Vươn khơi cùng nhiều kỳ vọng
Đầu năm Đinh Dậu, phóng viên Báo NTNN ghi nhận không khí hồ hởi vươn khơi tại các cảng cá, âu thuyền, cùng lắng nghe tâm sự của các thuyền trưởng nửa đời chinh chiến vùng biển thân yêu Hoàng Sa – Trường Sa.
“Sói già Hoàng Sa” Nguyễn Văn Còn B cúng vươn khơi mở biển. Ảnh: N.C
Tiếp đá lên tàu để xuất quân. Ảnh: N.C
“Vui xuân vài ngày là đủ...”
Ngư dân Đặng Văn Cường - chủ tàu QNg 96079 TS ở xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), chuyên hành nghề lặn tại ngư trường Trường Sa, bộc bạch: “Chuyến đầu năm mới, tàu tôi sẽ vươn khơi Hoàng Sa. Phiên biển cuối năm cho thu nhập khá, trung bình mỗi lao động được chia gần chục triệu đồng. Tiền nhiều nên bạn chài sướng, đầu năm gọi một câu ai cũng có mặt”. Để kịp ra khơi, anh Cường đã tiếp thêm trên 2.000 lít dầu và 300 cây đá lạnh để kịp khởi hành. Vì tại ngư trường Trường Sa mùa này thời tiết không mấy thuận lợi, nên anh Cường và bạn tàu quyết định chuyển về ngư trường Hoàng Sa. Phiên biển cuối năm Bính Thân, anh Cường cũng ra Hoàng Sa, phí tổn chưa tới trăm triệu, đi 20 ngày mà có lãi lớn.
Những ngày đầu năm, tại Lăng cá ông Đông Hải (thôn Đông, xã An Hải, Lý Sơn), hàng chục ngư dân là chủ các tàu cá đánh bắt xa bờ, với trang phục khăn đóng áo dài và những mâm lễ vật, hương hoa . . . tập trung để được cụ quản Lăng hướng dẫn làm lễ cúng tế mở cửa biển đầu năm mới. Ngư dân Dương Châu - chủ tàu cá QNg 96354 TS (thôn Tây, xã An Hải) hồ hởi cho biết, từ các ngày mùng 3 đến mùng 8 tháng Giêng, theo quan niệm của ngư dân đi biển thì đây là những ngày tốt, nên ông tranh thủ sắm mâm lễ vật để tế thần Nam Hải (cá ông) cùng các bậc tiền nhân trên đảo, cầu mong việc vươn khơi làm ăn trong năm mới được thuận buồm xuôi gió, tàu về tôm cá đầy khoang. “Dẫu thời tiết thế nào, chúng tôi cũng phải tranh thủ chọn ngày làm lễ để sớm vươn khơi. Vui xuân đón tết với gia đình vài ngày vậy là đủ, giờ phải lo làm ăn” - ngư dân Châu nói.
Sau một năm làm ăn khá, ít gặp bão biển và sự quấy nhiễu, năm nay ông Nguyễn Lộc (xã An Vĩnh, Lý Sơn) - chủ tàu cá QNg 96416 TS chuyên hành nghề lặn tại ngư trường Hoàng Sa, cho tàu vươn khơi sớm, kỳ vọng đón lộc biển lấy hên. Ông cho hay: “Tôi cho lên tàu 4.000 lít dầu, 600 cây đá lạnh cùng lương thực, thực phẩm để vươn khơi Hoàng Sa trong chuyến biển đầu tiên năm mới”.
Sẽ không lùi bước
Tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng), một trong những “sói già Hoàng Sa” là thuyền trưởng Nguyễn Văn Còn B cũng vừa cúng mở biển năm mới xong và sẽ xuất hành trong ngày nay, ngày mai. “Năm nay mọi điều kiện đều thuận lợi, chỉ mong đừng xuất hiện thêm sự quấy nhiễu nào nữa. Dù nạn bắt bớ, xua đuổi chưa chấm dứt, thì ngư dân chúng tôi cũng quyết đoàn kết vươn khơi bám ngư trường”
.
Đội tàu cá Đà Nẵng thẳng tiến khơi xa. Ảnh: N.C
Gần 20 năm bám biển Hoàng Sa, đối với anh Nguyễn Chí Thạnh - thuyền trưởng tàu cá QNg 96515 TS (ở thôn Tây xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), mỗi chuyến biển là mỗi kỷ niệm vui buồn lẫn lộn: Vui khi tàu về bờ chở nặng cá, buồn vì trắng tay bởi sự cố, thiên tai, sự quấy phá của tàu nước ngoài. Một kỷ niệm mà anh không thể quên là cuối tháng 6.2014, tàu của anh xuất bến hướng ra ngư trường Hoàng Sa. Gần một ngày lênh đênh, khi còn cách đảo Tri Tôn khoảng 10 hải lý thì hệ thống điện của tàu xảy ra sự cố. “Khi vừa cho tàu xác định được tọa độ đánh bắt thì cũng là lúc ngọn lửa bùng phát dữ dội sau cabin, nhanh chóng lan sang khu bếp và gây nổ các bình gas. Con tàu trị giá trên 1,5 tỷ đồng chìm dần. 16 ngư dân nhảy xuống biển, bám lên mũi tàu còn nổi lửng lơ để chờ cứu hộ. Gần một ngày một đêm dìu nhau trên biển, 16 ngư dân chúng tôi được tàu kiểm ngư cứu vớt” - anh Thạnh nhớ lại.
"Chuyến đầu năm mới, tàu tôi sẽ vươn khơi Hoàng Sa. Phiên biển cuối năm cho thu nhập khá, trung bình mỗi lao động lĩnh gần chục triệu đồng. Tiền nhiều nên bạn thuyền sướng, đầu năm gọi một câu ai cũng có mặt”.
Ngư dân Đặng Văn Cường
(xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi).
|
Sau vụ tai nạn kinh hoàng, mất trắng tài sản, tưởng rằng thuyền trưởng Thạnh sẽ nằm bờ, chuyển nghề vì không đủ lực mua sắm tàu mới... Nhưng, nỗi nhớ biển luôn thôi thúc trong lòng. Gần 2 tháng nằm bờ, tâm trí thẫn thờ, chân tay bứt rứt, anh Thạnh lại chạy ngược chạy xuôi vay mượn, cầm cố tài sản để góp cùng anh em mua con tàu gần 1,1 tỷ đồng. “Tưởng rằng có tàu mới, mình sẽ gắng làm ăn, gây dựng để trả nợ, ai ngờ... Ngay phiên biển đầu tiên tại Hoàng Sa đầu năm 2015, khi tàu vừa khai thác được 10 tấn cá thì tàu Trung Quốc xuất hiện, họ cướp hết ngư lưới cụ, đánh đập anh em tôi. Phiên biển ấy tôi thiệt hại gần 600 triệu đồng” - anh Thạnh kể.
Anh bảo, ra biển mới thấy hết nỗi khổ của ngư dân, kiếm được con cá con tôm đã khó, nhưng để khẳng định chủ quyền biển đảo lại càng khó gấp bội. Bởi ngư dân mình chỉ có phương tiện nhỏ, thô sơ, khi sự cố xảy ra thì tỷ lệ rủi ro cao. “Biết vậy, nhưng chúng tôi quyết không bỏ biển, bỏ nơi ông bà, cha anh từng đổ bao xương máu để gìn giữ” - anh Thạnh giọng rắn rỏi.
Tâm tình gửi về đất liền
Phóng viên NTNN ghi nhận về những mong ước đầu năm của một số thuyền trưởng tàu cá tại Phú Yên.
Thuyền trưởng Lê Văn Giúp (tàu PY-92305): Có chính sách hỗ trợ về nhân lực đánh bắt
Năm qua, tàu tôi đã rất cố gắng nhưng thu nhập không cao bằng một số mùa biển trước. Bởi nguyên vật liệu đầu vào nghề biển đang tăng vọt, nguồn cá ngày càng cạn kiệt. Nếu trúng mùa, khó nghề nào thu nhập bằng đánh bắt xa bờ, nhưng nghề này cần chi phí đầu tư trang thiết bị, bảo dưỡng rất lớn. Hầu hết các tàu xa bờ đều có nợ vay ngân hàng, luôn phải lo toan trả lãi và gốc. Cái khó nhất lúc này là bạn tàu đi biển vô cùng khan hiếm. Nhà tàu luôn phải năn nỉ ỉ ôi, ứng tiền công trước để bạn tàu tiêu pha. Thế nhưng ngư dân trai tráng bây giờ ít còn mặn mà đi biển. Họ nói, nghề xa bờ ngày càng khó, thu nhập giảm dần, chỉ thích tìm việc trên bờ, dù thu nhập ít hơn nhưng đỡ hiểm nguy… Mỗi chủ tàu đều có cách chăm lo, thu hút riêng đối với lực lượng đi bạn nhưng nhiều lúc tàu vẫn phải nằm bờ do thiếu nhân lực. Vì vậy, tôi rất mong Nhà nước có chính sách riêng về hỗ trợ phát triển nhân lực đánh bắt xa bờ.
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp (tàu PY-96572): Nhiều thủ tục còn làm khó ngư dân
Nhiều quy định liên quan tàu cá xa bờ hiện rất bất cập. Điển hình như một số “đánh đố”, lỗi thời trong quy định đăng kiểm, bảo hiểm tàu cá. Ví như, theo tiêu chuẩn tàu cá TCVN 7111-2002, khi cơ quan đăng kiểm quy định chiếc tàu này chỉ được hoạt động xa bờ 50 hải lý, nếu bị nạn cách bờ 55 hải lý thì bị đơn vị bảo hiểm từ chối đền bù! Nếu trước đó, nơi bán bảo hiểm giải thích rõ quy định hạn chế trên thì chúng tôi đã không mua, bởi tàu câu cá ngừ đại dương đều đánh bắt ở vùng biển xa hơn 190 hải lý. Nhà nước đang khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ, tàu cá của ngư dân đủ sức vươn khơi, nhưng khi gặp nạn thì vướng quy định… chỉ được đi biển trong vòng 50 hải lý!
Chúng tôi tìm hiểu thì được biết, quy định trên được áp dụng cho tàu cá đóng mới trước khi có Nghị định 67/2014. Quy định hạn chế trên đang được nghiệp đoàn nghề cá địa phương đề nghị cơ quan thẩm quyền sửa đổi. Thế nhưng đợi đến lúc sửa sai thì bao nhiêu chủ tàu cá đã chẳng biết đâu mà lần, thiệt đơn thiệt kép, bức xúc vô cùng.
Thuyền trưởng Đặng Văn Đoàn (tàu PY-96356): Hiện đại hóa cảng cá
Tàu đánh bắt xa bờ không thể đậu đâu cũng được như các ghe nhỏ. Bởi các tàu công suất lớn đều cần có chỗ để neo đậu an toàn, nhập lượng nguyên vật liệu rất nhiều cho mỗi chuyến biển. Khi về cảng lại phải có vị trí thuận lợi để chuyển hải sản lên bờ. Thế nhưng cảng cá tại nhiều tỉnh, thành ven biển hiện rất yếu kém, đầu tư thiếu khoa học. Một số cảng cá đã có chủ trương đầu tư nhưng tiến độ xây dựng rất chậm chạp bởi thiếu vốn. Tôi cùng nhiều ngư dân nhận thấy cần phải xã hội hóa mạnh trong việc xây dựng, quản lý cảng cá. Nguồn vốn có thể từ doanh nghiệp, các chủ tàu cá, ngư dân... Vấn đề là phải tìm ra phương cách huy động, sử dụng nguồn đầu tư công khai, hiệu quả nhất. Điều cần tránh là việc thiết kế cảng thiếu hợp lý, gây bất tiện cho tàu cá ra vào.
Hùng Phiên (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.