ đầm đìa mồ hôi và máu mặn; lớp lớp ngã xuống, lớp lớp đứng lên, sinh tử cao cả nào cũng mang trong mình khí phách con Rồng cháu Tiên. Đấy không phải cách tự nhận vu vơ mà cốt lõi tinh thần sâu thẳm của nó chính là niềm tự hào, lòng tự trọng được hun đúc qua muôn vàn éo le lịch sử với trùng điệp cam go, là cái còn lại sau bao lần đối mặt với kẻ thù gần, kẻ thù xa. Dân tộc Việt Nam bằng mồ hôi và xương máu, bằng sức lực và trí tuệ, bằng bản lĩnh và tâm hồn từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh đã dựng nên nền độc lập cho Tổ quốc và một kho tàng văn hóa khó lẫn rất đáng kiêu hãnh.

Đặc sắc văn hóa Việt

Đất nước bắt đầu từ đó!- Ảnh 2.

Lễ rước bánh chưng, bánh giầy về Đền Hùng ngày Giỗ Tổ. Ảnh P.V

Từ Đất Tổ, cánh chim Lạc bay ra biển Đông, bay xuống trời Nam, bền bỉ vượt sóng, vượt gió và hôm nay chúng ta có được rộng dài bờ cõi. Điều đáng nói là văn hóa Việt vẫn hằng được bảo lưu, gìn giữ trong những tồn tại vật thể, phi vật thể của dân tộc và có cái trở thành di sản nhân loại. Suy xét một cách nghiêm túc thì dân tộc ta, trước hết là tổ tiên ông cha ta không hề bảo thủ mà vừa biết giữ gìn cái ta đã có vừa khôn khéo "Việt hóa" những tinh hoa nhân loại được nhập vào kể từ tư tưởng, khoa học, tôn giáo. Tư tưởng, tôn giáo vào ta chỉ giữ cái cốt lõi, còn diện mạo hình thái của nó bị chi phối khá nhiều bởi tính cách, tâm hồn Việt.

Từ trước, tổ tiên ta ít phô trương, thường yêu cái duyên thầm, cái tinh túy, vì thế nên nhìn chung chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ không mấy đồ sộ. Bé nhỏ mà độc đáo, không nhòa lẫn. Những kích thước khiêm nhường vừa vặn nhưng xem ra rất hài hòa và nhiều gợi mở. Chùa Một Cột chỉ là bông sen mảnh dẻ nhưng sau hơn nghìn năm vẫn không cũ.

Chùa Đồng trên lồng lộng Yên Tử xưa kia cũng bé nhỏ vô cùng mà sao chưa bao giờ ngớt bước người hành hương. Nhà thờ đá Kim Sơn cũng có những đường cong rất Việt. Kinh đô Huế, phố cổ Hội An, Hoàng thành Thăng Long, thánh địa Mỹ Sơn... rồi nhã nhạc cung đình Huế, quan họ Kinh Bắc, hát xoan Đất Tổ, cồng chiêng Tây Nguyên... trở thành di sản văn hóa thế giới không phải nhờ ăn may hay nhờ ta giỏi xin xỏ, mà bởi cái sự "độc nhất vô nhị" của nó.

Bao nhiêu điều hay, cái tốt như thế; bản lĩnh, khí phách, trí tuệ, tài hoa như thế không đủ độ tin cậy cho mỗi người Việt Nam tự hào dân tộc sao? Một dải non sông kéo dài từ chóp nón Lũng Cú (Hà Giang) đến Đất Mũi (Cà Mau) và mở rộng ra tận Hoàng Sa, Trường Sa giữa mênh mang một triệu cây số vuông biển đảo không đủ cho ta thấy được bản lĩnh can trường và trí lự sáng láng của tổ tiên ông cha sao? Thế mà, tại sao vẫn có những kẻ dè bỉu, chê bai quá trớn dân tộc mình.

Trong mắt họ, chúng ta chỉ là thứ sản phẩm của bùn lầy nước đọng, của tranh tre nứa lá. Ôi chao, cái kiểu miệt thị dân tộc ấy dù được che đậy dưới tấm áo choàng tân tiến đổi mới cũng chỉ là biểu hiện của thói sùng ngoại vô lối mà thôi. Nên nhớ, các tôn giáo vào nước ta đều tìm được chỗ đứng, kiến thức khoa học của nhân loại không mấy khó khăn khi thâm nhập vào Việt Nam. Thậm chí, nhiều nước từng là đối phương của dân tộc ta cũng vẫn trở thành đối tác, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện trong quan hệ quốc tế. Phong cách ngoại giao "cây tre Việt Nam" dĩ bất biến ứng vạn biến tỏ rõ tính hiệu quả của nó trong thực tiễn.

Hôm nay, trong ngày Giỗ Tổ thiêng liêng của dân tộc, mỗi người Việt Nam lại nhớ tới câu dặn dò bất hủ của Bác Hồ ngày nào: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Giữ nước là giữ vững chắc cõi bờ, là hết lòng gìn giữ hòa bình, là biết phòng họa từ xa, là phải chấn hưng văn hóa trong đó lấy con người làm trung tâm. Đạo đức xã hội, lối sống của mỗi con người Việt Nam luôn hướng tới sự văn minh và truyền thống tốt đẹp. Càng hiện đại phải càng biết giữ gìn truyền thống.

Giữ nước là xây dựng non sông đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, mỗi người dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành như mong ước của Bác Hồ. Giữ nước là phải quét sạch nạn tham nhũng, hối lộ được toàn Đảng, toàn dân coi như giặc nội xâm đang trở thành mối nguy khôn lường của Tổ quốc. Cuộc chiến này không có tiếng súng nhưng đầy khó khăn phức tạp và nguy hiểm. Tin rằng, con cháu Vua Hùng sẽ biết làm gì cho Tổ quốc trường tồn và phát triển mạnh giàu. Trên con đường đi tới tương lai, tinh thần Hùng Vương sẽ mãi mãi tỏa sáng cùng dân tộc Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem