Đất ở nông thôn tăng giá phi mã: Nhà đầu tư và môi giới ùn ùn kéo về, người dân ở quê không mua nổi đất

Quỳnh Chi Thứ bảy, ngày 02/04/2022 07:48 AM (GMT+7)
Sau Tết Nguyên đán, cơn sốt đất đã lan rộng sang các tỉnh giáp các thành phố lớn, thậm chí cơn sốt đất len lỏi về nhiều thôn quê hẻo lánh.
Bình luận 0

Giá đất tăng phi mã, nhà đầu tư và môi giới như trẩy hội

Đơn cử, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang điểm nóng về bất động sản khi đón mạnh dòng vốn FDI đổ vào các khu công nghiệp.

Hàng loạt các hộ rao bán đất, những văn phòng bất động sản và ký gửi đất mọc lên san sát. Tỉnh lộ 398 đang là cung đường đắt giá nhất của huyện Yên Dũng, hiện mỗi m2 mặt đường giá không dưới 30 triệu.

img

Giá đất tăng cao, nhà đầu tư đổ về các địa phương như trẩy hội

Cơn sốt đất kéo từ đường chính vào tận đường làng, nhà ông Thìn (xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) tranh thủ đón đầu giá đất lên cao, rao bán hơn 1.000 m2 đất, dự tính thu về một khoản lớn khoảng 12 tỷ. Chính ông cũng không ngờ đất quê lên nhanh đến thế.

"Cách đây khoảng 3 năm, giá đất ở đây chỉ khoảng mấy trăm nghìn 1 m2, lên đến 1 triệu là cùng, nhưng 3 năm trở lại đây lên đến 10 triệu đồng/m2", ông Nguyễn Văn Thìn cho biết.

"Khu công nghiệp Đức Giang sắp hình thành nên vùng xung quanh đây tạo nên một cơn sóng khiến đất thổ cư và đất dự án đều tăng. Nhà đầu tư ở Hà Nội, Bắc Ninh rủ nhau đổ về đây. Nhiều người cho biết, nếu mua 1 mảnh Bắc Ninh, về đây có thể đầu tư 2 - 3 mảnh", một môi giới bất động sản nói.

Tương tự, tại Hà Tĩnh, thời gian gần đây giá đất nông thôn tại một số huyện bỗng trở nên sốt nóng, tăng từ 2, tới 4 lần so với năm trước, vậy mà từng đoàn ôtô vẫn nườm nượp đổ về để tìm mua. Tại đây, biển rao bán đất kèm số điện thoại được gắn vào cột điện hoặc sơn chi chít trên bờ tường, hàng trăm điểm giao dịch bất động sản mọc lên. Một lô đất ban đầu giá khoảng một tỷ đồng, sau đó được mua đi bán lại với giá đội lên gấp 4-5 lần.

Tại Nghệ An, tình trạng sốt đất cũng diễn ra vài năm nay. Giá đất ngày qua ngày cứ leo thang chóng mặt.

img

Mỗi ngày, giá đất lại lập mức giá mới

Địa bàn huyện Diễn Châu, thị trường bất động sản cũng “nóng” lên từng ngày. Như phiên đấu giá đất tại xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) mới đây rất sôi động. Cụ thể, đấu 48 lô đất, có trên 200 lượt người tham gia. Sau đấu giá đất vẫn “đội” lên tăng vọt, tùy theo vị trí, có lô giá khởi điểm hơn 1,4 tỷ đồng, sau đấu giá trúng hơn 3 tỷ đồng, mức chênh lệch lô đất mà người trúng hơn 1,5 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

"Hiện nay, sự kích động của giới cò đất là chủ yếu, khiến các vùng ven đô tăng giá, sau đó là vùng xa đô thị. Nếu còn sốt tiếp, vùng sâu, vùng xa cũng sẽ tăng", ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá.

Đất trong thôn xóm cũng "sốt", người có nhu cầu thực không mua nổi

Chị Trương Bích Hạnh, một người sinh ra và lớn lên tại Diễn Châu (Nghệ An), hiện đang công tác tại Hà Nội cho biết, do giá đất tăng cao, người dân quê tôi cứ cắt đất bán dần (dù chẳng phải nằm trong vùng quy hoạch, dự án gì cả). Giá một lô đất khoảng trăm m2 ở chỗ tôi (trong thôn xóm) giờ cũng gần khoảng trên dưới hai tỷ đồng, chẳng kém gì các thành phố lớn. Ấy vậy mà bán bao nhiêu cũng hết, người mua chủ yếu từ các nơi khác đến, họ mua để đấy chứ không ở. Giờ người dân quê tôi thậm chí chẳng còn đất để bán nữa.

img

Giá đất đội lên quá cao khiến người có nhu cầu thực không thể mua nổi

Ngày nào cũng đi chợ qua khu đô thị vừa đấu giá, bà Thao (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) chỉ biết ngắm chứ chưa bao giờ dám mơ có được một suất đất ở đây, bởi sau đấu giá, giá đất đã tăng gấp đôi. Trong khi nhà bà có bán cả khu đất ở, cùng đất sản xuất mới được hơn 1 tỷ.

"Khu ở trong này khoảng hơn 1 tỷ một lô, 1,5 - 1,7 tỷ. Giờ làm sao có đủ tiền để mua khu đất này", bà Hoàng Thị Thao cho hay.

Còn anh Trường (sinh năm 1990, quê Bắc Giang) cho biết, năm 2013 anh tốt nghiệp đại học tại Hà Nội và đi làm với mức lương khởi điểm 10 triệu đồng/tháng. Mức lương này chỉ đủ để anh chi tiêu sinh hoạt và gửi một chút về quê nên chưa có tiền tích lũy.

Khi có kinh nghiệm hơn, mức lương của anh tăng dần lên 15 triệu rồi 20 triệu/tháng. Hiện tại anh có trong tay khoảng 600 triệu đồng. Với số tiền này anh dự định về quê tìm mua một thửa đất gần nhà, nhưng số tiền trên chẳng thấm vào đâu với giá nhà đất đang lên cơn sốt như hiện nay.

“Giờ để ý đến nhà đất tối mới thực sự sốc, trong gần 2 năm giá đất ở quê có mảnh đã tăng từ 3 đến 5 lần. Các nhà đầu tư xuất hiện tại nông thôn khiến tình hình giao dịch đất đai ở làng trên xóm dưới lại càng nhộn nhịp. Đi tới đâu cũng râm ran chuyện mua bán đất” – anh Trường nói.

Nhiều người trong làng trước kia chỉ làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn nhưng sau khi bán đất, họ đã có tiền tỷ trong tay để xây lại nhà cửa.

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, thời gian qua tốc độ đô thị hóa ở nhiều khu vực nông thôn diễn ra mạnh mẽ, kết hợp với hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng được mở ra đã tác động mạnh đến sự phát triển của bất động sản. Theo đó, giá đất đã tăng mạnh, nhiều vùng quê trước kia giá đất chỉ vài trăm nghìn đồng/m2 thì nay có nơi đã đến vài chục triệu đồng/m2.

"Hệ quả là khi giá đất thiết lập một mặt bằng mới, vượt xa thu nhập của người dân và không ít người dù có nhu cầu ở thực cũng không thể mua nổi đất", một vị chuyên gia nhận định.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem