Không giống sách vở
26 tuổi đã bắt đầu bước chân vào nghị trường Quốc hội. Cảm giác lúc đó của anh thế nào?
Qua ý kiến của cụ, tôi mới thấy mình đúng là chưa làm tròn trách nhiệm của người ĐBQH, vẫn chưa gặp gỡ được hết những cử tri và nhân dân trong tỉnh, những người đã bỏ lá phiếu cho mình.
|
- Thời gian tôi ứng cử làm ĐBQH lúc đó mới 26 tuổi, vừa tốt nghiệp ĐH ra trường đi làm được vài năm. Năm 2011, toàn quốc tiến hành bầu cử ĐBQH khóa XIII, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có căn cứ vào thành phần bầu cử họ giới thiệu tôi ra ứng cử. Trải qua một thời gian đi vận động bầu cử tại một số địa bàn trên tỉnh Phú Thọ theo sự phân công của Mặt trận Tổ quốc, khi nhận được kết quả trúng cử tôi rất vui sướng.
Với tuổi còn rất trẻ như vậy khi đi vận động bầu cử anh có gặp phải những khó khăn gì?
ĐBQH Nguyễn Xuân Thủy góp ý kiến trước Quốc hội. Ảnh: VPQH
- Khi đi vận động bầu cử đúng là tôi có gặp những bỡ ngỡ. Tôi tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, cũng am hiểu về Quốc hội và bầu cử ĐBQH khá sâu sắc nhưng trong quá trình trực tiếp tham gia vận động bầu cử tôi thấy không giống như sách vở mà mình đã học, nó hoàn toàn khác.
Ở đó cử tri là thật, họ rất nghiêm túc để lựa chọn đại biểu đại diện cho mình, bên cạnh đó cuộc sống và những vấn đề xã hội mà họ quan tâm là thật, chính vì thế tôi gặp không ít khó khăn. Làm sao để cử tri tin tưởng vào giới trẻ, tin tưởng vào trình độ năng lực của giới trẻ, mà có thể bỏ phiếu cho người trẻ để mình trở thành ĐBQH, đó là những băn khoăn, trăn trở của tôi.
Khi chính thức trở thành ĐBQH, bước chân vào nghị trường bên cạnh những người già dặn, từng trải anh có cảm thấy bỡ ngỡ không?
- Nói thật tôi không nghĩ mình sẽ làm ĐBQH, khi công bố kết quả tôi nhận được hơn 70% số phiếu cử tri bầu, kết quả đó khiến tôi cũng khá ngỡ ngàng, cảm xúc lúc đó vừa vui mừng, vừa lo lắng.
Vui vì thấy ĐBQH là những người có địa vị, được đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, trong khi mình còn trẻ, đó không chỉ là niềm tự hào của cá nhân mà còn là niềm tự hào của gia đình, của cơ quan, bạn bè, nhưng đan xen là nỗi lo. Lo là vì những công việc của Quốc hội và ĐBQH tôi cũng chỉ mới học qua sách vở trong trường. Nghĩa là mới chỉ ở khía cạnh lý luận, khi trực tiếp làm điều khiến tôi lo lắng là không biết mình có làm được hay không, không biết có đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri hay không, trong khi bản thân thì còn trẻ trình độ hiểu biết còn ít, kinh nghiệm sống chưa nhiều.
Trong quá trình tham gia Quốc hội khóa XIII, tôi cũng đã cố gắng hết sức, vừa trao dồi vừa làm để tham gia vào các công việc của Quốc hội, của một người đại biểu. Tính đến thời điểm này tôi cũng có gần 5 năm làm ĐBQH, đã tham gia góp ý khoảng gần 30 bộ luật và luật khác nhau, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Ví dụ như chủ trương xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai) năm 2015... Tôi cũng tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề nổi cộm mà dư luận và nhân dân quan tâm, như trong lĩnh vực y tế, giáo dục...
Chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội luôn được cử tri dành sự quan tâm, trải qua gần hết khóa Quốc hội XIII, anh có nhớ mình đã bao nhiêu lần đưa ra các câu hỏi chất vấn?
- Các phiên chất vấn các thành viên Chính phủ và TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao tôi có tham gia. Chất vấn trực tiếp trên hội trường tôi từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo. Còn bằng văn bản, tôi đã có hơn 100 chất vấn gửi các gửi tới các bộ, ngành T.Ư, trong đó có cả TAND và Viện KSND Tối cao. Qua những lần chất vấn như vậy tôi thấy các thành viên Chính phủ cũng rất cố gắng nhưng trả lời chưa được như mong đợi của đại biểu cũng như của cử tri nhân dân cả nước. Tuy nhiên có thể thấy hoạt động chất vấn tại Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, sát thực tiễn hơn.
Khi anh phát biểu trước Quốc hội nhiều người theo dõi thấy anh tuy còn trẻ nhưng tỏ ra chững chạc và có sự am hiểu, anh có suy nghĩ gì về nhận xét này?
- Thực ra ĐBQH trẻ tuổi trong Quốc hội cũng có nhiều. Cá nhân tôi có thuận lợi là được đào tạo bài bản về chuyên ngành hành chính công. Chính vì thế khi tiếp cận về vấn đề hành chính, vấn đề hoạch định chính sách mình có góc nhìn khoa học, phát biểu, lập luận vấn đề được sâu hơn. Bên cạnh đó tôi cũng có kinh nghiệm là giảng viên của một trường đại học (trước là giảng viên của Đại học Hùng Vương, Phú Thọ nay chuyển về công tác ở Học viện Cảnh sát nhân dân) việc nói năng, lập luận, thuyết trình trước đông người mình cũng có kinh nghiệm. Điều đó đã giúp tôi cảm thấy tự tin khi đứng trên nghị trường Quốc hội để tham gia thảo luận, góp ý vào các dự thảo luật hoặc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Lắng nghe nhân dân nhiều hơn
Là một ĐBQH trẻ tuổi, anh có suy nghĩ gì trong việc sử dụng cán bộ trẻ hiện nay?
- Thực ra đối với nguồn nhân lực trẻ cũng như ĐBQH trẻ nói riêng tôi thấy Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm rất nhiều trong thời gian vừa qua. Tôi thấy khi làm chính trị hoặc thực hiện quản lý nhà nước ở các lĩnh vực có sự tham gia của người trẻ nó sẽ có sự táo bạo, sáng tạo, linh động và có nhiều đột phá đổi mới hơn.
Người trẻ có cách tiếp cận, nhìn nhận vấn đề cũng trẻ và hiện đại hơn. Thứ hai vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng rộng mở và phát triển, việc sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin đang là lợi thế của người trẻ hiện nay.
Trong hoạt động nghị trường anh đã có những quan tâm như thế nào đối với lớp trẻ hiện nay?
- Từ khi vận động bầu cử đến khi làm ĐBQH tôi luôn quan tâm đến vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên. Bên cạnh đó mong muốn chính sách của Đảng và Nhà nước quan tâm hơn đối với sinh viên tình nguyện, thanh niên xung phong. Bản thân tôi khi còn là sinh viên cũng tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện và thấy sau này trong quá trình tìm việc, tuyển dụng những người từng tham gia tình nguyện, có những đóng góp nhất định ở vùng sâu, vùng xa nhưng cũng không có ưu tiên gì, như vậy rất là thiệt thòi.
Điều tôi cũng trăn trở và mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để đào tạo cho thanh niên không những về lý luận, thực hành mà còn giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên trong cuộc sống hiện đại.
Khi tiếp xúc cử tri, kỷ niệm nào làm anh nhớ nhất?
- Sự nghiệp làm ĐBQH của tôi đến nay mới chỉ gần 5 năm, so với nhiều đại biểu khác thì thời gian đó là ngắn ngủi nhưng cũng để lại cho tôi không ít kỷ niệm.
Có kỷ niệm khiến tôi rất nhớ, đó là lần đi tiếp xúc cử tri gặp một cụ ông khoảng gần 90 tuổi. Cụ nói từ trước đến giờ cụ mới chỉ nghe và xem gián tiếp các ĐBQH. Già vậy rồi nhưng đó là lần đầu tiên cụ được gặp trực tiếp các ĐBQH khiến cụ rất xúc động.
Qua ý kiến của cụ tôi mới thấy mình đúng là chưa làm tròn trách nhiệm của người ĐBQH, vẫn chưa gặp gỡ được hết những cử tri và nhân dân trong tỉnh, những người đã bỏ lá phiếu cho mình.
Từ đó tôi thấy rằng trách nhiệm của mình trong tiếp xúc cử tri phải làm sao thực chất hơn, phải đi vào chiều sâu hơn, lắng nghe nhân dân nhiều hơn. Không chỉ lắng nghe qua các cuộc tiếp xúc mà phải qua cả đơn thư, báo chí để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân phản ánh lên Quốc hội.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã hết, anh có tiếp tục ứng cử ĐBQH khóa tiếp theo?
- Dự tính của là hết nhiệm kỳ Quốc hội này tôi sẽ tập trung vào chuyên môn, trước mắt tiếp tục học lên tiến sĩ, sau đó tập trung vào công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đó cũng là đam mê và sở trường của tôi. Còn công việc ĐBQH, nếu Đảng và Nhà nước tin tưởng giới thiệu ra ứng cử, nhân dân tiếp tục tín nhiệm bầu, với kinh nghiệm làm ĐBQH của khóa đã qua tôi tin rằng mình sẽ làm công việc này tốt hơn.
Xin cảm ơn anh!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.