|
Đại biểu Vàng Xuân Hiệp (dân tộc Sila, ở Lai Châu) trình bày tham luận tại Đại hội. |
Cần nâng cao hiệu quả đầu tư...
Về dự Đại hội, mỗi đại biểu còn là những sứ giả mang nguyện vọng của bà con dân tộc mình gửi tới Đảng, Nhà nước.
Đại biểu Lường Văn Pánh, dân tộc Kháng, xã Na Sang, Mường Chà, Điện Biên, cho biết: "Thế mạnh của quê tôi là phát triển nông, lâm nghiệp. Nhưng, khó khăn nhất của đồng bào là thiếu kiến thức. Đề nghị Nhà nước ưu tiên dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con. Các nghề, tiến bộ KHKT phải phù hợp với thế mạnh của địa phương, nhiều nơi phải chấp nhận cách làm "cầm tay chỉ việc" cho bà con.
Nhiều đại biểu băn khoăn về việc các chính sách đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi hiệu quả chưa như mong muốn.
Theo ông Bh'riu Liếc, dân tộc Cơtu, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam), sau 35 năm đất nước thống nhất và hơn 20 năm đổi mới, được nhà nước quan tâm đầu tư, 100% xã ở Nam Giang có đường ô tô đến được mùa nắng; 100% xã, thôn có trường học, trạm xa; nhiều dịch bệnh được khống chế; 80% xã có điện lưới quốc gia...
Tuy nhiên, so với mặt bằng phát triển chung của đất nước, của các dân tộc anh em khác, dân tộc Cơtu vẫn còn lạc hậu rất nhiều. Nguyên nhân do vốn đầu tư dàn trải, không đồng bộ.
Ông đề nghị: "Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư vào vùng dân tộc, miền núi tập trung, đồng bộ với phương châm "đầu tư đến đâu hiệu quả đến đó”. Cần đầu tư đủ vốn, đủ lực cho xóa nghèo nhanh, bền vững ở khu vực biên giới, hải đảo…
Những bài học sinh động từ bản làng
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận động quần chúng phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, anh Tẩu Văn Đức (dân tộc La Chí) - Phó Chủ tịch HĐND xã Nàn Xỉn, huyện Xín Mần, Hà Giang cho biết: "Nàn Xỉn có đông anh em DTTS sinh sống, trong đó người dân tộc La Chí chiếm hơn 30%. Xã có 2 thôn có đường biên giới, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí thấp, nhưng bà con luôn nêu cao tinh thần đoàn kết đấu tranh với các loại tội phạm trên đường biên. Xã đã thành lập các mô hình tự quản về an ninh biên giới như tổ tự quản thôn bản và phong trào thanh niên làm chủ đường biên, xây dựng các điểm văn hóa.
"Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân" là bài học kinh nghiệm của tôi và cấp ủy, chính quyền, các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ của mình" - anh Đức nói.
Chị Hồ Thị Con (dân tộc Bru-Vân Kiều) ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình kể: "Năm 2001, chồng tôi mất sớm. Theo tục "nối dây" của đồng bào Bru-Vân Kiều, gia đình nhà chồng và làng bản bắt tôi phải lấy em chồng. Tôi kiên trì, giải thích với gia đình nhà chồng, lấy việc làm của mình để thuyết phục dân bản. Ban đầu dòng họ nhà chồng phản đối kịch liệt, nhưng sau đó mới chấp nhận. Từ đó, bản Bến Đường nơi tôi ở cũng không bắt ép phụ nữ góa chồng "nối dây" nữa. Đến nay nhiều chị em dân tộc Bru-Vân Kiều trong bản, ngoài xã cũng bỏ tục lạc hậu này". Bỏ được hủ tục, chị được dân bản tin yêu, liên tục nhiều khoá chị được tín nhiệm bầu vào HĐND huyện, tỉnh.
Quyết tâm thư (trích)
1. Tuyệt đối trung thành với Đảng, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng thành công CNXH, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
2. Thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống vùng dân tộc và miền núi của Đảng và Nhà nước; chủ động, sáng tạo, vươn lên làm giàu; không trông chờ, ỷ lại...
3. Tích cực vận động con em đến trường; quyết tâm hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học phổ thông; tích cực học tập nâng cao trình độ; thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
4. Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và cán bộ y tế cấp cơ sở, phấn đấu 100% các xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế. Thực hiện tốt các chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; từ bỏ các tập quán lạc hậu trong hôn nhân, sinh đẻ; thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào; phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi các dịch bệnh xã hội.
5. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp; kiên quyết xóa bỏ mọi hủ tục, tập quán lạc hậu; xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa...
6. Bảo vệ tài nguyên, môi trường, nhất là tài nguyên, môi trường rừng, đất, nước và các hệ sinh thái vùng đầu nguồn, môi trường sống...
7. Tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, giữ vững an ninh trật tự bản làng, an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu thủ đoạn gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, chia rẽ các dân tộc, gây mất ổn định trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng.
8. Củng cố và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở; nâng cao trình độ cán bộ vùng dân tộc và miền núi; xây dựng đội ngũ trí thức, cán bộ người DTTS; đổi mới phương thức công tác dân tộc; phát huy vai trò nòng cốt xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Đông Hoàng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.