Ngày 8.8, bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) cho biết, kết quả phiên đấu giá cùng ngày tại chợ cá trung tâm Osaka (Nhật), 9 con cá ngừ đại dương (CNĐD, tổng cân nặng 448kg) được mua với giá bình quân 1.000 - 1.200 yen/kg (tương đương 200.000 - 240.000 đồng/kg); trong đó, có 1 con chất lượng đặc biệt đã được mua với giá 2.100 yen/kg (420.000 đồng/kg) và một con chất lượng kém nên được mua 50.000 đồng/kg. Đây là 9 con cá được các chuyên gia thủy sản của Nhật lựa chọn gắt gao từ 37 con CNĐD do 3 tàu của ngư dân Bình Định vừa đánh bắt - bảo quản thí điểm theo công nghệ Nhật.
Theo bà Lan, mức bán như trên là là khá cao so mặt bằng giá CNĐD tại Nhật, bước đầu chương trình ký kết hợp tác giữa Bidifisco và Công ty Hitoshi General Office (Nhật) như vậy là có triển vọng. Bidifisco sẽ hạch toán cụ thể chi phí, như giá mua 9 con cá trên (120.000 đồng/kg), cùng với chi phí máy bay, vận chuyển, phí đấu giá… “Giá bán được như thế không chênh lệch mấy với cá đánh bắt của ngư dân Nhật. Nếu ngư dân ta tuân thủ nghiêm ngặt 100% công nghệ đánh bắt - bảo quản của Nhật thì tỷ lệ cá tốt sẽ còn cao hơn nhiều. Chất lượng cá tốt sẽ đem lại thu nhập cao cho ngư dân. CNĐD đạt chuẩn thì sẽ không lo thiếu đầu ra tại thị trường Nhật”.
Mặc dù vậy, trước thông tin giá CNĐD bán tại Nhật, ông La Tình (chủ tàu cá BĐ-9625, đánh bắt theo công nghệ Nhật) tỏ ra lo lắng cho doanh nghiệp. “Tôi thấy chi phí đủ thứ để đưa được con cá sang Nhật, với giá bán như thế, chẳng biết doanh nghiệp thu mua có lãi hay không. Câu kiểu Nhật, ngư dân chúng tôi có vất vả hơn nhưng cũng đã quen dần. Chúng tôi sẽ xuất chuyến biển thứ 2 (câu theo kiểu Nhật) vào ngày 12.8 tới đây”.
Còn ông Nguyễn Quê (thuyền trưởng tàu cá BĐ-96776, đánh bắt theo công nghệ Nhật) cho hay, trong chuyến biển tới đây, sẽ tuân thủ kỹ càng hơn phương pháp câu và bảo quản CNĐD theo kiểu Nhật. Ông Quê cũng băn khoăn: “Các chuyên gia Nhật kiểm chọn rất kỹ, nhưng không hiểu sao lại có một con cá kém chất lượng như thế…”.
Trước đó, ngày 6.8, tại Quy Nhơn (Bình Định), đã có 9 con cá ngừ đại dương (tổng cân nặng 448kg) vượt qua kiểm định, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bằng đường hàng không, có mặt tại chợ đấu giá cá ngừ Osaka (Nhật). Đây là số cá được các chuyên gia thủy sản của Nhật giám định, lựa chọn gắt gao từ 37 con CNĐD được ngư dân Bình Định đánh bắt theo công nghệ Nhật, trong chuyến biển thứ 2 của ngư dân theo mô hình thí điểm.
Công ty Bidifisco và Công ty Hitoshi General Office (Kato Office, Nhật) đã ký kết hợp đồng đại lý độc quyền kinh doanh CNĐD. Kato Office là đơn vị đại diện hợp pháp của Bidifisco tại Nhật để đưa CNĐD đến bán tại các trung tâm đấu giá và chuỗi cửa hàng hải sản đối tác ở Nhật. Ông Masakazu Shoga - chuyên gia thủy sản Kato Office nhận xét: “Chất lượng cá vẫn còn kém là do ngư dân còn mắc sai sót ở khâu câu cá và bảo quản, ướp cá. Số lượng CNĐD đạt chuẩn tuy ít nhưng chúng tôi đánh giá cao sự cố gắng của ngư dân Bình Định. Mong rằng những lần sau, 100% số cá đánh bắt đúng công nghệ sẽ được đưa tiêu thụ tại thị trường Nhật”.
Theo Sở NNPTNT Bình Định, mô hình nhóm tàu ngư dân - Bidifisco (Bình Định) - Kato Office (Nhật) luôn nhấn mạnh sự cam kết uy tín, chất lượng của cả ba bên. Trong đó, ngư dân đánh bắt là khâu quyết định để có sản phẩm tốt, các đơn vị thu mua - xuất khẩu phải đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết, thông tin xuyên suốt và công khai trong quá trình mua bán sản phẩm CNĐD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.