Đau bụng, buồn nôn tưởng rối loạn tiêu hóa, bé 7 tuổi bị xoắn ruột nguy hiểm

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 04/02/2023 06:45 AM (GMT+7)
Dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, nôn có thể là những triệu chứng của bệnh xoắn ruột nguy hiểm, cha mẹ đặc biệt không được chủ quan.
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại của bệnh viện vừa phẫu thuật cứu sống một bé gái bị xoắn ruột nguy hiểm. 

Bệnh nhân là bé Nguyễn T.T. (7 tuổi, trú tại xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc do xoắn ruột hoại tử và phải cắt bỏ hầu như toàn bộ ruột.

Đau bụng, buồn nôn tưởng rối loạn tiêu hóa, bé 7 tuổi bị xoắn ruột nguy hiểm - Ảnh 1.

Bé Nguyễn T.T được hồi sức tích cực sau cuộc phẫu thuật. Ảnh BVCC

Mẹ của bé T.T cho biết: “Sau khi ăn tối xong tức là khoảng 14 tiếng trước khi nhập viện, tôi thấy con khóc, kêu đau bụng cơn và buồn nôn, nôn nhiều lần, gia đình cho cháu uống nước thì cháu cũng nôn ra hết. 

Rất lo lắng cho tình trạng của cháu nên ngay khi trời sáng tôi đã đưa con tới cơ sở y tế địa phương để siêu âm, chụp X-quang và được các bác sĩ tuyến huyện cho chuyển tuyến tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để được điều trị kịp thời”.

Khi nhập viện Sản Nhi Bắc Giang, cháu T.T ở trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc tái, phản xạ kém, sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng, không đo được huyết áp và độ bão hoà oxy trong máu chỉ còn 85%. 

Ngay lập tức các bác sĩ khoa Ngoại đã cấp cứu hồi sức cho bệnh nhi, thăm khám lâm sàng thấy bụng trẻ căng chướng, bí trung – đại tiện; đồng thời chỉ định cho cháu T.T làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết và siêu âm, chụp X-quang bụng. 

Tình trạng sức khỏe của bệnh nhi rất nguy kịch nên các bác sĩ đã hồi sức tích cực, cho bé thở oxy, thiết lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm, đặt lưu sonde dạ dày. Sau khoảng 1 tiếng hồi sức tích cực tại Khoa Ngoại, trẻ đã có tri giác, gọi hỏi có phản ứng. 

Bác sĩ Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện cho hay, các bác sĩ khoa Ngoại đã hội chẩn với các bác sĩ khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc thống nhất chẩn đoán xác định cháu T.T bị xoắn ruột, viêm phúc mạc toàn thể và chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử trí thương tổn thực thể, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để hồi sức tích cực cho cháu T.T trong và sau phẫu thuật.

Quá trình phẫu thuật cho thấy một đoạn ruột dài bị xoắn lại, gây hoại tử đen, không có khả năng phục hồi. Do đó, các bác sĩ đã tiến hành hút bớt dịch ổ bụng, cắt bỏ các đoạn ruột bị hoại tử...

Trải qua hơn 3 giờ căng thẳng, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công giúp cháu bé thoát khỏi tình trạng nguy kịch.

Sau 4  ngày được điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, sức khoẻ của cháu T.T tiến triển tốt và được chuyển về khoa Ngoại để tiếp tục chăm sóc trước khi xuất viện.

Đau bụng, buồn nôn tưởng rối loạn tiêu hóa, bé 7 tuổi bị xoắn ruột nguy hiểm - Ảnh 2.

Bác sĩ Phạm Văn Đại – Trưởng Khoa Ngoại thăm khám cho cháu T.T trước khi bé xuất viện. Ảnh BVCC

Bác sĩ Phạm Văn Đại – Trưởng khoa Ngoại, bác sĩ trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho cháu T.T cho biết, xoắn ruột là một dạng bệnh cấp tính gây tắc ruột. Hậu quả của xoắn ruột xảy ra nhanh và nặng nề, gây ra các rối loạn toàn thân và tại chỗ, đồng thời quai ruột và mạch máu mạc treo…. bị thắt nghẹt dễ dẫn đến hoại tử, thủng và viêm phúc mạc nếu không được xử trí kịp thời. 

Theo bác sĩ Đại, trường hợp của bệnh nhi T.T không phải là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc bệnh lý xoắn ruột được phẫu thuật tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Tuy nhiên, đây lại là ca bệnh phức tạp nhất bởi bệnh nhi nhập viện tương đối muộn khi đã có dấu hiệu sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, mất ý thức và trong tình trạng rất nguy kịch. 

Nếu gia đình đưa cháu nhập viện chậm trễ chỉ khoảng 1 tiếng nữa thôi thì rất có khả năng là trẻ sẽ tử vong. 

"Do đến bệnh viện muộn nên đoạn ruột xoắn đã bị hoại tử, phải cắt bỏ và làm hậu môn nhân tạo. Dự kiến khoảng 2 tháng nữa, chúng tôi sẽ thực hiện phẫu thuật đóng hậu môn nhân tạo để cháu có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt tốt hơn”, bác sĩ Đại chia sẻ. 

Bác sĩ Đại khuyến cáo, các bậc phụ huynh hoặc người giám hộ khi thấy trẻ có dấu hiệu cấp tính của những bệnh đường tiêu hoá như nôn, đau bụng mà không rõ nguyên nhân thì gia đình cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện chuyên khoa nhi có đội ngũ bác sĩ phẫu thuật và trang thiết bị ngoại khoa phù hợp để được điều trị kịp thời. 

"Các bệnh lý đường tiêu hoá ở trẻ thường diễn biến nhanh nên trong trường hợp gia đình đã đưa trẻ tới cơ sở y tế không có chuyên khoa điều trị trong vòng 2 – 3 tiếng mà không thấy có tiến triển thì phải dừng phác đồ cũ và đưa trẻ đi điều trị ở bệnh viện chuyên khoa tuyến trên để tính mạng của trẻ không bị nguy hiểm", bác sĩ Đại nhận định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem