Nhiều nhưng nhạt
Khi việc đi ra thế giới đã ngày càng trở nên dễ dàng hơn, thì ngày càng nhiều tác phẩm về đề tài du lịch “bụi” ra đời. Rất nhiều cây bút được biết đến trước đó là những blogger sở hữu bảng thành tích “phượt” khá đáng kể như Đinh Hằng trong “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ”, Rosie Nguyễn trong “Ta ba lô trên đất Á”, Trần Việt Phương trong “Chạm ngõ thiên đường” hay hiện tượng gây ồn ào một thời là Huyền Chip với “Xách ba lô lên và đi”…
Phương Mai là tác giả hiếm hoi ghi dấu ấn ở thể loại du ký
Những tác phẩm của họ mang nhiều chất du ký, khơi gợi tò mò của độc giả về những hành trình thú vị, đôi khi là liều lĩnh và đầy trắc trở trên con đường tìm đến những vùng đất lạ. Một số cây bút khác thì có thời gian sống và làm việc lâu năm ở nước ngoài. Không có tham vọng đi nhiều nơi, họ chọn cách kể lại những câu chuyện của chính mình nơi đất khách quê người, như “Bảy năm ở Paris” (Camille Thắm Trần), “Berlin và những mùa ru ký ức” (Hoàng Yến Anh), “Làm dâu nước Anh” (Khanh Record), “Nghìn ngày với Hawaii” (Hồ Thanh Lan)… Những tác phẩm này thiên về hướng tự truyện, ít chất du ký nhưng cũng không kém phần phiêu lưu.
Tuy nhiên, có một điểm đáng nói, mặc dù số đầu sách tương đối đa dạng nhưng những cuốn sách ghi được dấu ấn đối với độc giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số tác phẩm lại tham lam chi tiết, cố đào sâu những nghịch cảnh để lôi kéo sự chú ý. Một số khác, phần này nhiều hơn, gần như chỉ là ghi chép, thuật lại những chuyện “mắt thấy tai nghe”, những chi tiết lắp ghép rời rạc, khiến cho tác phẩm trở nên nhạt nhòa cảm xúc, khó chạm đến trái tim người đọc. Thậm chí, nhiều tác giả sa vào việc khoe khoang chiến tích, hay cố tình trưng diện cái tôi cá tính của mình.
Ít đi vào chiều sâu
Nếu ở thời điểm 1-2 năm trước, sách du ký lễ dàng được bạn đọc chấp nhận với số lượng phát hành lớn vì nó như một món ăn lạ trên bàn tiệc, đáp ứng khẩu vị của nhiều thực khách. Độc giả sẽ thấy tò mò trước câu chuyện một cô gái nhỏ nhắn một mình đi qua nhiều quốc gia, hay một chàng trai từ bỏ công việc với tiền đồ rộng mở để thỏa thú đi “phượt” của mình.
Tuy nhiên, sau những lời giới thiệu có phần ồn ào ấy, độc giả cũng sẽ dễ chán nản nếu người viết chỉ đơn thuần kể lại chuyện ở đâu, ăn gì, đi được bao nhiêu nước hay đã sống sót ở một nơi xa lạ như thế nào, mà quên đi rằng, điều mà người đọc cần là những cảm xúc, sự chiêm nghiệm và cả những giá trị thông tin mà người viết có thể mang lại chứ không đơn giản chỉ là những thành tích trên tấm hộ chiếu, những cây số có thể đo đếm được trên đường đi.
Viết du ký hay không chỉ cần đi nhiều
Còn nhớ, khi cuốn “Tôi là một con lừa” của nữ tác giả Phương Mai ra đời đã tạo ra được sự chú ý đặc biệt. Không nhằm khoe khoang thành tích mặc dù đã đặt chân đến 80 quốc gia, tác phẩm của Phương Mai đã cho người đọc thấy cái nhìn đa chiều về sự hiện diện của bản sắc ở mỗi quốc gia, dân tộc, về những ngộ nhận, lầm tưởng của con người khi bước ra thế giới và ý nghĩa đích thực của việc lên đường.
Ở chị có một cái nhìn sắc bén nhưng cũng rất bao dung, hào sảng, hóa giải những mâu thuẫn văn hóa, những định kiến về màu da, tôn giáo hay sắc tộc. Có lẽ, việc là một giảng viên, một nhà nghiên cứu khiến cho Phương Mai thay vì xoáy sâu vào những tình tiết “gây sốc” để bán sách thì chị thuyết phục độc giả bằng những khái niệm, những tầng tri thức lịch sử, văn hóa với một văn phong trẻ trung, lôi cuốn. Điều này thể hiện rõ hơn trong cuốn sách thứ hai “Con đường Hồi giáo” và cho đến nay, sách của Phương Mai vẫn là những tác phẩm đáng đọc nhất trong vô số những tác phẩm thuộc thể loại du ký.
Viết du ký không phải dễ. Để viết nên một tác phẩm hay không cần phải thể hiện cái tôi hào nhoáng hay cố mua sự đồng cảm của người khác. Cái mà những cây bút trẻ đang cần không chỉ là chất liệu thực tế mà còn chiều sâu trong suy nghĩ cũng như sự thăng hoa về cảm xúc để có thể truyền cảm hứng cho người đọc.
Mai Phương (An Ninh Thủ Đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.