Trồng rau VietGAP ở tỉnh Thái Nguyên, ai trông thấy cũng thốt lên vì sao rau tốt thế?
Thái Nguyên: Nhiều người không tin vào mắt mình khi thấy những vườn rau VietGAP tốt ngùn ngụt thế này
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ hai, ngày 20/12/2021 19:00 PM (GMT+7)
Bà con nông dân ở xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã gắn bó hàng chục năm với nghề trồng rau truyền thống. Ngày nay, bà con chuyển sang trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP vừa an toàn, vừa có chất lượng tốt.
Clip: Chị Đoàn Thị Thúy, Phó Giám đốc HTX rau Hùng Sơn (xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)
Nghề trồng rau đã gắn bó với nhiều hộ dân ở xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên từ nhiều năm nay. Đây là nghề giúp người dân có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá.
Chị Đoàn Thị Thúy, Phó Giám đốc HTX rau Hùng Sơn cho biết, HTX được thành lập vào năm 2014 trên cơ sở các hộ dân có truyền thống trồng rau và thực hiện dự án trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Trồng rau VietGAP, khỏe nông dân khỏe cả người ăn rau
Lúc mới thành lập, HTX rau Hùng Sơn có tất cả 54 thành viên tham gia. Tuy nhiên đến nay chỉ còn 34 hộ, do nhiều hộ không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ thuật ngày càng cao đối với quy trình trồng rau.
Hiện tổng diện tích trồng rau của cả HTX rau Hùng Sơn là 5,5ha, trong đó diện tích trồng trong nhà lưới trên 2ha.
Gia đình chị Đoàn Thị Thúy là một trong những hộ trồng rau lâu đời ở địa phương. Năm 2012, chị Thúy bắt đầu tham gia trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP theo dự án. Hiện gia đình chị có tất cả hơn 2.000m2 diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là rau cải, bắp cải, cà chua, cà rốt và bí.
Bên cạnh diện tích trồng rau ngoài trời, chị Thúy còn kết hợp trồng thêm rau trong nhà lưới. Ưu điểm của trồng rau trong nhà lưới là rau ít sâu bệnh, giảm công chăm sóc mà chất lượng rau lại ngon hơn.
Ngoài trồng rau bán cho một số công ty trên địa bàn, gia đình chị Thúy còn làm con giống để cung cấp cho bà con nhân dân trong vùng.
Năm 2020, gia đình chị xuất bán trung bình 3 tạ rau/ngày. Còn năm 2021, do dịch bệnh nên sản lượng rau bán ra không ổn định, gia đình chị phải kết hợp mang ra chợ bán buôn.
Theo chị Thúy, các hộ thành viên HTX trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ 70 - 75% giống và chi phí đầu tư nhà lưới từ bên khuyến nông, Ngoài ra, bà con cũng được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Dù có thời điểm giá rau xuống thấp nhưng bà con vẫn có thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa, trong khi chi phí bỏ ra cũng như công chăm sóc lại ít hơn.
Gia đình anh Bùi Văn Ước (xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) trồng rau đã hơn 20 năm nay. Hiện gia đình anh có khoảng 1.800m2 diện tích trồng rau, chủ yếu là rau cải, su hào, súp lơ và các loại rau thơm. Ngoài ra, gia đình anh Ước có khoảng hơn 1 sào trồng rau trong nhà lưới.
Không mau giàu nhưng là mô hình cho thu nhập bền vững
Anh Ước chia sẻ, rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có thời gian thu hoạch lâu hơn, ít sâu bệnh hơn, dễ chăm sóc mà chất lượng lại ngon hơn.
Năm nay do rau được giá nên thu nhập cũng nhờ đó mà tăng lên. Những lúc cao điểm, rau cải được bán với giá 25.000 – 28.000 đồng/kg, còn hành có giá lên tới 40.000 đồng/kg.
Anh Ước cũng cho biết, việc trồng rau theo phương pháp truyền thống trước đây mất rất nhiều thời gian. Ngày nay, do ứng dụng khoa học kỹ thuật nên công chăm sóc giảm thiểu đáng kể.
Trước kia, mỗi lần tưới rau phải gánh từng gánh nước đi tưới rau khắp cánh đồng. Còn hiện giờ, bà con đã chủ động được nguồn nước tưới tiêu bằng việc khoan giếng ngay tại khu vực trồng rau của gia đình mình.
Mỗi lần tưới nước cho rau hết sức thuận tiện, chỉ việc bật máy bơm nước và dùng vòi để tưới, nên thời gian giảm đi tương đối mà lại đỡ vất vả hơn.
Với dự án trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, bà con được hỗ trợ khoảng 20 giếng khoan để tưới rau. Ngoài ra, bà con cũng tự khoan được khoảng 50 giếng nước nữa.
Nhờ được tưới bằng nguồn nước sạch bơm trực tiếp từ các giếng khoan nên chất lượng rau cũng đảm bảo hơn nhiều.
Gia đình anh Hoàng Huy Hiệp (xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) hiện có khoảng 2.500m2 diện tích trồng rau, trong đó có hơn 500m2 nhà lưới.
Đối với diện tích rau trồng trong nhà lưới, gia đình anh thu hoạch trung bình 10 lứa rau/năm với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/lứa.
Theo anh Hiệp, súp lơ có thời gian trồng lâu nhất, kéo dài khoảng 75 ngày và khó trồng nhất vì hay bị sâu bệnh. Còn rau cải tiếu là thời gian thu hoạch nhanh nhất, dễ trồng và có thể trồng quanh năm.
Trồng rau mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho bà con ở đây. Kể cả những thời điểm giá rau xuống thấp, người trồng rau vẫn có lãi.
Với tổng diện tích trồng rau như hiện nay, trung bình gia đình anh Hiệp thu về khoảng trên 200 triệu đồng/năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.