Đầu tư hiệu quả là giải pháp tăng thu nhập

Thứ hai, ngày 14/11/2011 16:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thu nhập tăng gấp đôi, công chức sống được bằng lương, lạm phát dưới 2 con số... là những chỉ tiêu hấp dẫn vừa được Quốc hội thông qua cho năm 2012 và 5 năm tiếp theo.
Bình luận 0

TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội) trao đổi với phóng viên Dân Việt về những chỉ tiêu này.

Công tác dự báo có vấn đề

Trong nhiều năm qua mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên số 1, tuy nhiên liên tục từ 2008 đến nay lạm phát thường xuyên phải điều chỉnh và luôn vượt mức 2 con số. Theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ tiêu lạm phát năm 2012 là dưới 10%, theo ông liệu có khả thi?

- Trước hết chưa nói đến việc khả thi hay không khả thi nhưng việc hạ xuống lạm phát 1 con số là việc hết sức cấp thiết, cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Thế giới người ta chỉ có mấy phần trăm, trong khi mình có thể tới hai mấy phần trăm là nguy hiểm. Đồng thời, người dân cũng không chịu nổi sức ép về lương, giá cả. Do vậy, tất yếu hay không thì cũng phải hạ xuống.

img
Giảm lạm phát, tăng thu nhập cho người dân là những mục tiêu mà Chính phủ đang nỗ lực hướng tới.

Nếu nói theo nghĩa tuyệt đối thì sẽ khả thi, bởi nếu Chính phủ muốn chỉ đảm bảo một mục tiêu duy nhất là hạ lạm phát thì rất dễ. Nhưng ở đây còn giằng co giữa nhiều mục tiêu. Ví dụ, trong trường hợp này phải hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế (tăng trưởng GDP), mục tiêu an sinh xã hội…

Gần như mặc định là không đạt được thì sẽ xin điều chỉnh, cụ thể là năm 2011 xin nới đến 2 lần. Theo ông, tại sao không tính đến tình hình thực tế để đưa ra con số dự báo sát với thực tế mà cứ phải là con số “ảo”. Có phải vì để có chỉ tiêu đẹp? Hay là do công tác dự báo kinh tế - xã hội của ta chưa tốt?

- Điều chỉnh là điều đương nhiên, chúng ta đang có sự tách rời giữa dự báo kinh tế khoa học và ý chí chính trị. Thường thì mục tiêu bao giờ cũng tốt hơn thực tế. Hơn nữa do khách quan là thực tế hiện nay biến đổi rất nhanh, những dự định sau một tháng đã thay đổi rồi. Do đó những khách quan phải chấp nhận.

Ngoài ra, thực hiện các nhóm giải pháp chưa đồng bộ là vấn đề chủ chốt. Ví dụ như siết đầu tư công? Nhưng cắt giảm ở đâu. Kiểm soát giá thị trường nhưng vẫn cho tự tung tự tác, hay là dự trữ bình ổn cũng làm không tốt. Nhiều khi giá buổi sáng đã khác giá buổi tối rồi. Giá đoạn này tới đoạn kia đã khác rồi. Vấn đề là chúng ta có đủ các loại thuốc, kê các loại thuốc rất tốt nhưng chất lượng như thế nào mới là chuyện đáng bàn.

Nếu năm 2012 Chính phủ lại xin được điều chỉnh chỉ tiêu thì theo ông trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ sẽ được đặt ra tới đâu?

- Chúng ta thường đặt phương án thay đổi trên dưới 10%, từ 10 -12%, còn nỗ lực thì đạt từ 7 – 8%. Tất nhiên vì chúng ta kém trong công tác dự báo, nên các số liệu dự báo thường không đúng. Nhưng, quan trọng hơn là chúng ta không phân biệt mục tiêu dự báo khách quan và mục tiêu kinh tế chính trị. Nghĩa là dự báo chỉ đúng lúc đó thôi, thường không dự báo được theo phát sinh.

Không thể sống bằng lương

Trong nghị quyết KTXH năm sau và 5 năm tới có rất nhiều khái niệm như: Tăng thu nhập lên gấp đôi, công chức sống được bằng lương và tăng lương tối thiểu vào năm sau để cải thiện đời sống cho người lao động. Nên hiểu về những khái niệm này như thế nào?

- “Tăng gấp đôi thu nhập” nghĩa là tăng gấp đôi thu nhập danh nghĩa tính bằng đồng Việt Nam, vì có rất nhiều bản vị để so sánh như lấy bản vị là gạo, là vàng, USD… nhưng chúng ta chỉ được tính bằng Việt Nam đồng thôi.

Để đặt vấn đề Nhà nước hay doanh nghiệp trả lương đủ sống thì lại khác vì chi phí để trả lương sẽ được cộng vào trong chi phí doanh nghiệp, sẽ tính ra giá tiêu dùng, lại ra lạm phát. Thế thì các mục tiêu luôn đuổi nhau như vậy. Hơn nữa chuyện tăng thu nhập còn liên quan đến tăng năng suất. Vì không thể làm nhì nhằng lại đòi hỏi sống được bằng lương là một sự vô lý.

img Tái cấu trúc 1 nền kinh tế là chuyển từ mô hình này sang mô hình kia, giảm tỷ trọng khu vực này để đầu tư sang cái khác, tạo ra mô hình vật chất, con người mới. Giữa vấn đề nhà nước chủ động 80 – 90% nay chỉ còn 20%, nghĩa là sự thay đổi về chất. Còn nếu chỉ làm như gần đây chúng ta làm với Vinashin thì thực chất chỉ là điều chuyển vốn, cắt vốn. img

Nhưng rõ ràng ở đây có sự mập mờ nếu rạch ròi giữa khía cạnh định lượng và định tính?

- Tôi hiểu ở đây khái niệm tăng gấp đôi thu nhập, ví dụ từ 1,5 triệu đồng tối thiểu thì gấp đôi là 3 triệu đồng.

Năm 2012, Quốc hội thông qua chỉ tiêu dành 35% GDP cho đầu tư phát triển, năm 2011 là hơn 40%. Vậy theo ông dựa vào đâu để thực hiện mục tiêu tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội…?

- Thực chất là giảm ít thôi, vì năm sau giảm còn 38%, rồi xuống 35%, chưa phải giảm xuống ngay. Giảm này không có nghĩa là tiền không vào sản xuất nữa mà giảm ở những chi tiêu khác. Nếu để 40-50% mà không quan tâm doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn thì vô nghĩa.

Chúng ta không ngại việc điều chỉnh hạ, mà chỉ lo cơ chế điều chỉnh vốn như thế nào, có đến nơi cần thiết và quản lý hiệu quả hay không. Giờ là lúc chúng ta phải nghĩ đến việc đầu tư có hiệu quả, nên nó sẽ không mâu thuẫn.

Còn những khoản đầu tư tư nhân, ví dụ như môi trường đầu tư tốt, kiều hối về, FDI đổ về thì đầu tư tăng vọt… đấy là nguồn dự trữ rất tốt. Chúng ta vẫn có thể tạo ra những cái thu hút mới bù vào sự cắt giảm đầu tư công kia.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem