Hiệu quả từ sinh hoạt chuyên đề
Chúng tôi đến Na Xai vào một buổi chiều đông, giáp Tết. Theo lời giới thiệu của “hoa tiêu” Hà Huy (Đồn Biên phòng Hạnh Dịch), thì Na Xai vốn là một “vùng đất khó” – nơi cách trung tâm xã 30km. Những con đường đèo độc đạo với những khúc cua gấp, độ dốc lớn. Con đường dẫn vào Na Xai với 2/3 quãng đường chạy trên con đường bạt ngàn đá là đá, gồ ghề, lởm chởm.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển, đón chúng tôi, Bí thư chi bộ Na Xai Hà Văn Bình chia sẻ: Dù khó khăn vậy nhưng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là bộ đội biên phòng đã về cùng sinh hoạt với chi bộ, tuyên truyền vận động bà con từ bỏ những tập tục lạc hậu trong sản xuất, sinh hoạt; đầu tư giống, cây con chất lượng, áp dụng khoa học, cùng bà con xây dựng kinh tế nên cuộc sống được cải thiện từng ngày.
Bộ đội biên phòng xã Hạnh Dịch thường xuyên về sinh hoạt cùng Chi bộ Na Xai. Ảnh: Mỹ Nga.
Cùng với sự hỗ trợ của các đảng viên tăng cường về sinh hoạt cùng, Chi bộ Na Xai với 15 đảng viên luôn nghiêm túc thực hiện quy định về sinh hoạt chi bộ, trong đó chú trọng sinh hoạt chuyên đề có hiệu quả. Ví như các cuộc sinh hoạt chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, chuyên đề phát triển chăn nuôi gắn bảo vệ rừng…
Một trong những hướng đi chủ yếu được chi bộ Na Xai xác định để vận động, chỉ đạo người dân thực hiện chính là tập trung vào phát triển chăn nuôi gia súc và khoanh nuôi trồng rừng phòng hộ. Năm 2017 diện tích lúa nước của người dân bản Na Xai đạt 18 ha, cả bản nhận khoanh nuôi, bảo vệ 426 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Bên cạnh đó, bà con còn đẩy mạnh chăn nuôi gia súc và trồng rừng.
Những thửa ruộng trải dài, rừng đặc dụng phòng hộ mà đồng bào nhận khoanh nuôi đã có “hình hài”. Na Xai xanh màu no ấm. Ảnh: Mỹ Nga
Để lan tỏa đến người dân, các đảng viên trong chi bộ đã xung phong thực hiện trước. Như Bí thư chi bộ Hà Văn Bình luôn tiên phong trong phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, nuôi cá, đàn trâu bò, dê hàng chục con kết hợp trồng keo, quế để phát triển rừng nguyên liệu.
Thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số không phải dễ dàng, song bước đầu đã có sự chuyển biến. Người dân Na Xai đã dần có cuộc sống no ấm bằng cách vượt qua tư tưởng trông chờ, ỷ lại, biết tận dụng đất đai, kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của Na Xai chỉ chiếm 41%, trong năm 2017 giảm được thêm 8 hộ nghèo so với năm 2016.
Đang vào mùa đót, người dân Na Xai còn lên rừng hái đót để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Mỹ Nga
Điểm sáng vùng biên
Cũng chính nhờ thu nhập ổn định, nên các hộ gia đình dần thoát nghèo, có điều kiện chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, cho con em học hành. Vì vậy, Na Xai còn được biết đến là điểm sáng trong phong trào giáo dục, văn hóa. Các đảng viên trong chi bộ thường xuyên đến từng hộ gia đình vận đồng duy trì cho trẻ đến trường.
Hiện nay, bản có 3 con em là sinh viên theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt, một số học xong đã về công tác tại xã, hay đồn biên phòng, cống hiến sức lực và trí tuệ vào phát triển quê hương. Đây cũng chính là nguồn để chi bộ phát triển đảng viên hàng năm. Năm 2018, chi bộ Na Xai đã có 5 quần chúng ưu tú đi học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng. Mỗi năm đều kết nạp được 1 - 2 đảng viên mới, đạt chỉ tiêu đề ra.
Để có điện sinh hoạt, người dân bản Na Xai đã sáng tạo ra guồng máy thủ công tạo ra năng lượng điện. Ảnh: Hoài Thu
Là một bản vùng biên, cùng với trọng tâm phát triển kinh tế, Chi bộ Na Xai còn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Đặc biệt là việc bảo tồn, duy trì và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Theo đó, nhiều nhóm, tổ văn hóa đã được thành lập như: hội cồng chiêng với 20 thành viên, nhóm đan lát thổ cẩm người Thái do hội phụ nữ đảm nhiệm… Bí thư Hà Văn Bình phấn khởi chia sẻ: “Tất cả là nền tảng để hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, gắn với đề án duy trì làng Thái cổ tại Na Xai trong tương lai”.
Thác 3 tầng - một trong những điểm du lịch cộng đồng của Na Xai. Ảnh: Mỹ Nga.
Không chỉ phát triển kinh tế, văn hóa, người dân nơi đây còn chung tay giữ vững an ninh quốc phòng vùng biên. Chi bộ đã phối hợp với lực lượng công an, biên phòng thường xuyên tổ chức các đợt xuống tận các hộ dân để vận động, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước, các đợt ký cam kết không để người trong gia đình vướng vào tệ nạn, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.
Đồng chí Nguyễn Bá Kiệm - cán bộ Đồn biên phòng Hạnh Dịch tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Dịch và sinh hoạt chi bộ tại Na Xai cho biết: “Chi bộ Na Xai còn là điểm sáng trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc nơi vùng cao. Nhiều năm liền, bản không có tội phạm, tệ nạn ma túy, di cư tự do”.
Những luống rau xanh tốt tại Na Xai. Ảnh: Hoài Thu.
Chúng tôi rời Na Xai khi bản làng chìm trong khói bếp, sương chiều. Đâu đó tiếng trẻ em nô đùa cất lên, vọng đều. Dưới chân núi, mùi nếp nương từ những ngôi nhà sàn của bản người Thái cổ bay tỏa thơm dịu...
Sắc trắng hoa mận báo hiệu mùa xuân đã về với bản Na Xai. Ảnh: Mỹ Nga.
Và chúng tôi tin rằng, cuộc sống của người dân Na Xai sẽ ngày càng ổn định hơn, ấm no, tươi sáng hơn...
Hoài Thu - Mỹ Nga (Báo Nghệ An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.