Theo một số ngành chức năng, Công ty Thuận Phong sản xuất và kinh doanh phân bón “Made in USA” trong thời gian dài, tự in niêm phong và bao bì gây ảnh hưởng lớn đến an ninh nông nghiệp, thế nhưng chỉ bị kiến nghị xử lý hành chính. Dư luận có quyền đặt nhiều hoài nghi xung quanh kiến nghị này.
Quyết định khó hiểu
Cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng của Công ty Thuận Phong. Ảnh: CACC
Với các tài liệu hồ sơ có được, lãnh đạo Bộ Tư pháp khẳng định, qua hồ sơ có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, do vậy rất cần Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm của Công ty Thuận Phong và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật hiện hành
|
Ngày 15.4.2016, đại tá Lê Văn Hùng – Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Đồng Nai) đã ký Quyết định 23/PC46 về việc không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong. Quyết định này cũng đã được Công ty Thuận Phong gửi cho nhiều báo đài.
Trước đó, ngày 2.12.2015, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), sau khi nghe các bộ, ngành, văn phòng Ban Chỉ đạo 389 báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) đã chỉ đạo Bộ Công an điều tra, sớm có báo cáo để kết luận vụ việc Công ty Thuận Phong.
Đại tá Hồ Quang Thái - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay: “Công an Đồng Nai vội vàng ra quyết định xử phạt hành chính, là vội vã, không thuyết phục, chưa có sự đồng thuận của các bộ ngành chức năng tham gia xử lý vụ việc, tạo dư luận không hay giữa các bộ ngành, hiệp hội, cơ quan chức năng cùng tham gia xử lý vụ việc”.
Lý giải về việc không khởi tố hình sự, trong báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Hành vi “sang chiết từ bồn nhựa có dung tích 1.000 lít và loại chai 1 lít, đóng chai, dán nhãn chính bằng tiếng Anh, tem phụ tiếng Việt Nam” vào sản phẩm phân bón nhập khẩu của Công ty Thuận Phong khi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không vi phạm điểm a khoản 4, Điều 8, Nghị định 185/2013 (kinh doanh hàng hóa có điều kiện mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định). Lý do vì Điều 22, Nghị định số 202 ngày 27.11.2013 của Chính phủ về quản lý phân bón, có hiệu lực ngày 1.2.2014 cho phép “trong vòng 2 năm kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh phân bón nếu chưa đáp ứng đủ điều kiện về sản xuất, kinh doanh quy định tại nghị định này phải bổ sung đủ điều kiện”.
Phân tích về vấn đề này, một lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị giấu tên cho rằng, nhận định trên là chưa chính xác vì Điều 22, Nghị định 202 chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh phân bón hợp pháp theo các điều kiện được quy định tại các văn bản trước khi Nghị định số 202 có hiệu lực. Trong vụ việc này, Công ty Thuận Phong không phải là tổ chức đang sản xuất, kinh doanh phân bón hợp pháp theo các điều kiện được quy định tại các văn bản trước khi Nghị định 202 có hiệu lực. Bởi Công ty Thuận Phong thực hiện hành vi sản xuất phân bón tại địa điểm chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Nhiều nội dung chưa được làm rõ?
Vị lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng chỉ ra nhiều nội dung trong vụ việc của Công ty Thuận Phong đã đủ căn cứ để xử lý hình sự, và nhiều nội dung tiếp tục cần làm rõ, chưa thể kiến nghị xử lý hành chính chóng vánh như vậy được.
Sản phẩm được dán nhãn mác “Made in USA”. Ảnh: CACC
Cụ thể, đối với hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất phân bón trong nước của Công ty Thuận Phong, vị lãnh đạo này cho rằng, căn cứ quy định về “hàng giả” tại điểm b khoản 8, Điều 3, Nghị định số 185/2013, Bộ Tư pháp thấy rằng, đánh giá về việc “16 mẫu có một số chất lượng không đạt chỉ số công bố nhưng hàm lượng không dưới 70% theo chỉ số công bố” là chưa phù hợp vì Nghị định 185 không quy định cách tính “tổng hàm lượng” mà tính theo “hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng”.
Nếu phân bón có tên “Phân bón vi lượng kẽm” thì chất chính phải là kẽm (Zn), “Phân bón vi lượng bo” thì chất chính phải là bo (B). Căn cứ thông báo kết quả giám định 0113/N3.15/TĐ, Bộ Tư pháp nhận định, không phải chỉ có 16 mẫu như nêu mà tất cả 19/29 mẫu có kết quả không phù hợp với đăng ký chất chính, chỉ đạt dưới 70% so với tiêu chuẩn chất lượng ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
Với kết quả trên đây, theo lãnh đạo Bộ Tư pháp thì 19/29 mẫu phân bón của Công ty Thuận Phong là hàng giả. Do đó, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng, Bộ Công an và các đơn vị chức năng cần tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ số lượng phân bón sản xuất trong nước của Công ty Thuận Phong và hậu quả của việc sử dụng lượng phân bón này trong trồng trọt. Nếu thuộc trường hợp “hàng giả có số lượng lớn” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng” thì có thể xác định trách nhiệm cá nhân và xử lý hình sự về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi” quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đối với hành vi vi phạm liên quan đến việc ghi nhãn hàng hóa lô phân bón nhập khẩu được đóng chai của Công ty Thuận Phong, tại công văn số 1706 gửi Văn phòng Chính phủ ngày 26.5.2016, Bộ Tư pháp tán thành với quan điểm của Bộ KHCN được nêu trong công văn 3645/BKHCN-TĐC của bộ này về việc xác định: “Chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân khác, ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa và theo quy định tại điểm d, điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 thì đây là hàng giả. Bộ Tư pháp cũng cho rằng, căn cứ vào hồ sơ, đến ngày 24.4.2015 (thời điểm phát hiện vi phạm), Công ty Thuận Phong đã sang chiết bán tổng cộng 26.942 lít, thu được 2.349.091.510 đồng”.
Như vậy, nếu đúng hồ sơ vụ việc, theo Bộ Tư pháp, hành vi gắn nhãn bằng tiếng Anh, nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam ghi rõ “phân bón Mỹ nhập khẩu” lên các sản phẩm chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong là hành vi sản xuất hàng giả, thuộc trường hợp “số lượng lớn”, có dấu hiệu cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 158 của Bộ luật Hình sự.
Tóm tắt vụ việc
Ngày 24.4.2015, thực hiện Kế hoạch 08 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia (Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) về việc xử lý thông tin tố giác liên quan đến hoạt động sản xuất phân bón giả trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Tổ công tác của Văn phòng Thường trực đã tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón của Công ty Thuận Phong tại địa chỉ Khu phố 7, phường Long Bình, TP.Biên Hòa (khu vực K888) và bắt quả tang hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ “Made in USA” của Công ty Thuận Phong.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa tại kho nhà máy của Công ty Thuận Phong, phát hiện khối lượng lớn phân bón dạng nước đóng chai gồm 3.224 chai ghi xuất xứ “Made in USA” cùng hàng trăm kg nhãn mác, tem giả xuất xứ khác cùng hành vi tiêu huỷ hàng chục kg nhãn giả.
Sau đó, cơ quan chức năng cũng đã làm rõ, từ tháng 1.2014 đến khi bị phát hiện, Công ty Thuận Phong đã sản xuất và bán ra thị trường tổng số trên 40.000 chai các loại - tương đương trên 23.000 lít phân bón dạng nước giả mạo.
Theo kết quả điều tra, Công ty Thuận Phong đã sử dụng thủ đoạn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài (năm 2014 nhập khẩu nguyên liệu trị giá hơn 17,5 tỷ đồng), sau đó đóng chai, in nhãn mác giả xuất xứ hàng hóa và tiêu thụ ra thị trường. Do vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự, Đoàn công tác đã bàn giao vụ việc và chỉ đạo cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo pháp luật.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.