Đáng nói hơn, những điều kỳ diệu này lại không hề cần đến bất cứ loại hóa chất độc hại nào kể từ khi nông dân Việt Nam có công nghệ bảo quản CAS, một phát minh của Tập đoàn ABI (Nhật Bản) có được nhờ sự tâm huyết từ ông Chủ tịch tập đoàn Norio Owada.
Lời hứa với người trồng vảiMới gặp lần đầu, chắc không ai nghĩ đó là một chủ tịch tập đoàn đầy danh tiếng, lẫy lừng của Nhật Bản cũng như thế giới, bởi bề ngoài ông Chủ tịch Tập đoàn ABI Owada trông rất “thuần nông”- dễ gần gũi và rất thân thiện. Nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt chất phác của ông.
Một số đồng nghiệp của ông tiết lộ, Owada rất đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, lo toan đời thường của người nông dân... Có lẽ, chính vì sự đồng cảm đó, nên mỗi lần sang Việt Nam công tác, bao giờ ông Owada cũng lặn lội đến các vùng quê của Việt Nam để tìm hiểu đời sống người nông dân, cũng như những mặt hàng nông sản Việt - mà như ông nói “tuyệt vời về hương vị nhưng phẩm cấp, giá trị lại rất... chán đời”.
Ông Owada (trái) trong một lần giới thiệu các món ăn được chế biến, bảo quản theo công nghệ CAS với nguyên Thủ tướng Taro Aso. ( Ảnh, Viện Nghiên cứu phát triển vùng cung cấp).
Một lần, chính xác là vào tháng 4.2012, sau khi đến Hà Nội, ông đã đến ngay vùng vải Lục Ngạn, Bắc Giang - thời điểm mà liên tiếp có những cảnh báo “được mùa, nhưng mất giá” được đưa ra. Vào nhà một người nông dân tên Hùng, chưa kịp uống chén nước chủ nhà pha, ông Owada đã vội vã ra vườn.
Cả một vườn vải trải dài ngút ngát, quả non chi chít đầy cành. Ông tỉ mẩn sờ nắn từng gốc cây, từng cành vải. Qua người phiên dịch, Owada nói: “Đồi vải này nếu ở Nhật thì người nông dân giàu to”.
Nghe nói thế, người nông dân tên Hùng thở dài thườn thượt: “Khổ cho nông dân chúng tôi lắm bác ạ. Vườn vải 140 gốc này, với giá 5.000- 7.000 đồng/kg, bán hết vườn chắc cũng chỉ được vài chục triệu đồng thôi. Số tiền này chỉ đủ để trả chi phí phân bón, nhân công”. Vì sao như thế?
Ông Owada hỏi dồn. Ông Hùng giải thích: “Mùa vải rất ngắn, quả vải thu hoạch xong không bán ngay sẽ hỏng. Còn bán sẽ bị thương lai o ép đủ điều về giá, về chất lượng”. Ông chủ tịch tập đoàn trầm tư, rồi nói ngay: “ABI có công nghệ bảo quản nông sản. Chúng tôi sẽ giúp các bạn nông dân”.
Nói là làm, sau lần đó, ông Owada mang ngay vài cân vải chín sớm về Nhật Bản để thử nghiệm bảo quản. Tuy nhiên, mới về đến sân bay quê nhà thì vải ông mang theo đã bị lực lượng kiểm dịch thu hồi và tiêu huỷ vì trong đó có... sâu. Không nản, vài tháng sau ông quay lại Việt Nam- đúng thời điểm chính vụ của mùa vải. Ông lại lặng lẽ xuống vườn vải và chọn những quả ngon nhất, bọc gói cẩn thận rồi cất giấu như vật quý để mang về xứ sở Phù Tang...
6 tháng tính từ thời điểm quả vải được mang đi, một cuộc gọi từ Nhật Bản khiến ông Hùng và nhiều chuyên gia bảo quản trong nước mừng rỡ: “Thử nghiệm đã thành công. Quả vải Việt có thể bảo quản được 6 tháng đến 1 năm”. Chính thức từ thời điểm ấy, cái tên CAS (Cell Alive Systerm) nghĩa là Công nghệ bảo quản tế bào tươi sống- một sáng chế độc quyền của ABI, đã trở nên quen thuộc với người nông dân Việt Nam.
Tăng tuổi thọ nông sảnHẹn gặp ông Trần Ngọc Lân - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển vùng (Bộ KH-CN), đơn vị được giao phụ trách dự án CAS rất khó bởi suốt ngày ông bận rộn với phòng thí nghiệm về bảo quản. Qua năm lần bảy lượt hẹn, cuối cùng ông cũng đồng ý gặp.
Trong phòng làm việc đầy những tranh, ảnh, tài liệu thuyết minh về công nghệ bảo quản nông sản, ông Lân cho biết: CAS là công nghệ kết hợp làm lạnh nhanh với việc tạo trường điện tử kết hợp với sóng siêu âm, nhằm giúp các phân tử nước trong tế bào linh hoạt, không bị đóng băng trong thời gian bảo quản.
Nhờ vậy, cấu trúc mô tế bào trong quá trình bảo quản lạnh sẽ không bị phá vỡ, ức chế quá trình oxy hóa, chống sự nhiễm khuẩn và làm cho sản phẩm giữ nguyên hương thơm, mùi vị và lượng nước cần thiết để làm tươi sản phẩm trong một thời gian dài.
Cũng theo ông Lân: Với việc dùng CAS, các nhà khoa học Nhật Bản đã chứng minh được rằng, sau từ 1 đến 2 năm, thậm chí là 10 năm tùy theo sản phẩm, thực phẩm được bảo quản thì chất lượng của nó vẫn tươi ngon đến 99,7% so với khi mới thu hoạch. "Tức là nếu đưa CAS để bảo quản quả vải thì 1 năm sau, 2 năm sau quả vải vẫn như mới hái trên cây xuống" - ông Lân cho biết.
Tôi hỏi, quả vải mà ông và các cộng sự đang thử nghiệm với CAS cho kết quả như thế nào? Ông Lân hào hứng cho biết: "Từ lời hứa của ông Owada, chúng tôi chọn vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm thử nghiệm đầu tiên. Mục tiêu trước mắt sẽ bảo quản trong 6 tháng. Sau đó, tiến tới có thể lưu trữ quả vải trong 1 năm. Nghĩa là tới đây, người tiêu dùng có thể mua vải thiều ăn quanh năm mà không sợ bị ảnh hưởng bởi “công nghệ” bảo quản bằng thuốc hóa học như của Trung Quốc hay làm".
Tâm người kinh doanhNgoài quan tâm tới quả vải Bắc Giang, cứ mỗi lần sang Việt Nam, ông Owada lại đến Vĩnh Phúc thăm các trại trồng nấm; xuống Hải Phòng thăm các hộ nuôi thuỷ sản; rồi vào tận Bình Thuận xem trồng thanh long... Ông chia sẻ, Việt Nam là đất nước trải dài với nhiều vùng khí hậu khác nhau. Mỗi vùng đều có các loại đặc sản, nhưng sao đời sống người nông dân khổ sở và bị chèn ép quá. Không chỉ bị chèn ép trong nước, khi xuất bán hàng ra nước ngoài cũng bị chèn ép.
Việc xây dựng và chuyển giao CAS có 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là xây dựng hệ thống máy móc thiết bị CAS và nghiên cứu ứng dụng trung tâm công nghệ CAS bảo quản một số loại sản phẩm. Giai đoạn 2 là chuyển giao công nghệ CAS bảo quản hải sản, nông sản cho một số doanh nghiệp VN. Giai đoạn 3 sẽ chuyển giao công nghệ chế tạo thiết bị CAS cho VN...
|
Ông Owada kể, một lần đi công tác ở Hải Phòng, tận mắt chứng kiến cảnh mấy ngư dân Việt Nam bán cá cho thương lái Trung Quốc thì bực mình lắm. Cá tươi được ngư dân đánh bắt từ biển lên với bao mồ hôi, công sức nhưng họ chỉ được trả giá rẻ mạt quá.
Lại có một lần, ông lên Lạng Sơn và càng thương người dân hơn khi trông thấy cảnh hàng đoàn xe tải chở dưa xếp hàng, rồi bị phía bên kia o ép, hạch sách đủ điều. Nhiều xe tải sau mấy ngày chờ đợi thông quan không được đã phải vứt bỏ hàng tấn dưa giữa đường. “Nếu hàng hoá được bảo quản tốt, các bạn sẽ có những vị thế nhất định và không ai có thể bắt nạt được mình”- ông Owada chia sẻ.
Ngoài quả vải, ông Owada đang có tham vọng dùng công nghệ CAS do tập đoàn mình sáng chế áp dụng cho lúa gạo, nấm; các loại hải sản như ngao, tôm, hàu... Điều này rất có cơ sở, bởi hiện nay ngoài Nhật Bản thì ở 22 nước khác và khối EU (11 nước) đều đã dùng công nghệ CAS để bảo quản.
Như cá ngừ tại Mỹ có thể bảo quản được 5 năm; quả thanh quất ở Cadana được 4 năm; bơ, xoài ở Mexico 3-5 năm... "Tôi mong muốn, công nghệ CAS được chuyển giao vào Việt Nam sẽ giúp người làm nông nghiệp, ngư dân có cuộc sống tốt hơn. Hoa quả xuất khẩu, nếu không có kỹ thuật bảo quản sẽ chóng hỏng, khi đó giá thành sẽ thấp. Khi Việt Nam sử dụng công nghệ của chúng tôi, các bạn có thể đưa nguyên liệu hay sản phẩm ra các nước trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới với giá thành cao hơn. Đó cũng là lý do phía Nhật Bản đã lựa chọn Việt Nam là nước thứ 8 chuyển giao công nghệ này" - ông Norio Owada nói.
Hỏi ông Trần Ngọc Lân vì sao lại có một người ở xứ Phù Tang xa tít tắp lại đau đáu, quan tâm tới nông sản Việt như vậy, ông Lân cười nói: “Đây là câu hỏi mà nhiều người rất quan tâm. Với một ông chủ tập đoàn, bao giờ họ cũng đặt mục tiêu lợi nhuận, nhưng ngoài mục tiêu kinh doanh thì ông ấy còn có cái tâm rất lớn. Thật đáng quý, cái tâm đó ông Owada đã dành cho người nông dân Việt...”
Văn Hoài (Văn Hoài)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.