Nuôi cua biển theo 2 giai đoạn ở Cà Mau nước sạch mà con cua to bự thế này, hễ bán là hết sạch

Thứ hai, ngày 25/09/2023 18:48 PM (GMT+7)
Hiệu quả kinh tế xã hội của mô hình nuôi cua bán thâm canh 2 giai đoạn được triển khai trong thời gian qua ở tỉnh Cà Mau đã mở ra triển vọng mới cho nông dân.
Bình luận 0

Cà Mau có diện tích nuôi cua lớn nhất, nhì đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Hình thức nuôi cua chủ yếu hiện nay là kết hợp với nuôi tôm sú, trên diện tích khoảng 248.000 ha; nuôi cua thâm canh, nuôi cua bán thâm canh khoảng 2.000 ha. 

Quy trình kỹ thuật nuôi cua biển cũng tiến bộ hơn, như kiểm soát môi trường, chăm sóc sức khoẻ cua, bổ sung thức ăn trong ao nuôi, cải tiến phương pháp thu hoạch...

Trong các loại hình nuôi thì nuôi cua kết hợp có tính bền vững và chất lượng sản phẩm tốt; nuôi thâm canh và bán thâm canh thì tỷ lệ rủi ro còn cao và chất lượng sản phẩm chưa thoả mãn. 

Tuy nhiên, hiệu quả của mô hình nuôi cua bán thâm canh 2 giai đoạn được triển khai trong thời gian qua đã mở ra triển vọng mới cho nông dân.

Kỹ sư Nguyễn Quốc Thới, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, tỉnh Cà Mau ), cho biết, mô hình nuôi cua bán thâm canh 2 giai đoạn là mô hình mới, do Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ làm chủ đầu tư. 

Mô hình được triển khai từ năm 2017 tại huyện Năm Căn và Thới Bình, kết quả năng suất cua nuôi rất khả quan, dao động từ 350-470 kg/ha/vụ nuôi. Ðến tháng 3/2023 thì mô hình này được nhân rộng trên địa bàn huyện Ðầm Dơi. 

"Hiện nay, trên địa bàn huyện Ðầm Dơi có nhiều ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả do nhiễm mầm bệnh, các ao này người nuôi để lắng nước, chứa thải hoặc bỏ hoang. Tận dụng các ao này để nuôi cua thương phẩm là quá phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện", anh Thới nhận định.

Nuôi cua biển theo 2 giai đoạn ở Cà Mau nước sạch mà con cua to bự thế này, hễ bán là hết sạch - Ảnh 1.

Anh Ðào Minh Tân, nông dân nuôi cua ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) thu hoạch cua trong ao dèo.

Mô hình được triển khai cho 9 hộ dân trên địa bàn xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau). Mỗi hộ sẽ được đầu tư khoảng 30 triệu đồng/ha, trong đó có hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, con giống, thức ăn. 

Anh Ðào Minh Tân, ấp Ðồng Tâm A, hộ được đầu tư mô hình, cho biết: "Mô hình này không đòi hỏi diện tích rộng. Như gia đình tôi có 17.000 m2, tôi dành 2.000 m2 để làm ao dèo nuôi cua ở giai đoạn 2, vì lúc này thời gian nuôi ngắn, thu hoạch tỉa nên không cần nhiều diện tích, vả lại cũng cho cua ăn dễ dàng hơn. 

Tôi thả con giống từ ngày 10/3, thấy hiệu quả bước đầu rất cao. Ban đầu mình mang cua giống về thả hết ra diện tích ao nuôi, tầm 5 tháng bắt đầu đặt lú để sang vào ao nuôi giai đoạn 2. Giai đoạn này bắt đầu cho cua ăn thức ăn để cua được chắc thịt hơn, thức ăn chủ yếu là con vẹm đất (con vòm)".

Ông Ngô Minh Tám, ấp Tân Long, nhận xét: "Mô hình nuôi cua bán thâm canh 2 giai đoạn mang lại hiệu quả rất cao. Khi mình thả nuôi lan ra vuông tới khi cua được bằng cua tứ thì bắt thả vào ao dèo. 

Ao dèo này được bao kín, tiện cho ăn, lại kiểm soát được đầu con. Hiện tại tôi đã thả vào ao dèo được 500 con, cua đang đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg, đã xuất bán được, nếu bán hết lứa cua này tôi sẽ thu được khoảng trên 20 triệu đồng. 

Ngoài ra, còn cua ở ngoài vuông chưa sang vào ao dèo. Tính ra rất đạt đầu con. So với cách nuôi truyền thống thì nuôi cua bán thâm canh 2 giai đoạn hiệu quả hơn rất nhiều".

Theo anh Thới, với mô hình nuôi cua bán thâm canh 2 giai đoạn, các hộ dân tận dụng được diện tích các ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả để sản xuất. 

Trong quy trình nuôi có sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, không sử dụng các loại hoá chất, thuốc kháng sinh bị cấm, nên cua thương phẩm có chất lượng cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chế phẩm sinh học còn giúp cải thiện chất lượng môi trường nước, hạn chế dịch bệnh phát sinh. 

Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tận dụng, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai.

Các hộ dân cho biết, nếu biết cách nuôi thì có thể thả nối đuôi theo tỷ lệ lượng cua trong vuông để làm được nhiều vụ trong năm và canh đúng thời gian thu hoạch ngay tết Nguyên đán để vừa được mùa, được giá.

Có thể thấy, kết quả của mô hình là cơ sở khoa học, ứng dụng hiệu quả vào việc quy hoạch, định hướng phát triển bền vững mô hình sản xuất, góp phần cải thiện cuộc sống người dân, đồng thời mở ra hướng sản xuất mới cho các hộ dân có các ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả để sản xuất, tăng thu nhập.

Ở Việt Nam có nhiều tỉnh nuôi cua, song số lượng và chất lượng không bằng cua Cà Mau. Thị trường cua thương phẩm khá tốt, thương lái tìm đến tận nơi sản xuất, thu mua với giá cạnh tranh. 

Cua Cà Mau tiêu thụ trong nước khoảng hơn 60%, còn lại xuất khẩu sang nhiều nước. Cua Cà Mau thường xuyên không đủ cung cho thị trường trong và ngoài nước. 

Sản phẩm cua từ mô hình này có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm (không bị nhiễm các loại hoá chất, thuốc kháng sinh cấm), cua chắc thịt, ngon, mẫu mã đẹp, góp phần giữ vững thương hiệu cua Cà Mau, đồng thời là cơ sở để tạo cơ hội phát triển ngành hàng cua biển Cà Mau trong thời gian tới.

Kim Cương (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem