Theo thống kê mới nhất của Bộ NNPTNT, tính đến hết năm 2021 cả nước đã có 463.000ha cây trồng được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP; 16.991ha diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP; 924 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP.
Số diện tích cây trồng được chứng nhận VietGAP trong các năm 2020, 2021 là thành quả rất đáng ghi nhận, bởi tính đến năm 2019, cả nước mới có khoảng 40.000ha diện tích được công nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, mặc dù việc sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đó không chỉ là hạn chế ở một số địa phương sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hướng tới sản xuất hàng hóa, tập trung; chi phí áp dụng các mô hình tiên tiến cao; mà hạn chế còn ở trình độ của nông dân còn hạn chế, cùng với việc ngại thay đổi tập quán canh tác cho nên việc áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế; chuỗi sản phẩm còn qua nhiều khâu trung gian dẫn đến khó quản lý về an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc.
Hơn nữa, chi phí cho các khâu trung gian nhiều, dẫn tới giá thành sản phẩm cao khi đến tay người tiêu dùng, do vậy sản phẩm khó cạnh tranh... Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, việc sản xuất nông nghiệp an toàn là hướng đi tất yếu để tạo nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thời gian tới, Bộ NNPTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp được chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm; phối hợp với các bộ, ngành xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.