Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông Doãn Văn Chiến, Phó Giám đốc Văn phòng thường trực phía Nam - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG), hồ hởi: "Từ trước tới nay, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau là 3 địa phương có điều kiện canh tác lúa tương đối bất lợi so với các tỉnh khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, từ khi triển khai mô hình canh tác lúa thông minh, qua hai vụ đông xuân và hè thu 2021 vừa qua, mọi thứ đã thay đổi bất ngờ...".
Theo ông Chiến, là vùng có diện tích đất nhiễm phèn, nhiễm mặn lớn và nhiều vùng canh tác phụ thuộc vào nước trời nên việc áp dụng gói kỹ thuật còn khó khăn, trong đó có việc giảm lượng giống gieo sạ như chương trình đề ra.
Tuy nhiên, với việc áp dụng gói kỹ thuật đồng bộ, nên lượng giống gieo sạ ở các địa phương này giảm trung bình từ 20-70kg/ha, năng suất tăng từ 100-600kg/ha và lợi nhuận tăng thêm từ 3,1 - 3,27 triệu đồng/ha.
Lão nông Nguyễn Văn Hùng (ấp Giồng Tranh, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), cho biết, ban đầu khi được hướng dẫn làm theo mô hình canh tác lúa thông minh (giảm lượng giống gieo sạ tới gần 50%), ông cứ thấp thỏm hoài.
"Từ xưa tới giờ, mần mỗi ha khoảng 150kg lúa giống, giờ giảm chỉ còn sạ 80kg/ha, tui cứ thấp thỏm hoài. Vì khi sạ tới 150kg/ha mà lúa còn lên thưa thớt, ốc bươu phá hoại... mà giờ giảm gần một nửa, sao đặng. Nhưng rồi các cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật của công ty Bình Điền cứ động viên, cam kết sản lượng sẽ ổn định nên tui cũng... làm liều", ông Hùng nói.
Cũng theo lão nông này, không chỉ giảm lượng giống gieo sạ, các cán bộ khuyến nông cũng hướng dẫn ông giảm lượng phân bón trong vụ, giảm xịt thuốc bảo vệ thực vật... Kết quả, sản lượng đạt được trong vụ hè thu của gia đình lão nông Nguyễn Văn Hùng đã đạt tới hơn 6,2 tấn/ha.
Ông Lâm Quang Thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, cho biết, mô hình canh tác lúa thông minh đã được triển khai trong 2 vụ đông xuân và hè thu vừa qua đã mang lại kết quả tích cực, mở ra hướng đi mới cho việc canh tác lúa trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, trong vụ hè thu vừa qua, lượng giống gieo sạ trong các mô hình chỉ sử dụng 80kg/ha, giảm 70kg/ha; lượng phân bón nguyên chất giảm 44,5kg/ha đạm, 37,4kg/ha lân, 49,5kg/ha kali; số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 2 lần so với đối chứng.
"Dù tiết giảm nhiều loại vật tư, nhưng năng suất trong mô hình đạt 6,2 tấn/ha, tăng 100kg/ha; lợi nhuận đạt hơn 14,8 triệu đồng/ha, cao hơn 3,24 triệu đồng/ha so với đối chứng. Đây là một kết quả ít ai ngờ tới với một địa phương vốn không mấy thuận lợi về canh tác lúa như Trà Vinh", ông Thảo nói thêm.
Kỹ sư Võ Quốc Trung, đại diện khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cũng tỏ ra phấn khởi với mô hình canh tác lúa thông minh được áp dụng trên địa bàn (tại ấp Phước An B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú) trong vụ hè thu vừa qua.
"Vụ hè thu vừa qua, chúng tôi sử dụng lượng giống gieo sạ trong mô hình 100kg/ha, giảm 20kg/ha; lượng phân bón nguyên chất giảm 12,8kg/ha đạm, 3,1kg/ha lân; số lần phun thuốc BVTV giảm 1 lần so với đối chứng. Kết quả, năng suất trong mô hình đạt 6,142 tấn/ha, tăng 207kg/ha; lợi nhuận đạt 14,8 triệu đồng/ha, cao hơn 3,276 triệu đồng/ha so với đối chứng", ông Trung nói.
Theo ông Trung, vì đất canh tác ở Sóc Trăng nhiễm phèn khá nặng nên từ trước tới nay canh tác lúa không đạt hiệu quả như các tỉnh khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nên bây giờ dù mô hình này chỉ mới áp dụng, đông đảo bà con nông dân đã và đang nghiên cứu, dự kiến triển khai trong vụ mùa sắp tới.
Còn tại Cà Mau, mô hình canh tác này được thực hiện tại HTX DVNN ấp Rạch Lùm B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời với giống lúa Đài Thơm 8 bằng phương pháp sạ lan.
Theo đó, lượng giống gieo sạ trong mô hình sử dụng 90kg/ha, giảm 30kg/ha; lượng phân bón nguyên chất giảm 20,17kg/ha đạm, 7,7kg/ha kali; số lần phun thuốc BVTV giảm 1 lần so với đối chứng.
"Tuy nhiên, năng suất trong mô hình đạt 5,86 tấn/ha, tăng 610kg/ha; lợi nhuận đạt 16,7 triệu đồng/ha, cao hơn 3,1 triệu đồng/ha so với đối chứng. Tất cả các số liệu, quy trình này được tổng hợp lại và hiện rất nhiều nông dân trên địa bàn hào hứng, dự định sẽ áp dụng trong vụ lúa đông xuân sắp tới", kỹ sư Trần Chí Nguyện, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, chia sẻ.
Có thể thấy, qua hai vụ đông xuân và hè thu vừa qua, hiệu quả của mô hình canh tác lúa thông minh đã góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, trong đó đáng kể nhất là chi phí giống, phân bón và quản lý dịch hại.
"Việc giảm giống trong các điều kiện canh tác bất lợi vẫn đảm bảo năng suất nếu bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp. Và đây là cơ sở để mô hình canh tác lúa thông minh tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới, nhất là bối cảnh giá vật tư đầu vào đang biến động tăng cao như hiện nay", TS Hồ Văn Chiến, chuyên gia nông nghiệp, nhận định.
Cũng theo TS Hồ Văn Chiến, tất nhiên, để đảm bảo khi giảm lượng giống sạ mà vẫn đảm bảo hiệu quả thì công tác làm mặt ruộng phải bằng phẳng, có giải pháp quản lý ốc hiệu quả,... Kinh nghiệm mà các mô hình đạt hiệu quả cao nhất vẫn là áp dụng bón lót Đầu Trâu Mặn Phèn và Đầu Trâu chuyên dùng TEA1, TEA2 là rất phù hợp với lúa trên đất phèn, giúp giảm ngộ độc phèn và ngộ độc hữu cơ, giúp bộ rễ cây lúa phát triển nhanh, khỏe, hấp thụ tốt dinh dưỡng, đẻ nhánh khỏe cho nhiều chồi hữu hiệu.
"Cây lúa mà khỏe thì ít sâu bệnh, ít đổ ngã, lại giảm được số lần và lượng thuốc trừ sâu; giảm đáng kể lượng phân bón", ông Chiến đúc kết.
Ông Doãn Văn Chiến, Phó Giám đốc Văn phòng thường trực phía Nam - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) - khẳng định, gói giải pháp kỹ thuật cho canh tác lúa thông minh tại vùng đất phèn rất tiên tiến, đặc biệt trong đó có sử dụng các sản phẩm phân bón mới của Công ty CP Phân bón Bình Điền, đã góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh… đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ NNPTNT cũng như nội dung chỉ đạo của Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh trong chương trình tổng kết mô hình kỳ trước (ngày 31/08/2021).
"Hiệu ứng của chương trình hiện đang lan tỏa mạnh. Khuyến nông Nam bộ sẽ tiếp tục đồng hành với chương trình trong vụ đông xuân 2021- 2022 và các năm tới", ông Chiến nói thêm.
Ông Phan Văn Tâm - Giám đốc Marketing, Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: "Bình Điền nhận được nhiều ý kiến phản hồi rất tốt về hiệu quả của chương trình. Nhiều nơi nông dân mong muốn mở rộng chương trình để nhiều vùng, nhiều hộ được tham gia.
Ngoài mục tiêu giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân, còn chú trọng đến chất lượng lúa gạo. Hạt gạo làm ra từ chương trình đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, tức không tồn dư thuốc trừ sâu và phân bón hóa học.
Cũng theo ông Tâm, hiện nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang dần tiếp cận với ứng dụng công nghệ số.
Bằng chứng là thông qua chương trình canh tác lúa thông minh, bà con đã tiếp cận, lấy lại thông tin từ vụ hè thu mà ban cố vấn chương trình đã kết nối và hướng dẫn qua các chương trình hội thảo, livestream trực tuyến.
"Bộ NNPTNT rất khuyến khích nhân rộng mô hình. Bình Điền đang có kế hoạch thời gian tới sẽ kết hợp với các đơn vị phân tích chất lượng sản phẩm lúa gạo, từ đó xây dựng quy trình sản xuất thông minh để nông dân có thể dễ dàng áp dụng và hoàn thiện chuỗi cung ứng từ sản xuất đến xuất khẩu", ông Tâm chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.