Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sau khi chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang mô hình lúa - tôm, đời sống gia đình ông Danh Ía (ấp Ngô Kim, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) từng bước được cải thiện, thu nhập tăng lên và có tích lũy.
Với gần 4ha đất sản xuất, mùa nắng ông thả nuôi tôm sú, cua; mùa mưa trồng lúa kết hợp với thả nuôi tôm càng xanh cùng các loại cá. Ngoài ra, ông còn phát triển mô hình chăn nuôi thỏ, dê để có thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Danh Ía chia sẻ: “Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt nên những năm qua, việc sản xuất của gia đình tôi đều mang lại hiệu quả cao, với mỗi năm thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng”.
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế cho gia đình, ông Danh Ía còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hiệu quả cho bà con trong xóm.
Đặc biệt, ông đã đứng ra vận động nhiều hộ nông dân để thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất với diện tích trên 300ha. Nhờ đó, các thành viên trong tổ được mua tôm giống, lúa giống, phân, thuốc… với giá thấp hơn so với mua đơn lẻ, giúp giảm bớt chi phí đầu tư trong sản xuất. Qua đó, nhiều năm liền ông Danh Ía được công nhận là Nông dân sản xuất giỏi các cấp.
Với quyết tâm phá thế độc canh trong sản xuất, các xã viên Hợp tác xã Quyết Tiến (huyện Phước Long) đã áp dụng phương thức luân canh lúa - màu các loại.
Tùy vào thời điểm, các xã viên đầu tư vào trồng vụ lúa, vụ mướp, vụ bắp và vụ dưa hấu. Nhờ đa dạng hóa cây trồng trên cùng diện tích nên các xã viên có thu nhập khá cao, với mỗi héc-ta có thể thu từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Theo ngành chức năng huyện Phước Long, mô hình đưa màu xuống ruộng cho lợi nhuận gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa.
Đưa màu xuống ruộng ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: M.Đ
Nhằm phá thế độc canh cây lúa, nông dân trong tỉnh đã áp dụng nhiều mô hình đưa màu xuống ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các mô hình đưa màu xuống ruộng cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Nổi bật nhất trong phong trào đưa màu xuống ruộng là huyện Phước Long.
Nếu như trước đây nông dân xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) chuyển đổi trồng rau cần nước thay cây lúa, thì nay, nhiều hộ lại tiếp tục đưa rau má xuống ruộng. Hiện tại, xã Vĩnh Thanh có hơn 70ha với hơn 450 hộ trồng rau má, cho sản lượng hằng năm ước trên 6.500 tấn.
Theo nhiều nông dân, thu nhập từ mô hình đưa rau má xuống ruộng đạt từ 100 - 200 triệu đồng/ha/năm. Nếu so với trồng lúa thì mô hình này cho lợi nhuận cao hơn gấp 5 - 10 lần. Và đây cũng được xem là mô hình mang tính đột phá và tạo điểm nhấn của xã Vĩnh Thanh hiện nay...
Ông Trần Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết: “Sắp tới huyện sẽ nhân rộng mô hình đưa màu xuống ruộng, trồng theo hướng luân canh. Đồng thời khuyến khích bà con tận dụng đất trống xung quanh nhà và bờ ruộng để trồng rau màu, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình”.
Như các địa phương khác, huyện Vĩnh Lợi cũng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Một số mô hình đã và đang được địa phương nhân rộng là mô hình trồng hẹ, nuôi dê, nuôi lươn, trồng táo, lúa an toàn, nuôi vỗ béo bò, mô hình nuôi rắn, mô hình tổng hợp nuôi ba ba - cua đinh - ốc bươu đen, mô hình trồng năn bộp kết hợp nuôi cá…
Đặc biệt, gần đây rộ lên với mô hình trồng rau má dưới ruộng và mô hình này phát triển rất mạnh ở 2 xã (Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A) với hơn 30ha. Rau má mỗi tháng thu hoạch 1 lần với sản lượng khoảng 1 - 1,5 tấn/công đất, trừ các khoản chi phí nông dân thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng/công/tháng...
Ông Tô Thanh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, nhưng vấn đề đáng quan tâm là đầu ra. Do đó, hướng tới huyện sẽ quy hoạch lại vùng nguyên liệu và đẩy mạnh liên kết, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra lâu dài cho nông dân”.
Để các mô hình sản xuất phát triển bền vững, các địa phương cần hướng nông dân sản xuất và ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến và tiết kiệm, đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó giúp các loại nông sản, đặc biệt là rau màu đạt chuẩn VietGAP để đưa vào hệ thống các siêu thị, nhằm tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.