Đây là vườn chim nổi tiếng Bạc Liêu, ngắm chim chóc, ăn cá tôm, tham quan chùa Khmer

Thứ ba, ngày 28/02/2023 12:40 PM (GMT+7)
Ông Lâm, Trưởng phòng Văn hóa huyện Đông Hải (Bạc Liêu) cho biết thêm: “Vườn chim Lập Điền rộng lắm, cỡ 21ha chứ bộ. Trong vườn có một ngôi chùa Khmer. Tuy người Khmer ở Đông Hải chỉ có gần 4.000 người nhưng đời sống văn hóa của bà con vẫn được quan tâm chu đáo...".
Bình luận 0

Chúng tôi về ấp Lập Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) được ông Sáu Sĩ, chủ vườn chim Lập Điền niềm nở đón bằng một câu vọng cổ mùi đã đời. Vườn chim này hình thành trên những công đất của gia đình. 

Cách đây mấy năm chim tự nhiên “bất ngờ” bay về đây. Ban đầu chỉ là mấy đàn cò nhỏ rồi “đất lành chim đậu” nên chim bay về nhiều hơn với nhiều giống quý hơn. Vườn chim trở thành điểm đến của nhiều người.

Đây là vườn chim nổi tiếng Bạc Liêu, chủ vườn là người Kinh nhưng giữa vườn có ngôi chùa của người Khmer - Ảnh 1.

Du khách tham quan vườn chim Lập Điền, ấp Lập Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

1/Tiếng lành đồn xa, giờ thì vườn chim gia đình được mang tên là “Vườn chim Lập Điền”. Nói như ông Trương Quốc Lâm, Trưởng phòng Văn hóa huyện Đông Hải thì “cùng với ba nhà máy điện gió vào loại nhất nhì cả nước hiện nay, cùng với những di tích lịch sử cấp quốc gia ở huyện thì vườn chim Lập Điền đã góp vào “bản đồ” du lịch của huyện một địa chỉ nên đến”.

Ông Lâm giới thiệu người phụ nữ tuổi chừng sáu mươi đang ngồi cười tủm tỉm: “Út Kiềm đó. Chốc bả sẽ kể cho mấy anh nghe chuyện đờn ca tài tử. Bả là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử của huyện. Vườn chim đây của vợ chồng Sáu Sĩ nhưng tụi hắn ngại nói. Út Kiềm là dì ruột nhưng đã từng là Phó Bí thư Đảng ủy xã nên rành chuyện lắm. Chuyện vườn chim này cũng vậy”.

Theo bà Út Kiềm thì vườn chim Lập Điền tuy là của tư nhân nhưng được xã, được huyện và cả tỉnh cùng quan tâm. Thí dụ như đầu tư mở rộng con đường dẫn về ấp, vừa tiện cho bà con đi lại, vừa “lôi kéo” du khách tới thăm. Ông Lâm cho biết thêm: “Vườn chim này rộng lắm, cỡ 21ha chứ bộ. Trong vườn có một ngôi chùa Khmer. Tuy người Khmer ở Đông Hải chỉ có gần 4.000 người nhưng đời sống văn hóa của bà con vẫn được quan tâm chu đáo. Ngôi chùa ở trong vườn chim của một gia đình người Kinh là biểu hiện của đoàn kết, của gắn kết cộng đồng các dân tộc”.

Chúng tôi được “dạo” trong vườn chim để được ngắm chim bay, cá lội. Vợ chồng ông bà Sáu Sĩ đã chuẩn bị sẵn hai chiếc bè nhỏ, mỗi chiếc bè đủ sức chở 10 người. Tôi thật thà hỏi: “Sao không dùng xuồng máy cho nhanh?”. Ông Lâm giải thích: “Dùng xuồng máy không hợp. Thứ nhất tiếng máy ồn ã làm chim sợ hãi bay đi, tôm cua cá cũng theo đó mà chạy tán loạn. Thứ hai là khói dầu sẽ gây ô nhiễm môi trường sống của cả chim lẫn cá. Đi bè yên bình hơn”.

2/Cậu con trai của ông Sáu Sĩ trực tiếp chống sào đẩy bè. Cậu tên là Tuấn, giới thiệu với chúng tôi, hiện vườn chim có khoảng hơn 40 loài chim có tên trong sách đỏ Việt Nam. Những giống chim quý như chim soi, tràng bè, cò quắm, điên điển và nhiều giống chim khác nhưng nhiều nhất vẫn là loài cò, vạc, còng cọc, diệc, bạc má. Cậu Tuấn cho hay: “Giờ này mấy cô, mấy chú ít gặp chim vì chim cứ sáng sớm là bay đi kiếm ăn. Đợi chiều về, lúc ấy chim đi kiếm ăn về đông lắm. Tiếng chim kêu rầm rĩ cả vườn”.

Chiếc bè cứ thong dong lượn lờ theo những vòng của uốn khúc quanh những bụi cây rậm rạp. Những lần bè cua nghiêng khiến mọi người thích thú cười rõ to. Nghe tiếng người xôn xao, thi thoảng từ một bụi cây, một khóm cây bay vút lên những cánh chim. Tuấn cho biết: “Những con chim này không bay đi kiếm ăn vì chúng phải ở lại tổ để ấp trứng”. Tôi buột miệng hỏi: “Vậy chim nhiều ngày một nhiều hơn rồi. Nhà mình có bán hay có bắt giết thịt mời khách không?”. Cậu Tuấn vội nói luôn: “Không đâu chú. Chim trong vườn chỉ để nuôi cho mọi người ngắm thôi. Nhà cháu dứt khoát nói không với bán chim, với ăn thịt chim. Vậy thế chim mới trụ lại vườn chớ”.

Thì ra là vậy. Nhớ lúc còn ngồi trò chuyện ở sân nhà, ông Sáu Sĩ đã kể: “Gia đình tôi về vườn chim đây từ năm 1993. Đây là đất của ông cha để lại. Thú thực khi dọn tới vườn cũng là để vợ chồng chúng tôi tự lập riêng mà thôi. 

Ai dè từ khi có người tới ở, chim chóc rủ nhau bay về. Vườn được khoanh vùng bằng những bờ đê ngăn nước mặn tràn vô, dọn bỏ những cây cỏ, các dòng kênh trong vườn được cấp nước thường xuyên nên cây cối xanh tốt hẳn lên. Cây xanh tốt. Nước ngọt đủ đầy nên chim chóc rủ nhau bay về. Vui mà mấy anh”.

Trong vườn, cây cối vươn lên xanh tốt. Nhiều nhất là cây tràm, lao xao dưới nắng là những tiếng lá khua vào nhau nghe êm như những câu hát. Tôi quay nói với bà Út Kiềm: “Chủ nhiệm làm mấy câu vọng cổ cho anh em thưởng thức đi”. 

Bà Út Kiềm cười: “Sẽ ca cho mấy ảnh nghe nhưng giờ nghe chuyện vườn đã”. Ừ thì Út Kiềm nói vậy cũng có lý, tôi chỉ tay vào những khóm hoa vàng hỏi Tuấn: “Đó là hoa gì đấy cháu?”. Tuấn trả lời: “Mầu vàng, mầu đỏ là hoa tra đó mấy chú. Còn khóm này là khóm lạc tiên. Thứ này thơm, nấu nước uống mát và dễ ngủ. Dân chúng cháu gọi lạc tiên là nhãn lồng. Còn đây là cây nhàu”. 

Tay khoát tay chỉ, tôi à lên bất ngờ khi thấy những chùm quả nhàu sai trĩu trịt nhiều đến nỗi như chực sà xuống mặt nước. Tôi nghĩ nhanh: “Trái nhàu tốt cho tim mạch. Ngâm rượu thì tuyệt vời”.

Đây là vườn chim nổi tiếng Bạc Liêu, chủ vườn là người Kinh nhưng giữa vườn có ngôi chùa của người Khmer - Ảnh 3.


Giây phút thảnh thơi trong vườn chim Lập Điền, xã xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

3/Nhưng tôi vẫn thắc mắc, chim thì không bán, không ăn, vậy kinh tế gia đình từ nguồn nào? Câu hỏi của tôi nhanh chóng được cậu Tuấn giải thích. 

Thì ra để bảo đảm mặt nước trong vườn luôn đủ và luôn theo một chế độ nên gia đình đã xây dựng một hệ thống cống đóng mở. Ngày mưa nhiều cống mở tháo bớt nước ra kênh. Ngày nắng nước hao thì cống lại mở để dẫn nước vào. Tôi thật thà hỏi: “Chỉ để cho cây xanh tốt cần gì đến hệ thống cống cho tốn kém?”. 

Cậu Tuấn nói ngay: “Chủ yếu là cấp và giữ nước cho nuôi tôm, nuôi cá, nuôi của chú ạ”.

Thì ra nguồn lợi kinh tế chính của gia đình Sáu Sĩ là từ nuôi trồng thủy sản. Nguồn nước ngọt được điều tiết thích hợp kết hợp với nguồn lá cây rụng mục đã tạo thành lớp bùn cung cấp thức ăn cho thủy sản. Tuấn tay chống sào đẩy bè đi, miệng nhanh nhẩu cho hay: “Đến kỳ, gia đình mua giống rồi đem thả xuống nước. Các giống tôm cá cua nước ngọt sẽ tự nhiên sinh sống và lớn. Đến vụ thì đánh bắt. Xe đến mua tận sân nhà nên cũng tiện lắm. Có tiền bán tôm cá thì mua gạo muối. Cũng đủ ăn mấy chú”.

Tuấn khiêm tốn nói thế thôi chứ tôi đoán nguồn lợi từ thủy sản trong vườn cũng kha khá. Nhớ Út Kiềm đã nói lúc trước: “Vườn tham gia đóng góp kinh tế với địa phương. Địa phương hỗ trợ miễn thuế. Nhà Sáu Sĩ đây còn nuôi heo nữa. Giống heo gừng đặc sản địa phương thịt thơm và ngon lắm. Chuồng heo gừng của Sáu Sĩ hiện có 20 con, mỗi con khoảng 70 ký lận”.

Chiếc bè lượn một vòng rồi thong thả cập bến. Một chuyến “ngao du” trong vườn chim tuy ngắn ngủi nhưng để lại nhiều nghĩ suy. 

Một khi người dân yêu quý đất đai của mình. Một khi người dân yêu quý và bảo vệ thiên nhiên thì thiên nhiên không phụ công người. Biết làm giàu từ đất, từ nước là cách làm giàu bền vững nhất. 

Thảo nào vườn chim của gia đình Sáu Sĩ đây được huyện Đông Hải, được tỉnh Bạc Liêu coi là một mô hình kinh tế hộ từ việc tận dụng nguồn lợi thiên nhiên, thành điểm du lịch hứa hẹn.

Buổi trưa, chúng tôi ăn ngay tại sân nhà Sáu Sĩ, món ăn là những tôm, những cua, những cá mới bắt lên tươi roi rói. Dĩ nhiên là có “đặc sản” đờn ca tài tử rồi. Rượu vào không khí thêm vui, Trưởng phòng Văn hóa huyện Đông Hải-Trương Quốc Lâm là người “khởi xướng”. Anh tay cầm chén rượu, tay cầm micro, ca những câu vọng cổ mùi mẫn. Bà Út Kiềm cũng “không chịu”, bà đến bên để cùng song ca một bài cải lương nghe như rót vào lòng. Một “bữa tiệc” nơi miệt vườn lần đầu tôi có được.

Nguyễn Trọng Văn (Ấn phẩm Thời Nay/Báo Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem