Tiến sĩ Nguyễn Huy Yết, hiện làm cố vấn kỹ thuật cho Viện Kỹ thuật biển (thuộc Bộ TNMT), người đã nhiều năm lăn lộn với những cánh rừng dưới đáy biển Lý Sơn, tiếc rẻ: “Phía Bắc hòn đảo Lý Sơn, giờ giống như một sa mạc”.
|
Ồ ạt khai thác rong biển trên đảo. |
Cách đây 34 năm, ông Yết cùng đoàn chuyên gia Nga đã vào vùng biển Lý Sơn và dừng tàu nghiên cứu nhiều ngày về hệ sinh thái biển nơi đây. Theo ông Yết, thời đó, sinh vật dưới đáy biển Lý Sơn muôn hồng nghìn tía, đủ loại rong rêu và san hô. Nếu so với các khu bảo tồn hiện nay, hệ sinh thái biển Lý Sơn được xếp vào hàng đầu về sự phong phú.
Thế nhưng, vừa qua, đoàn nghiên cứu của Viện Kỹ thuật biển xúc tiến làm hồ sơ xây dựng Khu bảo tồn biển ở Lý Sơn. Các nhà nghiên cứu hụt hẫng, bởi khi lặn xuống đáy biển, nhiều cánh rừng đã biến mất, có nơi trở thành sa mạc. Theo kết quả nghiên cứu, khu vực đảo Lý Sơn có trên 700 loài động, thực vật (giảm 4% so với trước), bao gồm 137 loại rong biển, 157 loại san hô (độ phủ 90%), 7 loại cỏ biển, 40 loại da gai, 200 loại cá rạn, 96 loại giáp xác…Các loại san hô đen, hải sâm, tôm hùm hiện đã bị tận diệt.
Nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp là do tình trạng khai thác hải sản quá mức, trong đó có khai thác bằng chất nổ. Hàng ngày, những chiếc thúng và thuyền nhỏ dập dềnh xung quanh đảo. Chỗ nào có cá thì dùng thuốc nổ hủy diệt. Hàng ngày, vùng biển Lý Sơn vẫn ì ục âm thanh của những quả thuốc nổ bị nhét sâu xuống nước mới phát hỏa. Thỉnh thoảng có những tiếng nổ xé tan không gian.
Lý Sơn vào mùa nắng, hàng trăm người ùn ùn ra biển cắt rong mơ mang về bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc. Giá rong mơ nhích lên mỗi năm. Bắt đầu từ 2.000 – 5.000đ/kg. Cơ quan quản lý đã ra văn bản: Khi cắt rong mơ không được nhổ gốc, cắt rong phải cách mặt đất vài cm. Thế nhưng, đó là nực cười. Bởi không ai có thể lặn xuống đáy biển để kiểm tra người dân có chấp hành việc chừa vài cm hay nhổ tận gốc.
Bên cạnh đó, nhiều ngư dân bắt đầu lén lút khai thác san hô bán cho các đại lý cây kiểng. Hiện nay, thị trường trồng cây sanh kiểng đang nóng lên. Mỗi khối san hô đẹp có thể có giá lên đến hàng triệu đồng.
Với tốc độ khai thác và tàn phá như hiện nay, khu bảo tồn biển của Lý Sơn liệu có thành hiện thực? Câu hỏi thật khó trả lời.
Hà Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.