Đây là những lý do khiến kinh tế Nga chỉ là "chú gấu nhỏ" so với cường quốc Mỹ

Lê Trang (WB) Thứ ba, ngày 29/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Câu chuyện so sánh tiềm lực quân sự của Nga và Mỹ có thể là chủ đề bất tận cho các chuyên gia phương Tây nhưng riêng trong lĩnh vưc kinh tế, Nga vẫn chỉ là một "chú gấu nhỏ" với siêu cường kinh tế số một thế giới như Mỹ ở nhiều bình diện.
Bình luận 0

GDP Nga chỉ bằng 1/14 GDP Mỹ

Trong bức tranh lớn về kinh tế toàn cầu, Nga không nằm trong nhóm các cường quốc kinh tế toàn cầu. Tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thước đo phổ biến nhất để đo lường dấu ấn kinh tế của một quốc gia, Nga đứng thứ 11 trên thế giới và chỉ bằng 1/14 GDP của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nga cũng xếp sau Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Ấn Độ, Pháp, Ý, Canada và Hàn Quốc. 

Đây là những lý do khiến kinh tế Nga chỉ là "chú gấu nhỏ" so với cường quốc Mỹ - Ảnh 1.

Biểu đồ so sánh Tổng sản phẩm quốc nội giữa Nga và Mỹ tính đến tháng 6/ 2021

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ hiện đang là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới tính theo giá trị GDP danh nghĩa và lớn thứ hai thế giới tính theo ngang giá sức mua (PPP).  4 bang của Mỹ là California, Texas, New York và Florida đã có GDP thuộc "CLB Nghìn tỷ đô" đủ cho thấy độ "khổng lồ" của nền kinh tế siêu cường quốc này. 

Thậm chí, nếu tách biệt thì 4 bang này còn nằm trong top 17 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2020. Nếu 4 bang này kết hợp lại, tổng GDP sẽ khoảng tầm 8 nghìn tỉ đô, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. 

 Trong một bài so sánh nền kinh tế Nga và bang Texas (Mỹ) năm 2018, Forbes chỉ ra rằng, với dân số bằng 1/5 của nước Nga nhưng quy mô nền kinh tế của Texas hoàn toàn vượt trội với GDP đạt 1,7 nghìn tỷ USD so với cả nước Nga là 1,28 nghìn tỷ USD (thời điểm đó). 

Theo Thời báo Tampabay, nếu xét kinh tế Nga với các tiểu bang của Mỹ thì Moscow chỉ đứng thứ 4 sau California, Texas và New York và ngang với bang Florida.

Đây là những lý do khiến kinh tế Nga chỉ là "chú gấu nhỏ" so với cường quốc Mỹ - Ảnh 2.

So sánh nền kinh tế Nga và bang Texas của Mỹ

Người Mỹ giàu gấp 7 lần người Nga 

Nga cũng là một quốc gia tương đối "nghèo" nếu xét đến dân số với khoảng 145 triệu người. Tổng sản phẩm quốc nội trên đầu người của Nga thấp hơn so với nhiều nước. Thậm chí, một số quốc gia vệ tinh trong Chiến tranh Lạnh trước đây của Liên Xô hiện đã vượt Nga về GDP bình quân đầu người, bao gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia. 

Đây là những lý do khiến kinh tế Nga chỉ là "chú gấu nhỏ" so với cường quốc Mỹ - Ảnh 3.

Biểu đồ so sánh thu nhập bình quân trên đầu người giữa Nga và Mỹ. Nguồn Worldbank.

Xét trên tổng quát, nước Mỹ có tổng GDP năm 2019 đã chiếm 25% GDP toàn cầu (khoảng 87,2 nghìn tỉ đô), trong khi dân số Mỹ chiếm chưa đến 4,3% quy mô dân số thế giới với 334 triệu người. 

Nhiều nhà kinh tế thích nhìn vào GDP bình quân đầu người, một thước đo về sự thịnh vượng vật chất đối với một quốc gia. Giá trị này cho thấy GDP bình quân đầu người của Nga năm 2021 đạt  khoảng 8.919 USD/người trong khi con số này của Mỹ năm 2021 cán mốc 66.144 USD tức là gấp hơn 7 lần người dân Nga.

Nga cũng là một nước đóng vai trò tương đối nhỏ trong thương mại quốc tế nói chung. Quốc gia này đứng thứ 20 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, xếp sau Hà Lan, Ireland, Thụy Sĩ, Bỉ, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng như các trung tâm thương mại của châu Á là Singapore và Hồng Kông. 

Trong khi đó Mỹ lại là một trong những thị trường tài chính lớn nhất và ảnh hưởng nhất trên toàn cầu. Thị trường chứng khoán New York (NYSE) hiện là thị trường chứng khoán có mức vốn hoá lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Mỹ luôn dẫn đầu trong các khoản đầu tư trực tiếp và tài trợ cho nghiên cứu và phát triển.

Thế mạnh năng lượng? 

Tuy không được xếp vào hạng siêu cường kinh tế nhưng Nga lại có một "át chủ bài" khiến nhiều nền kinh tế lớn khác không dám xem thường, đó là là dầu mỏ. Doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng năng lượng chiếm 43% tổng ngân sách của chính phủ Nga trong giai đoạn từ 2011-2020. 

Xuất khẩu dầu chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu và 30% giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga. Gần 50% dầu thô xuất khẩu của Nga có điểm đến là châu Âu và tạo ra mức đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách của Nga. 

Trong năm 2020, Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới với sản lượng xuất khẩu đạt mức 5 triệu thùng/ngày. 

Theo số liệu của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong năm 48% xuất khẩu dầu thô của Nga trong năm 2020 là sang châu Âu, với các nhà nhập khẩu hàng đầu là Đức, Hà Lan, Ba Lan. 

Đây là những lý do khiến kinh tế Nga chỉ là "chú gấu nhỏ" so với cường quốc Mỹ - Ảnh 5.

Biểu đồ top 10 nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới trong năm 2020, Nga đứng thứ 3, xuất khẩu 10,7 triệu thùng mỗi ngày. Ảnh: BBC

Mặc dù vậy, trong "trận chiến này", dầu mỏ cũng không thể giúp Nga dành chiến thắng khi Mỹ vẫn nhà sản xuất dầu mỏ và khí gas lớn nhất thế giới.  Washington sẽ còn trở thành nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới vào năm 2022, vượt qua Qatar và Australia và có thể giữ danh hiệu đó trong nhiều năm tới. 

 Tiền tệ và dự trữ quốc tế 

Xét về tiền tệ,  đồng đô la Mỹ (USD) là đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong các giao dịch quốc tế và là đồng tiền dự trữ phổ biến nhất thế giới, được bảo đảm bằng nền khoa học công nghệ tiên tiến, quân sự vượt trội, niềm tin vào khả năng trả nợ của chính phủ Mỹ, vai trò trung tâm của Washington trong hệ thống các tổ chức toàn cầu. 

 Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây xung quanh chiến sự Nga - Ukraine, đồng tiền nội tệ của Nga lại liên tục mất giá so với các đồng tiền hàng đầu thế giới. Chỉ tính riêng trong tháng 1/2022, đồng tiền của Nga đã mất giá hơn 5% - con số cao nhất trong số các thị trường mới nổi. 

Về dự trữ quốc tế, theo Ngân hàng Trung ương Nga, dự trữ quốc tế của Nga tính đến ngày 11/2 đang ở mức cao nhất trong lịch sử là 639,6 tỷ USD, đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Nhật Bản và Thuỵ Sĩ.

Đây là những lý do khiến kinh tế Nga chỉ là "chú gấu nhỏ" so với cường quốc Mỹ - Ảnh 6.

Mỹ hiện lại là quốc gia sở hữu nhiều vàng dự trữ nhất trên thế giới

Kể từ năm 2014, Nga đã giảm nắm giữ USD, thay vào đó tích lũy vàng và các loại tiền tệ không phải của Mỹ, trong đó có đồng Euro và Nhân dân tệ. Đây được xem là một phần trong chiến lược "phi đôla hoá nền kinh tế" của Nga nhằm giảm tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Nếu như đầu năm 2018 Nga sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 100 tỷ USD thì đến tháng 11/2020 chỉ còn 6 tỷ USD. Điều này được thực hiện nhằm đối phó với những rủi ro về một cú đánh vào dự trữ đồng USD. Dự trữ quốc tế càng lớn cơ hội vượt qua khủng hoảng càng dễ dàng. Theo các chuyên gia tài chính, với việc tích trữ vàng và ngoại hối, Chính phủ Nga đang chuẩn bị tốt hơn cho một tương lai đầy biến động.

Trên bình diện dữ trữ vàng, Mỹ hiện lại là quốc gia sở hữu nhiều vàng dự trữ nhất trên thế giới với 8.133,46 tấn vàng thỏi. Con số này nhiều gần bằng số vàng của Đức, Italia và Nga cộng lại. Vàng dự trữ đang được cất trong các kho lưu trữ trên khắp nước Mỹ. 

Trong khi đó Nga hiện là quốc gia đứng thứ 5 về dự trữ vàng với 2.292,31 tấn vàng dự trữ. Trong 5 năm qua, Nga đã chi ra 40 tỉ USD để tăng dự trữ vàng, cho phép nước này vượt qua Trung Quốc trong bảng xếp hạng và giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem