Dấu chấm hỏi về khoản lãi dự thu

  An Nhiên Thứ bảy, ngày 02/11/2019 13:21 PM (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng (NH) đánh giá và thoái các khoản lãi dự thu theo quy định (phù hợp với thực trạng các khoản nợ, phản ánh đúng kết quả kinh doanh). Song nhiều NH cho rằng, “việc thoái lãi dự thu sẽ cần nhiều thời gian, nếu làm ngay sẽ ảnh hưởng đến chỉ số lợi nhuận”!
Bình luận 0

Theo các chuyên gia tài chính, lãi dự thu chính là khoản lãi dự kiến thu trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm các sản phẩm cho vay. Điều đáng nói, dù chưa thu được “tiền tươi thóc thật”, nhưng các NH vẫn ghi nhận vào báo cáo thu nhập để từ đó tính ra lợi nhuận, bản chất lợi nhuận chưa phản ánh đúng thực tế.

Chỉ là khoản lời trên… sổ sách?

Thời điểm hiện tại, đã có khoảng 20 NH công bố báo cáo tài chính quý III/2019. Bên cạnh những ghi nhận về lợi nhuận nghìn tỷ, tại nhiều NH, các khoản lãi và phí phải thu - nơi che giấu nợ xấu - đang có dấu hiệu tăng mạnh sau 9 tháng của năm 2019. Lãi dự thu tăng theo tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NH là điều bình thường, song trong một số trường hợp, khi tỷ lệ lãi dự thu quá lớn, hoặc tốc độ tăng quá mạnh không đơn thuần là các khoản lãi dự tính thu được trong tương lai mà có thể chính là nợ xấu tiềm ẩn.

Trong số các NH đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019, Sacombank đang dẫn đầu về lãi dự thu. Cụ thể, các khoản lãi, phí phải thu tại thời điểm ngày 30/9 của NH này là 20.610 tỷ đồng. Nếu so sánh với hồi đầu năm (ở mức 23.154 tỷ đồng), lãi dự thu của Sacombank đang diễn biến tích cực, tiến trình xử lý nợ xấu đang được thực hiện.

BIDV đang có khoản lãi, phí phải thu tính đến ngày 30/9 là 13.239 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 11.897 tỷ đồng đầu năm. Vietcombank cũng có các khoản lãi, phí phải thu tại thời điểm ngày 30/9 là 8.352 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 7.410 tỷ đồng đầu năm. Vietinbank hiện có khoản lãi dự thu tính hết quý II/2019 khoảng 6.935 tỷ đồng, là NH đầu tiên chấp nhận giảm mạnh lợi nhuận để thoái nhanh lãi dự thu trong năm 2018. Vietinbank đã dùng 7.504 tỷ đồng để xử lý thoái lãi dự thu trong quý IV/2018, làm lợi nhuận cả năm về mức 6.742 tỷ đồng.

img

Khách đến giao dịch tại ngân hàng.

Ở nhóm NH nhỏ hơn, tỷ lệ lãi dự thu cũng đang tăng nhanh sau 9 tháng đầu năm 2019. Tại MBBank, khoản lãi dự thu tính đến hết quý III/2019 là 4.086 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái. BacABank cũng có lãi dự thu lại tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái và đã chạm ngưỡng ngấp nghé 4.000 tỷ đồng. Tương tự, VietBank tăng lãi dự thu mạnh, 9 tháng của năm 2019, lãi dự thu là 1.566 tỷ đồng, tăng 74,2% so với cùng kỳ.

Còn tại NH Quốc Dân (NVB), lợi nhuận thuần trước dự phòng trong quý III/2019 tăng gấp 11 lần cùng kỳ, đạt hơn 53,5 tỷ đồng. Đáng tiếc, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của NVB tăng vọt từ 3 tỷ lên hơn 50 tỷ đồng nên lãi ròng chỉ còn hơn 2,55 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của NVB là 19 tỷ đồng. Với vốn điều lệ hơn 4.000 tỷ đồng, đây là kết quả kinh doanh tệ hại. Khoản lãi dự thu của NVB sau 9 tháng là 3.161 tỷ đồng...

Rủi ro tiềm ẩn

Trong bối cảnh hệ thống NH Việt Nam đang tái cơ cấu, việc liên tục tăng lãi dự thu là điều dễ hiểu. “Trong báo cáo tài chính của các NH, có nhiều khoản lẽ ra là nợ xấu, nhưng thay vì đẩy khoản vay xuống nhóm 2, 3, 4, 5, giữ nguyên các khoản nợ nghi ngờ ở nhóm 1, tiếp tục ghi nhận lãi dự thu đối với những khoản này. Bởi nếu khoản nợ xấu này được tính vào nguồn thu, NH sẽ tiếp tục thu lãi, nhưng nếu bị chuyển thành nợ xấu, NH phải tăng trích lập dự phòng, khi đó lợi nhuận sẽ bị hao mòn, thậm chí âm.

Chưa kể, hiện rất nhiều NH vẫn chưa xử lý xong nợ tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nợ xấu nội bảng lại có xu hướng tăng lên… nên nếu “giấu” nợ được ở khoản lãi dự thu dại gì không làm”, ông Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính nhận định.

Cũng theo ông Tín, hiện nợ nhóm 1 không trích lập dự phòng, nhưng từ nợ nhóm 2 trở đi phải trích lập dự phòng, kể cả nợ nhóm 5 (trích lập dự phòng 100%) lãi vẫn tiếp tục đưa vào dự thu. Tuy nhiên, theo chuẩn mực kế toán quốc tế, những khoản nợ xấu nhóm 5 không được đưa vào lãi dự thu, vì đó là khoản không thu được.

NHNN nên đưa ra lộ trình thích hợp và có quy định chung về thoái lãi dự thu cho các NH (có ngoại lệ cho các NH tái cơ cấu). Việc phải bóc tách tỷ lệ lãi dự thu có nguy cơ biến thành nợ xấu sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát kịp thời và hạn chế tình trạng tăng trưởng tín dụng ảo.

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem