Khởi sắc giáo dục vùng ven...
Một trong những thành quả lớn nhất mà ngành giáo dục TP.HCM gặt hái được trong chiến lược đổi mới toàn diện và sâu rộng trong hệ thống giáo dục vùng ven là việc nâng cao trình độ của giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ GDĐT ở tất cả các bậc học. Bên cạnh đó, ngành GDĐT thành phố cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy cho tất cả giáo viên nhằm đáp ứng với mục tiêu phát triển của ngành. Chẳng hạn, trong năm 2013, với Đề án “Tăng cường năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông”, ngành GDĐT thành phố đã bồi dưỡng kiến thức, nâng trình độ đạt chuẩn B2 (theo quy định của Bộ GDĐT) cho 100% giáo viên tiếng Anh tại tất cả các quận huyện; đặc biệt là các quận, huyện vùng ven như Hóc Môn, Củ Chi...
![Nhiều trường học ở các quận, huyện vùng ven đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang. Nhiều trường học ở các quận, huyện vùng ven đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang.](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2014/images/2014-03-18/1434372707-dsc04143.jpg)
Nhiều trường học ở các quận, huyện vùng ven đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang.
Ngoài việc nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp khang trang cũng là một ưu tiên hàng đầu của ngành GDĐT. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ thông tin trong giáo dục cũng được đẩy mạnh từ nhiều năm nay. Hiện 100% các cơ sở giáo dục vùng ven đều đã kết nối đường truyền Internet băng thông rộng (ADLS) và nhiều đơn vị đã trang bị thêm đường cáp quang. Tất cả các trường đều có phòng máy để phục vụ dạy học cho học sinh; 100% giáo viên các cấp đều biết sử dụng các phần mềm trình chiếu trong giảng dạy, công tác… Ngoài ra, ngành GDĐT TP.HCM cũng ưu tiên triển khai và áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới, hiện đại của thế giới như: Mô hình trường học kiểu mới VNEN; triển khai hệ thống lớp học sử dụng bảng tương tác... đến nay đã mang lại hiệu quả cao và đang được nhân rộng ra khắp 24 quận, huyện.
Ngành giáo dục các quận huyện vùng ven những năm gần đây đã có sự góp mặt của nhiều trường THPT chuyên có chất lượng đáng chú ý như: Trường THPT Trung Phú, Trường THPT Củ Chi; Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu; Trường THPT Nguyễn Hữu Huân... góp phần cung cấp đội ngũ học sinh giỏi cho các kỳ thi cấp thành phố, cấp quốc gia và khu vực.
Tiếp tục “ưu tiên” đầu tư cơ sở vật chấtDù áp lực của việc tăng dân số cơ học của thành phố ngày càng cao, đặc biệt là ở vùng ven, tuy nhiên ngành GDĐT TP.HCM vẫn khẳng định: Sẽ đặc biệt quan tâm tới việc dành quỹ đất cho ngành giáo dục để tiến hành đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp. Mục tiêu chung là đưa giáo dục của thành phố trở thành đầu tàu cả nước, với một nền giáo dục đạt chuẩn về quy hoạch trường lớp, về số trường học, về sĩ số học sinh/lớp. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết: “Quyết định 02/2003 của UBND TP.HCM đã quy định về định mức đất đai dành cho giáo dục và mạng lưới trường lớp cho cả thành phố trong thời hạn 10 năm và tầm nhìn đến năm 2020. Cụ thể, ở những vùng ven khoảng 15m2/học sinh; ngoại thành là 8m2/học sinh và nội thành là 5m2/học sinh”.
Ngoài việc quan tâm đến quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, TP.HCM cũng đã chi 20% ngân sách xây dựng cơ bản để xây trường học theo cơ chế phân cấp về các quận huyện nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của số học sinh đang tăng mạnh. Cụ thể, trong năm học 2013, ngành GDĐT TP.HCM đã chi tới 7.141 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị dạy học hiện đại như bàn ghế, máy vi tính, phòng thực hành thí nghiệm, màn hình LCD… Dự kiến trong năm 2014 này, thành phố sẽ đưa vào sử dụng khoảng 1.500 phòng học mới với kinh phí gần 2.000 tỷ đồng.
Xây dựng khu đô thị đại học quốc tế tại Hóc Môn Đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam tọa lạc tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn (cách trung tâm TP.HCM 19km, thuộc khu tây bắc Sài Gòn), rộng 924ha là dự án FDI lớn nhất TP.HCM với vốn đầu tư 3,5 tỷ USD. Đô thị này thuộc dự án có tên gọi tắt là VIUT. Theo quy hoạch tổng thể, VIUT được xây dựng phức hợp gồm 7 phân khu chức năng, trong đó, 3 khu chính chiếm diện tích lớn nhất dự án là khu làng đại học quốc tế, khu trung tâm tài chính, hành chính và khu nhà ở có sức chứa 75.000 người sinh sống, học tập và làm việc. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục gồm 6 trường mẫu giáo, 4 trường tiểu học, 4 trường phổ thông cơ sở và các trường cao đẳng, đại học kèm theo nhà ở cho học sinh, sinh viên.
|
Quốc Hải (Quốc Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.