Đầu xuân "Nhâm Nhi Dần" cùng người bắt "chúa sơn lâm" ôm hoa sen giữa Thủ đô

Nguyễn Đức Minh Thứ năm, ngày 10/02/2022 09:46 AM (GMT+7)
Hổ được coi là "chúa sơn lâm", một biểu tượng của sự hùng cường, thể hiện sức mạnh. Từ hình ảnh “chúa tể rừng xanh”, không ít nghệ sĩ đã sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Một trong số đó phải kể đến dự án “Nhâm Nhi Dần” của họa sĩ Lê Huy.
Bình luận 0

Dự án "Nhâm Nhi Dần" được họa sĩ Lê Huy, hiện là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp lấy ý tưởng, tạo hình khai thác từ những câu chuyện dân gian, những biểu tượng, hình ảnh điêu khắc, thủ công truyền thống. 

Với nhân vật chính là một chú hổ trên tay cầm bông hoa sen. Hổ được tạo hình thành khối tròn căng, béo tốt, no đủ, miệng cười sảng khoái khơi gợi, ẩn dụ hình ảnh của phật Di Lặc- Vị phật hiện thân cho tương lai, luôn lạc quan, hạnh phúc và an nhàn.

Đầu xuân "Nhâm Nhi Dần" cùng người bắt "chúa sơn lâm" ôm hoa sen giữa Thủ đô - Ảnh 1.

Họa sĩ Lê Huy- chủ nhiệm dự án Nhâm Nhi Dần. Ảnh: Nguyễn Đức Minh

Hoạ sĩ kể chuyện qua hình tượng con giáp

Phóng viên Dân Việt gặp họa sĩ Lê Huy khi dự án "Nhâm Nhi Dần" của anh đang bước vào những khâu cuối cùng. 

Trong căn chung cư cũ nhỏ chỉ khoảng 50m2, họa sĩ trẻ đầy đam mê vẫn tỉ mỉ mài từng lớp sơn trên sản phẩm của mình, giữa tiết trời se lạnh của những ngày cuối đông, trước khi chuyển xuống xưởng để phủ sơn bóng.

Đây là lô hàng cuối cùng của anh cho năm mới Nhâm Dần 2022. Chính vì vậy, mọi việc đều được anh cùng "ekip" của mình thực hiện một cách khẩn trương, nhưng cũng phải rất cẩn thận, chi tiết, để khi sản phẩm hoàn thiện đạt được độ hoàn mĩ như những gì "tác giả" kỳ vọng.

Cũng phải nói thêm, dự án "Nhâm Nhi Dần" không phải dự án đầu tiên mà xưởng nghệ thuật của họa sĩ Lê Huy thực hiện. Những dự án tương tự đã được anh thực hiện xuyên suốt từ năm 2015 đến nay, trước "Nhâm Nhi Dần" là Đê Cát Tường, Chuột Quả Gấc, Ngựa Hoa Mai, Nhàn Ngưu (trâu an nhàn)... Thông qua mỗi sản phẩm của mình, họa sĩ Lê Huy đều khéo léo "cài cắm" vào đó những thông điệp mang tính nhân văn, gần gũi và đời thường.

Đầu xuân "Nhâm Nhi Dần" cùng người bắt "chúa sơn lâm" ôm hoa sen giữa Thủ đô - Ảnh 3.

Dự án được ý tưởng và thực hiện từ tháng 7/2021, khi Hà Nội bắt đầu giãn cách. Ảnh: Nguyễn Đức Minh

Họa sĩ Lê Huy chia sẻ: "Chúng tôi hay làm những thứ có liên quan đến cuộc sống hàng ngày chứ nó không có ý nghĩa phong thủy (sinh khí, thịnh vượng,...). Ví dụ năm con chuột chúng tôi làm con chuột giống như hình tượng quả gấc. Vì ngày Tết mình vẫn thường ăn xôi gấc, tôi tiếp cận theo cách đời thường như vậy.

Chúng tôi mượn hình tượng con giáp để kể về những chuyện diễn ra trong năm. Với con hổ này thì đầu tiên là phác thảo. Xong tôi nghĩ về nó, những cái này là do hoàn cảnh diễn ra hàng ngày tác động lên mình. 

Ví dụ giãn cách, dịch bệnh, rồi xem truyền hình, thời sự về người mất do Covid-19,... tóm lại là những thứ chúng ta cảm nhận. Nó tác động đến mình như thế nào thì tôi sẽ làm theo hướng đó. Chúng tôi làm để kể câu chuyện chung của mọi người. Sau khi phác thảo xong bắt đầu nặn thành hình. Lúc đó nghĩ đến một con lật đật dù dịch bệnh thế nào nó vẫn phải đứng, vẫn phải cười".

Tạo hình các con giáp, đặc biệt là tạo hình hổ trong năm mới Nhâm Dần là điều không hiếm gặp, nhưng ở mỗi người nghệ sĩ lại có những nét đặc trưng riêng không trộn lẫn. Hòa cùng tinh thần và cảm hứng chung của năm mới, họa sĩ Lê Huy đã góp thêm một nét vẽ độc đáo cho hình tượng hổ của năm Dần. 

Câu chuyện văn hóa và những chi tiết hồn nhiên, bình dị đời thường cứ thế đi sâu vào tâm thức mọi người một cách tự nhiên, không gượng ép.

Đầu xuân "Nhâm Nhi Dần" cùng người bắt "chúa sơn lâm" ôm hoa sen giữa Thủ đô - Ảnh 4.

Sau khi mài xong, hổ sẽ được chuyển xuống xưởng đến sơn bóng và gửi đến khách hàng. Ảnh: Nguyễn Đức Minh

Vẻ đẹp truyền thống từ hình tượng "chú Hổ lật đật"

"Nhâm Nhi Dần" là bộ sản phẩm được họa sĩ Lê Huy và cả nhóm dày công tạo tác. Mỗi chi tiết, đường nét, ra đời đều là bao công sức và niềm say mê sáng tác. Tạo hình chú hổ ôm hoa sen không chỉ gây ấn tượng với người xem bằng sự độc đáo, mới lạ. Nó còn chứa đựng những thông điệp mang giá trị và tinh thần Việt Nam bao đời nay.

Hình tượng bông sen xuất hiện trong các tác phẩm "Nhâm Nhi Dần" được lấy cảm hứng từ đài sen trên cột đá hình bút lông ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đồng thời gửi gắm thông điệp truyền thống được cha ông gìn giữ từ bao đời nay, đó là hiện thân của tri thức, của truyền thống tôn sư trọng đạo.

Hoa văn lửa được khắc nổi trên thân hổ, được chuyển hóa từ hình quả Phật thủ, lửa như những "ngón tay" bao trọn tổng thể, không còn là lửa của hiểm nguy mà là bao bọc.

Dải hoa văn Mây-Lửa trên lưng hổ được mượn ý từ dải hoa văn trên sống lưng hình tượng Nghê trong Mỹ thuật cổ. Đó là tướng của rồng, đó là biến thể của dãy kỳ thể hiện tính mềm mại, bay bổng mang tinh thần của linh vật.

Đầu xuân "Nhâm Nhi Dần" cùng người bắt "chúa sơn lâm" ôm hoa sen giữa Thủ đô - Ảnh 5.

Hổ được tạo hình thành các khối tròn căng, béo tốt, no đủ, miệng cười sảng khoái khơi gợi, ẩn dụ hình ảnh của phật Di Lặc Vị phật hiện thân cho tương lai, luôn lạc quan, hạnh phúc và an nhàn. Ảnh: Nguyễn Đức Minh

Lửa-cháy trong nhiều câu chuyện dân gian thường được kể với những trận cháy rừng, những thiên tai... như một sự liên tưởng đến những hoạn nạn, khó khăn, dịch bệnh mà chúng ta đang phải trải qua. Nhưng trong bão lửa, hổ vẫn đứng vững, vẫn vượt qua và vẫn luôn cười.

Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm trên một vài chất liệu, họa sĩ Lê Huy và đồng nghiệp chọn chất liệu sơn mài thủ công truyền thống để thể hiện hình tượng chú hổ. Với tông màu chủ đạo: Đỏ, Xanh, Vàng. Là những gam màu biểu tượng cho tốt lành, rực rỡ cho năm mới như ý và thịnh vượng. 

Sản phẩm được thực hiện qua nhiều lớp sơn, mài và hoàn thiện thủ công hoàn toàn nên màu sắc và các vết mài không giống nhau, chính sự ngẫu hứng, ngẫu nhiên này tạo nên sự khác biệt cho từng sản phẩm.

Họa sĩ Lê Huy tâm sự rằng: "Khâu mài là khó nhất và được chúng tôi thực hiện rất kỹ, nó giống như là vẽ. Trong nhóm của tôi đều là những bạn học về mỹ thuật và có gu thẩm mỹ nhất định thì mới có thể mài được. Có thể hình dáng và màu sắc giống nhau nhưng sẽ không bao giờ có hai con giống hệt nhau. Không ai có thể mài được hai con hổ giống hệt nhau. Nó có số lượng rất nhiều nhưng từng con một sẽ khác nhau".

Đầu xuân "Nhâm Nhi Dần" cùng người bắt "chúa sơn lâm" ôm hoa sen giữa Thủ đô - Ảnh 6.

Mỗi bức tượng hổ phải trải qua nhiều bước công phu với thời gian hoàn thiện có thể lên đến 10 ngày. Ảnh: Nguyễn Đức Minh

Dù trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, khó khăn, sự mệt mỏi vì những đợt giãn cách dài ngày hay những nỗi lo toan vất mưu sinh thì cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn. Đó là sự nhâm nhi, chậm rãi tận hưởng những điều hạnh phúc, trải nghiệm những điều mới mẻ, cảm nhận những yêu thương... hay cả nhâm nhi một nỗi buồn, một mất mát, hệt như cái tên "Nhâm Nhi Dần" vậy.

"Tôi không tìm khách hàng cho sản phẩm mà tìm sản phẩm cho khách hàng"

Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống đang chạy theo xu thế của thị trường, các sản phẩm thường được chú trọng nhiều về số lượng để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Chính vì thế, những sản phẩm được dầu tư nhiều về chất lượng và ý nghĩa văn hóa ngày càng ít dần đi.

Không lựa chọn việc đi theo số đông, họa sĩ Lê Huy đã lựa chọn một hướng đi khác biệt. Anh đem những chất liệu thuộc về văn hóa truyền thống để gửi gắm vào trong tác phẩm của mình. Tạo ra các tác phẩm mang ý nghĩa và vẻ đẹp riêng, gần gũi với cuộc sống.

Họa sĩ Lê Huy nói: "Tôi tìm sản phẩm cho khách hàng tức là tôi thấy khách hàng đang thiếu một sản phẩm mang tính văn hóa, thiếu một câu chuyện về văn hóa, thì tôi sẽ tìm một sản phẩm cho họ. Ví dụ như bạn bè của tôi, họ không còn thích những bức tượng mạ vàng, sơn son bóng bẩy để trưng bày nữa, họ cần những sản phẩm có giá trị hơn về mặt tinh thần, thì tôi đi tìm, làm những thứ đó cho họ.

Đầu xuân "Nhâm Nhi Dần" cùng người bắt "chúa sơn lâm" ôm hoa sen giữa Thủ đô - Ảnh 7.

Trong tất cả các khâu thì khâu mài tượng là khó nhất và được thực hiện rất tỉ mỉ. Ảnh: Nguyễn Đức Minh

Hay như trong năm vừa rồi chúng tôi có làm bức tượng Em bé Điện Biên, lấy cảm hứng từ một em bé lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ tại khu cách ly Covid-19 ở Điện Biên, hình ảnh đấy đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Sau khi tôi hoàn thành bức tượng, đã có rất nhiều người hỏi mua và chúng tôi phát triển thành Dự án ủng hộ các quỹ Chống Covid-19, thêm nguồn kinh phí cho tuyến đầu chống dịch. 

Chúng tôi không bán bằng tiền mà người mua sẽ chuyển khoản thẳng vào quỹ, sau đó gửi lại chứng từ chuyển khoản và chúng tôi sẽ gửi sản phẩm đến tận tay người ủng hộ. Đó cũng là cách để chúng tôi có thể cùng chia sẻ, đồng cảm với mọi người, gửi gắm những câu chuyện, những thông điệp tích cực đến mọi người".

Có thể nói, mỗi dự án được họa sĩ Lê Huy làm ra bên cạnh ý nghĩa về mặt văn hóa, còn mang nhiều thông điệp sâu sắc cùng những giá trị nhân văn. Riêng với "Nhâm Nhi Dần" còn mang ý nghĩa là chậm lại, ngắm nhìn cuộc sống để tận hưởng thêm nhiều điều mới lạ trong năm mới Nhâm Dần 2022.

Quý độc giả đang đọc bài viết "Đầu xuân "Nhâm Nhi Dần" cùng người bắt "chúa sơn lâm" ôm hoa sen giữa Thủ đô" tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng Báo Điện tử Dân Việt 0857.835.666.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem