Mở rộng diện tích khu công nghiệp trên đất trồng cao su
Đất trồng cao su khó cưỡng trước sức hút kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp
Trần Khánh
Thứ năm, ngày 20/05/2021 17:01 PM (GMT+7)
Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam dự kiến phát triển từ 15.000 - 20.000ha diện tích khu công nghiệp (KCN) trên đất trồng cao su, giai đoạn 2021-2025.
Trong cơ cấu doanh thu hàng năm, khai thác và chế biến mủ cao su đóng góp khoảng 75% giá trị sản xuất của Tổng Công ty cao su Đồng Nai (Donaruco). Tuy nhiên, 5 năm tới, tỷ trọng đóng góp của khai thác, sơ chế mủ cao su chỉ còn 40 - 50% tổng giá trị.
Ông Đỗ Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Donaruco - cho biết: Đơn vị sẽ nâng dần tỷ lệ đóng góp của các lĩnh vực khác. Đặc biệt, hướng phát triển dịch vụ hạ tầng KCN được chú trọng trong thời gian tới.
Cùng với KCN Dầu Giây (329 ha), Long Khánh là KCN thứ 2 do Donaruco làm chủ đầu tư, với diện tích 264 ha. Nhờ vị trí chiến lược, cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đến nay, các doanh nghiệp trong KCN Long Khánh vẫn đảm bảo tốt hiệu quả kinh doanh.
Dự kiến đến năm 2025, Donaruco sẽ chuyển đổi 2.000 ha đất cao su sang đầu tư KCN.
Năm 2020 vừa qua, Donaruco cũng đã thanh lý, bàn giao hơn 2.200 ha vườn cây để triển khai xây dựng khu tái định cư; cũng như đảm bảo mặt bằng sạch để khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Donaruco dự kiến sẽ có 18.000 ha cao su được chuyển đổi mục đích sang phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư đô thị theo định hướng chung của tỉnh Đồng Nai.
Ông Tuấn cho biết, sự chuyển hướng này nhằm thích ứng với thay đổi của nhu cầu từ thị trường; là cơ sở để Tổng Công ty tiếp tục giữ được lợi thế phát triển bền vững.
Thành lập năm 2005, Công ty CP KCN Nam Tân Uyên (Bình Dương) là 1 trong những đơn vị dẫn đầu về doanh thu và lợi nhuận nhiều năm liền.
Tính đến nay, Nam Tân Uyên đã cho thuê gần 447 ha; thu hút 2.227 dự án. Trong đó có 127 dự án trong nước với mức vốn đầu tư đăng ký hơn 8.000 tỷ đồng; 100 dự án nước ngoài với mức vốn đầu tư đăng ký tương đương 280 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 38.374 lao động.
Năm 2020, tổng doanh thu của Nam Tân Uyên hơn 476 tỷ đồng, vượt 13,82% kế hoạch. Công ty này còn đầu tư vốn vào 10 công ty.Trong đó có các khu công nghiệp khác như Bắc Đồng Phú, Minh Hưng 3, Dầu Giây, Tân Bình...
Mở rộng diện tích khu công nghiệp trên đất cao su giai đoạn 2
Tại huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), KCN Minh Hưng 3 do Công ty CP KCN cao su Bình Long làm chủ đầu tư đã ký hợp đồng cho thuê được hơn 214 ha, với 26 dự án đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy đất thương phẩm gần 98%.
Ông Hà Huệ Hải – Tổng Giám đốc Công ty CP KCN cao su Bình Long - cho biết: Việc phát triển khu công nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng. Nguyên nhân do làn sóng đầu tư vào Việt Nam sẽ có xu hướng "trăm hoa đua nở" trong thời gian tới.
Ở Bình Phước, huyện Chơn Thành có vị trí địa lý rất gần các trung tâm công nghiệp lớn. Cùng với đó là 2 tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 13 và Quốc lộ 14 đi qua, rất thuận tiện cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa.
Phát triển KCN là một hướng đầu tư thuận lợi và bền vững. "Công ty đang tiến hành các thủ tục pháp lý để mở rộng KCN giai đoạn II với diện tích hơn 577 ha" - ông Hải nói.
Trong số các đơn vị thành viên của VRG, Công ty CP KCN Tân Bình (Bình Dương) có quy hoạch mở rộng diện tích giai đoạn 2 lớn nhất, với 1.055ha.
Ông Nguyễn Quốc Thái - phó Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tân Bình - cho biết: Đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ mở rộng giai đoạn 2 tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
"Chúng tôi cũng đang đồng thời đẩy mạnh việc tuyển dụng lao động để phục vụ cho các doanh nghiệp trong KCN. Song song đó là cung ứng các dịch vụ tốt nhất cho doanh nghiệp", ông Thái nói.
Theo lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), tập đoàn có tổng số 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng KCN. Hiện các công ty này đang đầu tư và khai thác 11 KCN trên đất cao su, với diện tích hơn 6.000 ha, tập trung chủ yếu ở miền Đông Nam bộ.
Thời gian qua, hạ tầng khu công nghiệp trên đất cao su đã thu hút hơn 700 nhà đầu tư, với vốn đầu tư 9.119 triệu USD và 24.714 tỷ đồng.
Các khu công nghiệp này tạo ra hơn 260.000 công việc cho người lao động trên địa bàn các tỉnh. Qua đó đóng góp đáng kể cho ngân sách các địa phương, cũng như giải quyết vấn đề về an sinh xã hội.
Hạ tầng khu công nghiệp được xem là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, góp phần gia tăng và phát huy hiệu quả sử dụng đất. Hiện các công ty thành viên của VRG đang tích cực chuẩn bị cho công tác mở rộng giai đoạn 2 trên diện tích đã được quy hoạch.
Để bảo đảm tốc độ tăng trưởng 5-8%/năm giai đoạn 2021-2025, VRG đang trình Ủy ban quản lý vốn nhà nước phê duyệt đề án tái cơ cấu. Trong đó có mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất thông qua chuyển đổi một phần diện tích cao su sang phát triển ngành sản xuất khác có hiệu quả cao hơn.
Định hướng giai đoạn 2021-2025, tập đoàn VRG đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành. Trong đó phát triển từ 15.000-20.000ha diện tích khu công nghiệp.
Thông qua việc điều chỉnh, bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh khu công nghiệp trên đất trồng cao su chuyển đổi, VRG dự kiến sẽ có thêm 9 dự án khu công nghiệp trong 5 năm tới, với tổng quỹ đất 5.000ha tập trung tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Pleiku.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.