Kinh phí đầu tư nghiên cứu thấp
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, ngoài đầu tư nhà nước từ vốn sự nghiệp khoa học cho KHCN nông nghiệp và nông thôn (tăng trung bình 11-12%/năm), Bộ NNPTNT còn tạo điều kiện để các tổ chức KHCN hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, đào tạo nâng cao năng lực quản lý, năng lực nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
|
Đầu tư, ứng dụng phát triển KHCN trong nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành. (Ảnh chụp tại xã Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội). |
Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt dự án KHCN nông nghiệp (giai đoạn 2007-2012) trị giá 40 triệu USD. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bổng, kinh phí hiện vẫn thấp và chưa tương xứng với vị trí, vai trò của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Trong giai đoạn 2006-2010, tổng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ là 2.416 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn đầu tư xây dựng cơ bản là 248 tỷ đồng (chưa kể các dự án giống và thủy lợi).
Hàng năm, Chính phủ đã bố trí 2% chi ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển KHCN (tương đương khoảng 0,4% GDP); các chi phí của khu vực sản xuất kinh doanh cho KHCN khoảng dưới 0,3%. Như vậy, đến năm 2005, tổng đầu tư toàn xã hội cho KHCN đạt khoảng 0,7% GDP.
"Trong lúc đó, mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII), Kết luận hội nghị T.Ư 6 (khóa IX) là "đưa tổng mức đầu tư xã hội cho KHCN đạt 1% GDP vào năm 2005 và 1,5% vào năm 2010". Như vậy, năm 2005, đã không đạt mục tiêu và năm 2010, mục tiêu cũng không thành hiện thực"- Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết.
Cần có chiến lược KHCN cho "tam nông"
GS Trần Đức Viên - Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận: "Chỉ có đồng đất, người nông dân và khối óc là của người Việt Nam, còn hầu hết chúng ta đều phải nhập khẩu, từ máy móc, thiết bị đến thức ăn… Tất nhiên, chúng ta cũng có thế mạnh xuất khẩu lúa gạo, cà phê, tiêu, điều nhưng chưa khai thác và tận dụng được".
Đội ngũ cán bộ KHCN ngành nông nghiệp còn thiếu cán bộ đầu đàn giỏi, các "tổng công trình sư", thiếu cán bộ trẻ kế cận có trình độ cao. Cơ cấu nhân lực KHCN theo ngành nghề và lãnh thổ còn nhiều bất hợp lý.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng
Theo GS Viên, Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 chỉ còn 9 năm. "Và như vậy, 9 năm tới chúng ta sẽ phải phát triển bằng 100 năm so với các nước khác. Đây là một thách thức quá lớn"- GS Viên nhấn mạnh thêm.
Về những đầu tư, vướng mắc trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào lĩnh vực nông nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: KHCN phải luôn đi kèm với phát triển nông nghiệp và là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế nói chung trong thời gian tới. Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh việc cân đối đất đai, vốn, nhân lực, thì KHCN phải là lực lượng tiên phong.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng việc ứng dụng KHCN trong nông nghiệp hiện chưa có một chiến lược mà chỉ có định hướng. Vì thế trong thời gian tới nhất thiết phải có chiến lược KHCN cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cần có chiến lược thu hút lực lượng làm KHCN để phục vụ nông nghiệp nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, kể cả lực lượng những nhà khoa học không thuộc Bộ NNPTNT. Ngoài ra, phải đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN trên cơ sở so sánh cạnh tranh trên thị trường và coi đây là khâu đột phá.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.