Mùa xuân chuyển tiếp, mùa xuân cho tương lai

Hải Phong (thực hiện) Thứ hai, ngày 08/02/2016 06:00 AM (GMT+7)
Năm 2015 được coi là năm bản lề giữa hai nhiệm kỳ, hay như cách nói đầy hình ảnh của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là “mùa xuân chuyển tiếp giữa kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và 5 năm tiếp theo 2016 - 2020”. Và mùa xuân năm 2016 lại là mùa xuân đặc biệt khi đón mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII.
Bình luận 0

Trước tới nay, ông vốn là người cởi mở và chân tình với báo giới. Tính cách phóng khoáng, sôi nổi và bặt thiệp của người Nam Bộ đã ăn sâu trong từng lời ăn tiếng nói của ông. Nhưng trong cả buổi trò chuyện, tôi còn thấy ở ông sự tinh tế của một nhà ngoại giao dặn dày kinh nghiệm. Trong không khí được hâm nóng bởi sự háo hức, nóng lòng của cánh báo chí, ông cởi chiếc áo len mỏng bên trong áo vest, không quên “chú thích”: “Cái áo này của Việt Nam, mình dùng mười mấy năm nay mà vẫn còn tốt lắm đấy nhé”!

Phải tự đứng trên đôi chân của mình

Ai cũng quan tâm tới đánh giá, nhìn nhận của người đứng đầu Nhà nước về một năm bản lề mang đầy ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước. Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc với những đánh giá toàn diện về thành tựu và thách thức trong năm 2015, nhưng dưới con mắt của ông, những đánh giá, nhìn nhận đó mang lại sự khái quát, giàu hình tượng và đáng để suy ngẫm.

img

  Tháng 12.2015, Chủ tịch      nước Trương Tấn Sang đến thăm và làm việc với  T.Ư Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Đàm Duy

Ông khẳng định những thành tựu Việt Nam đạt được trong năm 2015, trong điều kiện tình hình thế giới vô cùng khó khăn, là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá để giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Và khi đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô thì bắt đầu tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng dần cao hơn những năm đầu của kế hoạch 5 năm. “Ðó là sự cố gắng rất lớn, là một dấu ấn rất quan trọng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua”- ông đánh giá.

Cũng không thể không nhắc tới năm 2015 như một dấu ấn đậm nét trên tiến trình hội nhập quốc tế khi chúng ta ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với tiêu chí cao, “thậm chí là cao nhất so với các tiêu chí lâu nay mà chúng ta đã làm”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Thời cơ, nhưng cũng là thách thức. Theo phân tích của Chủ tịch nước, thời cơ là thị trường sẽ mở rộng, nguồn lực có thể huy động nhiều hơn, tiếp cận nhiều hơn với công nghệ tiên tiến. Nhưng đồng thời, những thách thức về tiêu chí cao sẽ là trở ngại rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Nhìn nhận 2015 như một năm bản lề quan trọng, mùa xuân chuyển tiếp giữa kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 và 5 năm 2016 – 2020, Chủ tịch nước đưa ra những nhận định về giai đoạn tiếp theo. “5 năm tới, thuận lợi cũng sẽ có mặt tăng lên, đặc biệt là một loạt hiệp định mà chúng ta ký kết song phương, đa phương với các nước, các khu vực. Nhưng sức ép về cạnh tranh cũng rất mạnh, đó là đặc điểm rất mới của 5 năm tới. Thứ hai là những khó khăn, căng thẳng trong lĩnh vực tài chính, ngân sách có chiều hướng gia tăng, mà dư địa về chính sách tài chính tiền tệ so với 5 năm trước thì 5 năm tới, mức độ có vẻ hẹp hơn”. Nói vậy nhưng ông cũng trấn an ngay: Nói như thế không có nghĩa là bế tắc. Nó đòi hỏi những người sử dụng nguồn lực, từ Chính phủ cho tới các bộ ngành, địa phương, đơn vị, các chủ dự án, cộng đồng doanh nghiệp phải hết sức cẩn trọng. Ðiều này bắt buộc chúng ta phải hướng đến sử dụng nguồn lực một cách hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả.

“Chúng ta đang dựa vào cả ngoại lực và nội lực. Ðể phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập, nguồn lực bên ngoài là hết sức quan trọng. Nhưng phải xác định nguồn lực trong nước mới là quyết định, nôm na là phải tự đứng trên đôi chân của mình”- ông chỉ rõ.

“Không nhận, nhân dân cũng bắt anh nhận”

Nói về tham nhũng, ông trăn trở: “Nhưng nếu còn lãng phí, tham nhũng thì nguồn lực nào cũng là không đủ. Bên ngoài họ cũng có lãng phí, tham nhũng nhưng mức độ ít hơn chúng ta. Chúng ta phải thấy được điều đó, phải day dứt về điều đó và bằng mọi cách đưa nước ta lọt vào danh sách những nước trong top 10 trên thế giới về độ trong sạch, minh bạch. Khi đó, chắc chắn tham nhũng, lãng phí sẽ giảm đi”.

Vị Chủ tịch nước lại kể thêm cho chúng tôi nghe cái cảm giác của ông khi xem trên báo bảng xếp hạng chỉ số minh bạch của các quốc gia mấy hôm trước. “Thấy chúng ta xếp ở vị trí 109, tôi thấy ức lắm. Câu hỏi làm tôi băn khoăn mãi là tại sao người ta cũng như mình nhưng lại đứng đầu các nước sạch sẽ, minh bạch nhất thế giới. Còn mình - một dân tộc anh hùng với lịch sử mấy ngàn năm kiên cường chống ngoại xâm - lại đứng tít dưới vị trí hơn 100? Cũng tại mình thôi. Trước hết là tại người lãnh đạo các cấp. Phải nhận điều đó, không nhận không được. Không nhận nhân dân cũng bắt anh nhận. Nếu anh cương quyết và có phương pháp hành xử đúng đắn thì sẽ mang lại kết quả tốt”- ông chốt lại vấn đề, một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.

Nông dân phải làm chủ thực sự

Ðặc biệt quan tâm tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Chủ tịch nước cũng đã rất trăn trở với sự phát triển của lĩnh vực quan trọng nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro và đầy rẫy khó khăn này. Có lẽ hình ảnh ấn tượng nhất trong năm của Chủ tịch nước là những chuyến ông đích thân tới các bản làng vùng núi cao và biên giới, tận tay trao tặng bò giống cho bà con đồng bào trong một chương trình từ thiện với số bò được trao tặng là hơn 40.000 con, có tổng trị giá lên tới hơn 700 tỷ đồng.

“Chúng ta đang dựa vào cả ngoại lực và nội lực. Để phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập, nguồn lực bên ngoài là hết sức quan trọng. Nhưng phải xác định nguồn lực trong nước mới là quyết định, nôm na là phải tự đứng trên đôi chân của mình”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Ðánh giá về phong trào xây dựng nông thôn mới, ông thể hiện sự hào hứng của một vị lãnh đạo khi thấy một quyết sách quan trọng thực sự có sức sống, có hiệu quả gần như tức thì. “Chúng tôi đã theo dõi nhiều nghị quyết, chủ trương nhưng có thể khẳng định đây là một trong những chủ trương đi vào cuộc sống rất nhanh và rất sâu, được nhân dân mọi miền đất nước, đặc biệt là nông dân ủng hộ rất mạnh mẽ” - Chủ tịch nước đánh giá.

Chương trình xây dựng nông thôn mới từ chỗ ban đầu Ban bí thư chỉ đạo làm thí điểm ở 11 xã, sau đó tổng kết đánh giá, giờ đã trở thành chương trình mục tiêu quốc gia, có một hệ thống 19 tiêu chí. Hệ thống tiêu chí này cũng phải trải qua quá trình điều chỉnh dần dần cho thích hợp, bởi đặc điểm nông thôn không phải vùng nào miền nào cũng giống nhau.

Rút ra bài học từ thành công bước đầu của chương trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước cô đọng: “Lần này khác lần trước, lần trước hầu như nhà nước lo là chính. Còn lần này, nông dân phải làm chủ thực sự. Trước tiên anh phải làm cho anh, anh đứng ra tự làm là chính. Những ai hăng hái nhất thì Nhà nước sẽ giúp đỡ bằng tiền và bằng vật tư. Nhưng anh cũng phải xem đó là của anh chứ không phải là của Nhà nước, đó là điều rất mới so với trước đây”.

Theo Chủ tịch nước: Trước đây làm nông thôn mới, tên gọi có khác nhau nhưng nguồn lực lúc trước Nhà nước đưa xuống, cung cấp là chính còn lần này khác, sức dân là chính cộng với sự giúp đỡ của Nhà nước. Trước đây, ta làm một con đường, một con đê, lúc làm xong cũng trống dong cờ mở ghê gớm lắm, nhưng sau đó thì cha chung không ai khóc, như vậy thất bại là dễ hiểu.

Chủ tịch nước cũng lưu ý: Cũng có một số nơi chạy theo bệnh hình thức, bệnh thành tích, vận động quá sức của dân thì không được, thậm chí còn vay mượn tiền để làm nông thôn mới rồi không có mà trả thì rất không nên. Phải đi vào thực chất, phải hiểu đây là sự nghiệp lâu dài, phải làm dần dần. Những xã, huyện được công nhận nông thôn mới rồi không có nghĩa là xong, xếp lại mà phải tiếp tục củng cố, hoàn thiện để đạt tiêu chí ngày càng cao hơn.

Ðặt niềm tin vào sự sáng suốt của Ðảng

Câu chuyện của chúng tôi với Chủ tịch nước, rồi cũng lại quay về với vấn đề quan trọng nhất, sự kiện trọng đại mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân đang quan tâm. Ðó là Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng, diễn ra từ 21 – 28.1.2016.

Ông thẳng thắn chia sẻ những điều mà ông trăn trở, cũng là nỗi trăn trở chung của toàn Ðảng, toàn dân trước thềm Ðại hội Ðảng XII: “Mong thì ai cũng mong đất nước mình sẽ sánh vai kịp với bè bạn 5 châu, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dù biết rằng những mục tiêu này chúng ta còn phải phấn đấu nhiều nữa”.

Với ông, mục tiêu quan trọng là muốn đất nước phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực, trên thế giới. Nhưng còn một mục tiêu khác rất đáng quan tâm, Chủ tịch nước chia sẻ, một cách ngắn gọn và hình ảnh: “Phải làm sao để những tiếng kêu của người dân sớm được giải quyết”.

Ông giải thích: Ðảng của ta là đảng của giai cấp công nhân, đảng của nhân dân lao động, của cả dân tộc. Nhà nước ta là nhà nước của dân cho nên phải quán triệt, thấm nhuần tư tưởng này, giải quyết sớm những điều nhân dân không hài lòng, những điều nhân dân đòi hỏi. Những tiếng kêu của dân chính là sự không hài lòng vì nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu… Chúng ta phải giải quyết bằng được tệ hại này, càng sớm càng tốt.

Nhân đó, ông kể lại một kỷ niệm của mình, khi một người bạn Cuba sang thăm Việt Nam đã hỏi ông một câu: Theo Chủ tịch, khó khăn, thách thức lớn nhất khi Việt Nam mở cửa, hội nhập với thế giới là gì?

“Tôi trả lời với ông ấy, một chữ duy nhất thôi, đó là: Ðảng”, ông nhớ lại, rồi diễn giải ý của mình: Ðảng phải có đường lối đúng đắn, đội ngũ đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo phải vững vàng, nhân dân tin cậy. Vững vàng không có nghĩa là bảo thủ, phải kiên định mục tiêu, vượt qua mọi sóng gió, kiến thức phải được cập nhập theo kịp từng thời kỳ, giai đoạn nhất định. Phong cách phải cởi mở, dân chủ và kỷ cương. Nghe được mọi người, kể cả những tiếng nói khác.

Ông đặt niềm tin, với sự sáng suốt của Ðảng, Ðại hội lần thứ XII sẽ lựa chọn được đội ngũ lãnh đạo mới hợp với ý Ðảng, lòng dân, phù hợp với ý nguyện của tuyệt đại đa số bộ phận nhân dân để lãnh đạo Ðảng, đất nước đạt được những thành tựu trong giai đoạn mới to lớn hơn nữa. 

“Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh đương đầu  với mọi thách thức”


Trước những thách thức về vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong thời điểm hiện nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định chính sự đoàn kết một lòng của toàn Đảng, toàn dân là sức mạnh giúp đất nước vượt qua được thách thức. Lịch sử hơn 4.000 năm của đất nước đã minh chứng điều này. Toàn dân tộc phải đồng lòng chung sức, nhất trí rất cao chắc chắn không có kẻ thù nào có thể đánh bại chúng ta được. 

Nền công lý đích thực là nền công lý được nhân dân thừa nhận

Với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ cảm xúc của mình khi nghe thông tin về những vụ án oan gây chấn động dư luận trong thời gian qua như vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén. Ông cho rằng, mục tiêu của cải cách tư pháp là phải xác lập một Nhà nước pháp quyền, đem lại công lý cho mọi người. “Phải khi nào nền công lý được nhân dân thừa nhận một cách tự nhiên thì khi đó mới là nền công lý đích thực. Có oan sai thì phải kiên quyết chỉ ra để sửa, thậm chí phải chịu kỷ luật hành chính, án hình sự để người sau nhìn gương mà không phạm phải”-Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem