Đầu tư Phát triển nông nghiệp nông thôn: Chi 1 đồng, huy động được 33 đồng

Thuận Hải Thứ năm, ngày 12/11/2015 06:00 AM (GMT+7)
Tính đến cuối tháng 10.2015, TP.HCM đã có 52/56 xã ngoại thành hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới (NTM), trong đó 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM.
Bình luận 0

Để đạt được những thành tích dẫn đầu cả nước như trên, TP.HCM đã đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đa dạng nguồn lực

Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, trên cơ sở đề án xây dựng NTM của các xã, UBND thành phố đã đầu tư các nội dung từ quy hoạch đến xây dựng cơ sở hạ tầng theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, như điện, đường, trường, trạm…, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từ đó thu hút doanh nghiệp (DN) về đầu tư ở nông thôn, phát triển sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản.

img

Nấm linh chi trong vườn nấm của doanh nghiệp Nấm Việt (Củ Chi). Ảnh:  T.H

Có thể thấy rõ điều này từ điển hình xã điểm NTM Tân Thông Hội (huyện Củ Chi). Khi bắt đầu đề án xây dựng NTM, xã có 54 DN đang đầu tư, hoạt động trên địa bàn. Đến cuối năm 2014 đã có đến 159 DN đầu tư vào xã này, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn trong các lĩnh vực khác như may gia công, làm giày, sản xuất khăn giấy, chế biến trà, cà phê, chế biến rau củ quả sấy khô…. Các DN đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Thông Hội đã tăng từ 18,6 triệu đồng/người/năm (năm 2009) lên 28,6 triệu đồng/người/năm trong năm 2014.

Cũng nhờ có các DN tham gia đầu tư tại địa bàn, hơn 3.600 lao động ở Tân Thông Hội đã chuyển từ làm nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 33,6% khi triển khai đề án xuống còn 18,8%.

Ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM nhận định, thành phố nhiều năm qua luôn cập nhật, bổ sung các chính sách nhằm huy động, phát huy các nguồn lực đa dạng để xây dựng NTM.

Tạo việc làm cho 40.500 lao động

Bình quân, mỗi năm ngân sách TP.HCM hỗ trợ lãi suất từ 70 - 100 tỷ đồng cho chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, theo Quyết định số 13/2013 của UBND TP.HCM.  

Bình quân, mỗi năm ngân sách TP.HCM hỗ trợ lãi suất từ 70 - 100 tỷ đồng cho chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, theo Quyết định số 13/2013 của UBND TP.HCM. Tính đến cuối tháng 8.2015, bình quân cứ 1 đồng vốn ngân sách thành phố hỗ trợ huy động được 33 đồng vốn trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Lũy tiến từ khi thực hiện chương trình đến nay, chính sách này đã giúp tạo ra việc làm cho hơn 40.500 lao động, trong đó có khoảng 5.200 lao động thuộc diện hộ nghèo. Tỷ suất tổng giá trị sản xuất trên tổng vốn đầu tư đạt 153%.

Bà Lê Hà Mộng Ngọc – Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Nấm Việt (Củ Chi, TP.HCM) cho biết, là người “nhảy” từ ngành nhà đất, bất động sản sang đầu tư vào nông nghiệp, bà được các cơ quan chức năng hỗ trợ nhiệt tình trong việc vay vốn sản xuất, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Theo ông Trần Ngọc Hổ, từ cuối năm nay, TP.HCM tiếp tục khảo sát nhu cầu, khả năng của doanh ngiệp, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong công tác dự báo sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề… Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung, ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp với từng thời điểm và hoàn cảnh thực tế, tiếp tục thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2016 – 2020. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem