Đất rừng Phương Nam: Ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật từ tác phẩm văn học
Đất rừng Phương Nam: Ranh giới giữa sáng tạo nghệ thuật từ tác phẩm văn học
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh
Thứ sáu, ngày 27/10/2023 15:20 PM (GMT+7)
Vừa qua, đông đảo khán giả hâm mộ đã dành sự quan tâm sâu sắc đến bộ phim "Đất rừng phương Nam". Bộ phim có buổi họp báo ra mắt lần đầu vào ngày 20/9/2023 và được khởi chiếu chính thức vào ngày 16/10/2023.
"Đất rừng Phương Nam" là một thành công về mặt doanh thu khi đang thu về lên tới 108,4 tỷ đồng so với kinh phí sản xuất 40 tỷ đồng.
Sự thành công về doanh thu của đoàn làm phim là điểm sáng đáng tôn vinh trong tình cảnh đìu hiu của nền điện ảnh Việt Nam. Mặc dù vậy thời gian vừa qua, về mặt chuyên môn pháp lý, đã có nhiều ý kiến khoa học đặt ra, nhất là vấn đề phóng tác tác phẩm gốc. Cách truyền thông ban đầu của đoàn phim "Đất rừng phương Nam" là phim được làm theo hướng tôn trọng lịch sử cũng như cái tên phim được lấy giống hoàn toàn tên tác phẩm văn học đã khiến nhiều người nghĩ rằng bộ phim chuyển thể theo tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi chứ không chỉ là lấy cảm hứng. Nếu như bộ phim lấy một cái tên khác thì đã không làm nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều đến như vậy.
Điện ảnh Việt Nam có không ít tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn hay tiểu thuyết nổi tiếng. Lịch sử điện ảnh vẫn còn ghi dấu ấn của các tác phẩm đặc sắc như “Chị Dậu” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố), “Vợ chồng A Phủ” (dựa trên tác phẩm cùng tên của Tô Hoài), “Mẹ vắng nhà” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Thi), “Làng Vũ Đại ngày ấy” (chuyển thể từ một số truyện ngắn của Nam Cao), “Mê Thảo-thời vang bóng” (chuyển thể từ tác phẩm “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân)… Nhiều tác phẩm điện ảnh đã lan tỏa các giá trị văn hóa thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả tác phẩm gốc. Nhưng sâu xa, điều này chỉ có thể đạt được khi tác phẩm chuyển thể, phái sinh đã bám sát và tôn trọng tinh thần của tác phẩm văn hóa gốc. Cùng với sự sáng tạo nghệ thuật và tài năng của dàn đạo diễn, biên tập và các diễn viên đã góp phần đưa tác phẩm gốc lên đỉnh cao mến mộ.
Nhưng ngược lại, nếu không đảm bảo tinh thần của tác phẩm gốc thì thường dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều của độc giả yêu thích tác phẩm văn học. Tại Việt Nam, có một số tác phẩm văn học kinh điển đã được giới điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm văn học như phim “Cậu Vàng” (lấy cảm hứng từ nhiều truyện ngắn của Nam Cao); “Kiều” (lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du), nhưng vì không bám sát tinh thần của tác phẩm gốc nên gặp vô số đàm tiếu và đã thất bại khi phát hành. Với "Cậu Vàng" - nhà sản xuất chọn chú chó giống shiba của Nhật để vào vai cậu Vàng trong phim; với "Kiều" thì chữ quốc ngữ trong phim chưa sát với lịch sử, tạo hình nhân vật cũng như trang phục không phù hợp và nhất là việc làm sai nguyên tác văn học khi cho thực hiện những chi tiết hư cấu rất khó chấp nhận, trong đó có một số “cảnh nóng” bị đánh giá là dung tục, làm mất nét đẹp của Truyện Kiều.
Nhìn vào lịch sử điện ảnh thế giới, cũng có không ít tác phẩm gặp những phản ứng dữ dội từ xã hội khi tạo nên sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử cũng như hình ảnh nhân vật. Câu chuyện bốn thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh đã bị biến tấu và sáng tạo kệch cỡm ở bộ phim Tây du ký lạ truyện - Kiếp nạn 82, kết quả, tác phẩm gây tranh cãi dữ dội trong cộng đồng người hâm mộ. Với những ai yêu mến nhà văn Ngô Thừa Ân đã không thể tiếp nhận nổi hình ảnh kỳ dị của các nhân vật. Hoặc như bộ phim Phong thần diễn nghĩa (2019) cũng bị biến tấu khi thêm nhiều chi tiết phản cảm, không đúng tinh thần của tiểu thuyết. Bộ phim dựng nên mối quan hệ tay tư giữa Đát Kỷ - Dương Tiễn - Hồ Yêu - Trụ Vương. Nhiều khán giả phản đối khi câu chuyện quen thuộc với văn hóa đại chúng Trung Quốc bị biến tướng theo hướng khó có thể chấp nhận.
Theo khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ 2022 ), tác phẩm phái sinh được quy định là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác. Trong trường hợp bộ phim "Đất rừng phương Nam" 2023 thì có thể xem xét đây là tác phẩm phái sinh dưới hình thức tác phẩm chuyển thể. Theo quy định của Luật SHTT, tác phẩm chuyển thể có thể hiểu là tác phẩm dựa trên tác phẩm gốc nhưng không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc. Hiện nay, hình thức chuyển thể phổ biến là việc chuyển thể một tác phẩm văn học, câu chuyện… thành tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình… Theo khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009), tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc được dùng để làm tác phẩm phái sinh. Đặc biệt, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009) quy định tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc. Trong trường hợp không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Trong quá trình thực hiện bộ phim, đoàn phim đã gặp gia đình nhà văn Đoàn Giỏi, xin phép và ký hợp đồng bản quyền làm phim. Nhưng cần phải làm rõ vấn đề, quyền được chuyển nhượng đối với các quyền vật chất của chủ sở hữu tác phẩm và trách nhiệm tuân thủ theo tác phẩm gốc, bám sát tư tưởng của tác giả là hai vấn đề khác nhau. Nguyên tắc đầu tiên trong thực hiện tác phẩm phái sinh, đó là người sáng tạo tác phẩm phái sinh phải tôn trọng tư tưởng của tác phẩm gốc - mà đó chính là quyền nhân thân không thể chuyển giao của tác giả. Cụ thể là phải đảm bảo sự truyền tải tư tưởng của tác giả thông qua “đứa con tinh thần” là tác phẩm văn học của họ.
Cần phải khẳng định trường hợp của “Đất rừng phương Nam” 2023 khó có thể được nhìn nhận là bộ phim về đề tài lịch sử thuần túy hoặc là tác phẩm sáng tạo mới hoàn toàn. Bộ phim đã được lấy tên giống hệt như tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi. Đồng thời cũng có cái tên na ná như tên bộ phim "Đất phương Nam" được sản xuất năm 1997 - là bộ phim được đông đảo khán giả mến mộ. Trong định hình suy nghĩ của khán giả Việt Nam, bộ phim "Đất rừng phương Nam” 2023 được chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Đoàn Giỏi. Phải chăng đây cũng chính một phần nguyên nhân mà đông đảo khán giả đã đến xem bộ phim với mong muốn gặp lại những cảnh sắc và con người Nam Bộ đã được yêu thích khi đọc tác phẩm văn học của tác giả? Ngay cả đoàn làm phim cũng nhận thấy vấn đề này nên đã có động thái liên hệ, xin phép các đồng sở hữu tác phẩm là gia đình nhà văn Đoàn Giỏi. Đây cũng chính là nguyên nhân mà xung quanh bộ phim đã nảy sinh các ý kiến tranh cãi. Các yếu tố này liên quan đến các yếu tố lịch sử mà thời điểm của tác phẩm văn học "Đất rừng phương Nam" được đề cập và làm nên hoàn cảnh lịch sử của những con người Nam Bộ. Với bối cảnh chính trị và lịch sử vùng đất của tác phẩm văn học, con người Nam Bộ với những nét phóng khoáng nhưng nồng nàn tinh thần yêu nước đã làm nên hồn cốt của cả vùng đất. Trong khi đó, với bối cảnh lịch sử khác thì bộ phim "Đất rừng phương Nam" 2023 lại mô tả sự xuất hiện và sự ảnh hưởng của các nhóm như Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn - là các tổ chức người Hoa. Với sự vắng bóng của lực lượng Việt Minh, thì con người Nam Bộ đã có nhiều khác biệt về tinh thần yêu nước dưới ảnh hưởng của phong trào cách mạng - là điều được mô tả đậm nét trong tác phẩm văn học "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi.
Rõ ràng quan điểm bộ phim chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học, sự sáng tạo không nên bị ràng buộc là chưa đầy đủ. Trên tất cả, tác phẩm phái sinh phải giữ được hồn cốt, tinh thần của thời điểm lịch sử của nguyên tác, trong đó là sự lưu giữ cảm xúc, trí lực, tư tưởng của nhà văn Đoàn Giỏi.
Sự ra đời của "Đất rừng phương Nam" 2023 chính là một vấn đề khoa học điện ảnh và pháp lý rất thú vị. Trước đây, chúng ta chưa dành sự quan tâm cần thiết cho vấn đề tuân thủ tinh thần tác phẩm gốc. Khá nhiều người hồn nhiên nghĩ rằng, cứ chuyển thể tác phẩm là sẽ mang lại cái nhìn mới mẻ và thu hút sự quan tâm của xã hội. Mà không nghĩ rằng, nhiều khi sự biến đổi của tác phẩm chuyển thể đã khiến tác phẩm văn học gốc mất đi ít nhiều bản sắc và tinh thần, tư tưởng mà nó vốn được tác giả giao trọng trách.
Trong thực hiện tác phẩm chuyển thể, chúng ta ghi nhận và đánh giá cao việc tạo ra những tuyến nhân vật mới, chú trọng bối cảnh mới, trải nghiệm mới để làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật nhân loại. Nhưng việc sáng tạo của nhà làm phim đến mức làm sai lệch bối cảnh lịch sử, khiến nhân vật trở nên khác lạ so với tác phẩm gốc cũng cần được mổ xẻ để bảo vệ quyền nhân thân của các tác giả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.