Đầu năm "nóng" các khoản quỹ lớp, quỹ trường: Phụ huynh “trầm cảm” vì đóng quá nhiều

Lê Bình Thứ ba, ngày 24/09/2024 06:54 AM (GMT+7)
Nhiều phụ huynh đã chia sẻ bức xúc của mình trên mạng xã hội vì mới đầu năm nhưng bị "đổ ụp" lên đầu các khoản thu quỹ lớp, quỹ trường, quỹ ủng hộ.
Bình luận 0

"Nóng" chuyện quỹ lớp, quỹ trường

"Đến hẹn lại lên", cứ đầu năm học là câu chuyện về quỹ lớp, quỹ trường trở nên nóng nhất tại các diễn đàn dành cho cha mẹ học sinh ở Hà Nội và những người quan tâm đến giáo dục. 

"Quỹ lớp con tôi 17 triệu đồng, nhưng tiền photo bài tập cho học sinh chỉ 1,3 triệu đồng, còn lại dùng mua cây tặng trường, mua quà tặng cô...", một phụ huynh giấu tên mới đây cho biết.

Một phụ huynh khác kể lại: "Con em năm nay lên lớp 6, họp xong đóng 1,5 triệu đồng quỹ lớp. Ban phụ huynh nói rõ là quỹ kỳ 1. Lớp biểu quyết tại chỗ bác nào cũng giơ tay. Em thấy quỹ đương nhiên là cần nhưng mà nhiều quá (đối với em). Đóng thì thấy không thoả đáng, không đóng thì tự nhiên thành ra cả lớp đóng, mình con mình không đóng.

Em có ý kiến là đóng tầm 700.000 đồng/kỳ nhưng nhiều phụ huynh bảo không đủ, đằng nào cũng đóng rồi mọi người giơ tay biểu quyết. Em chia sẻ sự bất bình chứ em không mong là lớp con em thay đổi được".

Đầu năm "nóng" các khoản quỹ lớp, quỹ trường: Phụ huynh “trầm cảm” vì đóng quá nhiều- Ảnh 1.

Chia sẻ của một phụ huynh về quỹ lớp. Ảnh: CMH

Chia sẻ này nhận được nhiều bình luận đồng cảm bởi "nhiều phụ huynh phải theo số đông, cho dù có vài người nữa ý kiến thì cũng không giải quyết được vấn đề gì". Phụ huynh chia sẻ thêm: "Khổ nhất là học ở lớp toàn người giàu, mình nghèo nên phải theo". "Nhà mình có 3 con đi học mà quỹ lớp mỗi đứa 1,5 triệu đồng/kỳ. Đầu năm nhiều khoản thu chi, đồ dùng quần áo... mà mình muốn trầm cảm luôn".

Đầu năm "nóng" các khoản quỹ lớp, quỹ trường: Phụ huynh “trầm cảm” vì đóng quá nhiều- Ảnh 2.

Một phụ huynh chia sẻ về quỹ trường. Ảnh chụp màn hình

Không chỉ "tố" quỹ lớp thu cao mà quỹ trường cũng là con số khiến phụ huynh đặt ra câu hỏi rồi không biết trả lời ở đâu, hỏi ai? Nhiều người cho biết, đóng quỹ lớp dao động 800.000 - 2 triệu đồng/tháng và sẽ trích mỗi học sinh 150.000-250.000 đồng vào quỹ trường/kỳ. "Một lớp có 40 học sinh, cả trường có 40 lớp thì con số quỹ trường này không nhỏ. Số tiền này để làm gì?", phụ huynh đặt câu hỏi.

Một bà mẹ khác cũng phân vân: "Chỗ mình đóng 300.000 đồng/kỳ, trường có 5 khối, mỗi khối 8 lớp là 40 lớp. Cả năm 600.000 đồng/học sinh thì đây là một khoản khổng lồ".

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều phụ huynh cho biết quỹ lớp, quỹ trường là điều cần thiết để duy trì của một tập thể và người hưởng lợi là học sinh. 

Truy trách nhiệm hiệu trưởng nếu xảy ra lạm thu đầu năm học

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: "Mục đích ra đời và vai trò của hội cha mẹ học sinh rất tốt, rất quan trọng. Đặc biệt là lứa tuổi tiểu học và THCS cần huy động sự tham gia, hỗ trợ của cha mẹ học sinh. Thế nhưng nhiều nơi hội lập ra chỉ để thu tiền mà không có đồng thuận cao của phụ huynh. Vì vậy cần rà soát, giám sát trong việc thu chi, nếu như phát hiện có những khoản thu chi không hợp lý phải xử lý ngay. Cần nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu để đủ sức răn đe. Chúng ta cần chấn chỉnh chứ không nên xóa bỏ, phải thực sự ý nghĩa, đúng mục đích chứ không phải hoạt động không tốt là bỏ đi".

Sở GDĐT Hà Nội mới đây đã ban hành văn số 2999/SGDĐT-KHTC về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2024-2025.

Trong đó, Sở GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục tổ chức quán triệt và phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh các văn bản chỉ đạo thu chi của các cấp quản lý giáo dục; niêm yết công khai các văn bản chỉ đạo.

Các cơ sở giáo dục chỉ được thu các khoản thu theo quy định (đối với các cơ sở giáo dục công lập chỉ được tiến hành thu các khoản thu khác sau khi có thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên).

Các cơ sở giáo dục không được thực hiện hoặc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh đảm bảo thực hiện đúng theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT.

Phổ biến điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh tới các cha mẹ học sinh. Các cơ sở giáo dục không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Về công tác quản lý thu, chi, Sở GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập khi thu tiền của người học các cơ sở giáo dục phải thực hiện trả chứng từ thu kịp thời đầy đủ, đúng quy định. Tuyệt đối không giao nhiệm vụ cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền; Thực hiện theo dõi, ghi sổ kế toán đầy đủ kịp thời các khoản thu khác phát sinh tại đơn vị đảm bảo đúng chế độ;

Có chế độ miễn, giảm các khoản thu khác phù hợp đối với học sinh diện chính sách hoặc có khó khăn về kinh tế. Tuyệt đối không được để học sinh vì gia đình khó khăn không có tiền đóng góp mà phải bỏ học. Thực hiện việc giãn thời gian thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản thu trong cùng một thời điểm.

Chịu trách nhiệm giải trình trước người học, xã hội về các mức thu, khoản thu. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu chi sai quy định.

Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu các sở, địa phương cần hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Đây là vấn đề nhạy cảm, thường phát sinh bức xúc của phụ huynh vào đầu mỗi năm học bởi thực tế nơi này, nơi kia vẫn còn xảy ra tình trạng lạm thu, nhất là với những khoản thu chưa đảm bảo được sự rõ ràng, minh bạch. Vì vậy, thu - chi như thế nào trong các cơ sở giáo dục vẫn là chuyện cần được kiểm tra, giám sát thường xuyên, kịp thời để tránh những bức xúc không đáng có trong dư luận xã hội làm ảnh hưởng đến công tác dạy và học.

Đối với các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, công tác quản lý thu, chi thực hiện như sau:

Khi thu tiền của người học các cơ sở giáo dục phải thực hiện trả chứng từ thu kịp thời đầy đủ, đúng quy định. Tuyệt đối không giao nhiệm vụ cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền;

Thực hiện theo dõi, ghi sổ kế toán đầy đủ kịp thời các khoản thu khác phát sinh tại đơn vị đảm bảo đúng chế độ;

Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, kiểm toán, nghĩa vụ với ngân sách nhà nước và những quy định hiện hành khác liên quan. Hàng năm, thực hiện chế độ công khai tài chính và lập báo cáo tài chính gửi cơ quan quản lý ngành, cơ quan tài chính và cơ quan thuế cùng cấp theo chế độ kế toán hiện hành. Tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê; thực hiện kiểm toán hàng năm và công khai kết quả kiểm toán theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem