Đau xót: Chưa thể đăng ký bảo hộ giống nhãn tím vì... thiếu tiền

Khải Huyền Thứ tư, ngày 15/08/2018 11:57 AM (GMT+7)
Ông Bảy Huy (tức Trần Văn Huy, ngụ xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, Sóc Trăng) mong muốn được hỗ trợ đăng ký sở hữu giống cây trồng hoặc có hình thức bảo vệ giống đặc sản nào đó, không chỉ cho riêng ông, mà cho địa phương nơi ông sinh sống, tuy nhiên, ông chưa có đủ tiền.
Bình luận 0

Theo ông Huy, ngày càng có nhiều khách du lịch đến cù lao Phong Nẫm tham quan, du lịch. Nếu có được các giống cây trái đặc sản, việc phát triển du lịch sẽ dễ dàng hơn, thu hút hơn. Dù vậy, ông Huy chưa có đủ tiền để thực hiện bảo hộ sở hữu giống cây trồng đối với nhãn tím.

Chưa thể đăng ký vì thiếu kinh phí

Ông Bảy Huy là người tình cờ phát hiện và nhân giống thành công cây nhãn tím. Mới đây, khi ngày càng nhiều người tìm đến hỏi mua cây giống mới, trong đó có một số người nước ngoài, ông Bảy Huy lo lắng chuyện sẽ “mất bản quyền” giống lạ.

Tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương hiện vẫn chưa có phương án hỗ trợ nào để ông Huy có thể đăng ký giống cây đầu dòng hoặc đăng ký sở hữu trí tuệ giống cây trồng. Sau khi báo Dân Việt có bài phản ánh, Thủ tướng Chính phủ đã ký công văn giao Bộ NNPTNT vào cuộc, xử lý.

Chia sẻ với Dân Việt khi nhận thông tin này, ông Huy hào hứng cho biết: Những điều tôi mong muốn là cho cả địa phương nơi tôi ở, không riêng gì cho mình tôi. Mình phát hiện ra giống mới, rồi dày công phát triển nó nhưng nếu không đăng ký bảo hộ được, trong tương lai, các địa phương khác, thậm chí nước ngoài, họ đăng ký bản quyền thì mình “mất quyền lợi”.

“Hiện ở địa phương vẫn chưa làm được bảo hộ giống cây trồng gì cả. Chi phí cao mà tôi thì khó khăn nên không đủ tiền. Địa phương cũng chỉ “ngó nghiêng” rồi thôi, không thể hỗ trợ thêm được”, ông Huy nói.

img

Dù rất muốn đăng ký bảo hộ giống cây trồng nhưng ông Huy không đủ tiền, địa phương cũng không có nguồn hỗ trợ nào khác ngoài việc giúp làm hồ sơ, giấy tờ. Ảnh: Thuận Hải.

Ông Nguyễn Văn Khen, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), thừa nhận, giống nhãn tím xuất phát từ địa phương này hơn chục năm qua. Hiện ngoài gia đình ông Bảy Huy còn một số nhà vườn khác đã trồng được nhãn tím. Vừa rồi cũng có nhiều thương lái nước ngoài đến mua giống cây nhưng ông Bảy Huy không có hàng nên chưa bán được.

Ông Khen cũng cho biết, mới đây có một số doanh nghiệp thu mua trái cây cũng ghé Phong Nẫm hỏi mua nhãn tím để xuất khẩu. Vì nghe đâu có nhiều bạn hàng từ các nước như Thái Lan, Indonesia… đặt hàng mua các loại trái cây độc đáo, lạ mắt để xuất khẩu về nước họ.

“Ông Bảy Huy cũng vừa bán 100 nhánh giống cây cho một đầu mối tại Lâm Đồng. Cũng có những người ở Phú Quốc, Hà Nội, Hải Phòng đi máy bay vào Phong Nẫm mua mua vài nhánh về trồng”, ông Khen thông tin.

Tuy nhiên, khi được hỏi đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ đối với giống nhãn tím, ông Khen cho rằng, hiện vẫn đang “kẹt” vì chi phí lớn, xã chỉ có thể hỗ trợ làm hồ sơ. Ngoài ra, ông Bảy Huy phải bỏ ra một khoản tiền khoản 20 triệu đồng.

“Hiện ngành nông nghiệp địa phương không có nguồn hỗ trợ nào đối với các trường hợp này. Muốn có bản quyền hoặc chứng nhận sở hữu trí tuệ thì nông dân phải bỏ tiền ra, phòng nông nghiệp xã chỉ làm giúp khâu hồ sơ, thủ tục. Mà số tiền cũng khá lớn, ông Bảy Huy cũng thuộc diện khó khăn nên không làm được”, ông Khen cho biết.

img

Đã có rất nhiều khách tìm về cù lao Phong Nẫm tham quan, hỏi mua giống nhãn tím độc đáo, lạ mắt. Ảnh: Thuận Hải.

Ông Khen cho rằng, địa phương cũng nhận thức được việc cần phải bảo vệ những giống cây độc đáo, giống mới… nên đã nhiều lần vận động ông Bảy Huy bỏ tiền ra, tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình nên ông Huy vẫn chưa có tiền.

Còn theo ông Mai Văn Trị, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, để đăng ký sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới, tác giả phải liên lạc với Sở Khoa học Công nghệ để được hướng dẫn. Còn việc đăng ký cây đầu dòng, nông dân cần liên lạc với Sở NNPTNT.

“Nếu nông dân không tự làm được thì nhờ tư vấn. Mà nhờ tư vấn thì phải tốn tiền. Nông dân không có tiền thì đành chịu”, ông Trị nói.

Giữ giống “độc” để phát triển du lịch

Cũng chia sẻ với Dân Việt, ông Bảy Huy cho biết, thời gian gần đây, rất đông khách du lịch tìm về cù lao Phong Nẫm tham quan các nhà vườn nông nghiệp. Nhờ đó, bên cạnh việc bán giống nhãn tím, ông Bảy Huy cũng bán được một số trái cho khách.

Năm nay, cù lao Phong Nẫm phát triển thêm nhiều vườn du lịch sinh thái với các mô hình trồng chôm chôm, mận, xoài… Mỗi khách vô vườn phải trả tiền vé là 40.000 đồng. Khách được ăn no bụng, khi ra về muốn mua bao nhiêu ký cây trái thì chủ vườn sẽ cân riêng để tính tiền.

“Đợt vừa rồi nhà tôi bán trái cũng khá nhiều, vì khách tham quan ở các vườn khác khi trở ra họ có ghé vườn nhà tôi hỏi mua nhãn tím. Nhà tôi được thuận lợi là ở sát mặt đường, dễ dàng tiếp cận nên tôi bán cũng được kha khá. Về giá thì dù đông người mua tôi cũng không tăng giá, vì khách hàng phần lớn đều đọc báo, đài biết tôi bán giá như thế nào hết rồi”, ông Bảy nói.

Riêng vườn nhà ông Bảy thì ông cho rằng, chưa thể phát triển mô hình du lịch vì chưa có người quản lý. Gia đình ông hiện có vườn rộng khoảng 2.000m2, ông Bảy chỉ bán giống và bán trái nhãn thương phẩm cho khách du lịch ở những vườn khác đến thăm.

img

Ông Bảy Huy muốn "giữ độc quyền" cây nhãn tím cho cù lao Phong Nẫm, như một loại đặc sản địa phương. 

Còn theo ông Khen, các mô hình du lịch sinh thái kết hợp phát triển nông nghiệp đang dần phát triển ở cù lao Phong Nẫm. Hiện, mỗi thứ 7, chủ nhật, xã Phong Nẫm đón khoảng 300 – 400 khách qua thăm quan. Vào mùa hè, khách đông hơn nhờ lượng sinh viên từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long… ghé cù lao rất nhiều. Với các loại trái cây ngon ngọt như nhãn tím, chôm chôm, xoài, dâu… mô hình du lịch nông nghiệp đang thu hút khá đông du khách cho cù lao Phong Nẫm.

“Ngoài ra, thông qua báo đài và các thông tin từ hội chợ nông nghiệp, khách ghé cù lao Phong Nẫm sau khi tham quan các nhà vườn đều ghé thăm và mua nhãn tím về làm quà hoặc ăn thử cho biết. Bây giờ, nếu phát triển được mô hình trồng nhãn tím để phục vụ du lịch có thể sẽ giúp thu hút khách nhiều hơn”, ông Khen nhận định.

Ông Khen cũng thông tin, cách đây một thời gian, Sở NNPTNT Sóc Trăng cũng báo cho địa phương khảo sát, chuẩn bị đón đoàn đại biểu của Bộ NNPTNT về thăm mô hình nhãn tím ở Cù lao Phong Nẫm nhân dịp xúc tiến đầu tư vào tỉnh này. Địa phương cũng sắp xếp, chuẩn bị mọi thứ nhưng sau đó, do kẹt một số vấn đề nên Bộ NNPTNT không ghé được.

Trong khi đó, ông Mai Văn Trị, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam thì cho rằng, giống nhãn tím chỉ trồng để làm cảnh chứ không phải là một trong những giống nhãn ngon nhất hiện nay. Do đó, khi được hỏi Viện có tham gia gì vào việc nghiên cứu, phát triển giống mới này chưa, ông Trị cho rằng, Viện Cây ăn quả miền Nam chỉ chú ý những cây trồng chủ lực, quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT vào cuộc, xử lý

Sau khi Dân Việt có bài phản ánh tình trạng người Thái lùng mua giống nhãn tím Sóc Trăng nhưng đến nay vấn đề bảo hộ giống quý vẫn chưa được quan tâm, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NNPTNT vào cuộc, xử lý thông tin trên.

Cụ thể, ngày 13.8, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7659/VPCP-NN gửi Bộ NNPTNT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về bài báo “Từ chuyện người Thái lùng mua nhãn tím: Sao chưa bảo hộ giống quý?” đã được đăng trên báo điện tử Dân Việt.

Công văn nêu rõ: Ngày 6.8.2018, Báo điện tử Dân Việt đăng bài: “Từ chuyện người Thái lùng mua nhãn tím: Sao chưa bảo hộ giống quý?”, phản ánh việc gần đây một nhóm người Thái Lan về miền Tây tìm mua giống nhãn tím, gây ra lo ngại Thái Lan mua giống rồi phát triển thành sản phẩm nông nghiệp đại trà. Thực tế này đặt ra câu hỏi về việc đăng ký bảo hộ, phát triển và bảo vệ các giống đặc sản.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT nghiên cứu và xử lý thông tin trên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem