Đây là "cây tiền tỷ" ra quả trái vụ giúp một nông dân Tiền Giang thu toàn tiền to

Thảo Quyên (Cổng TTĐT TX Cai Lậy) Thứ năm, ngày 07/12/2023 08:33 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, nông dân trồng sầu riêng xã Phú Quí, thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) chủ động xử lý cây sầu riêng ra quả trái vụ. Kỹ thuật này giúp khắc phục tình trạng "được mùa, mất giá”, góp phần nâng cao mức sống cho nhiều hộ trồng sầu riêng, trong đó có anh Đặng Văn Tròn ở ấp Phú Mỹ.
Bình luận 0

Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng gần 10 năm tuổi xanh mướt, bông sắp xổ nhụy anh Tròn cho biết: Trước đây là vùng đất trũng không có ô bao nên trồng lúa nước thường ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, cuộc sống gia đình vì thế thiếu trước hụt sau. 

Anh chủ động lên liếp trồng các loại hoa màu như: dưa leo, khổ hoa theo cơ cầu 2 vụ lúa xen 1 vụ màu, nhằm cải tạo độ màu mỡ cho đất và nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp trên cùng đơn vị diện tích, cuộc sống gia đình có bước cải thiện. 

Năm 2011, sau khi có ô bao khép kín, anh vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn 10 triệu đồng lên mô 7 công ruộng trồng 160 cây sầu riêng hạt lép giống Monthong và sầu riêng Ri 6. Dưới mô cấy lúa theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, sau mỗi vụ thu hoạch lúa anh lấy đất bồi vào mô sầu riêng, nhờ cải tạo đất tốt nên cây phát triển sum xuê. 

Năm 2016, sầu riêng cho thu hoạch nhưng cây ra hoa mùa thuận hàng dội chợ, bán giá sầu riêng không cao. Năm 2017, anh chủ động xử lý cho cây sầu riêng ra hoa nghịch vụ, nhưng do chưa có kỹ thuật nên cây rụng trái hàng loạt. 

Qua tập hụấn khuyến nông, học tập đồng nghiệp cùng với kinh nghiệm tích lũy được. Năm 2018 anh đã thành thạo kỹ thuật xử lý sầu riêng vụ nghịch, năng suất bình quân 7-10 tấn/năm, thương lái đến tại vườn mua giá dao động từ 60.000-80.000 đồng/kg. 

Không bao lâu anh hoàn trả được vốn, lãi cho ngân hàng đồng thời tích luỹ kinh phí mua thêm 3 công ruộng lên liếp trồng bưởi da xanh. Nâng diện tích lên 1 ha, trừ chi phí anh thu lãi 600 triệu đồng/năm. 

Đây là "cây tiền tỷ" ra quả trái vụ giúp một nông dân Tiền Giang thu toàn tiền to - Ảnh 1.

Anh Tròn, nông dân trồng sầu riêng xã Phú Quí, thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) chăm sóc cây sầu riêng ra hoa, ra trái nghịch vụ.

Theo anh Đặng Văn Tròn, trồng sầu riêng đạt năng suất cao và cây phát triển tốt, trước hết phải thiết kế mô hợp lý, mật độ trồng thoáng, bón phân cân đối giữa 3 hàm lượng đạm-lân-kali theo từng giai đoạn, chú trọng bón nhiều phân hữu cơ.

Thu hoạch xong mùa vụ tỉa bỏ những chồi, cành vô hiệu, không để cây mang thừa trái, đối với những cây có dấu hiệu suy, chậm phục hồi không để cây mang trái năm tiếp theo. 

Với cách làm này vườn sầu riêng của anh luôn xanh tốt, hạn chế sâu bệnh.Khi cây ra đủ 2-3 cơi đọt lá chuyển sang lụa khoảng đầu tháng 5 âm lịch, xiết nước cạn trong mương, dùng màng nylon phủ kín gốc đồng thời phun thuốc kích thích giúp cây ra hoa. 

Hoa sổ nhụy dùng chổi nylon quét lên bông thụ phấn nhân tạo giúp trái tròn, trái bằng cái ly tỉa bớt trái xấu, phun thuốc, bón phân định kỳ 10 ngày/lần giúp trái phát triển và không để sâu, rầy gây hại. 

Đặc biệt mùa hạn, xâm nhập mặn vừa qua mặc dù kéo dài, nồng độ cao và xâm nhập sâu trong nội đồng nhưng nhờ vườn sầu riêng của anh nằm cặp kinh lớn nên anh chủ động thuê ghe vận chuyển nước bơm vào trong mương không để cạn đáy mương và để cỏ mọc kín gốc, giúp cây giữ ẩm.

Đến gần cuối mùa hạn, mặn anh mới tưới lên gốc sầu riêng, với cách làm này vườn sầu riêng của anh không bị thiệt hại và hiện cây sắp xổ nhụy hứa hẹn mùa bội. Những kinh nghiệm tích lũy được anh sẵn lòng chia sẻ, giúp nông dân xử lý vụ nghịch đạt năng suất cao.    

Một điều đáng khâm phục ở anh là tính cần cù, chịu khó, mặc dù diện tích sầu riêng khá lớn nhưng anh chỉ thuê 1 vài  nhân công trong một năm khi vào vụ. 

Còn lại vợ chồng anh tụ làm từ việc làm cỏ, xới đất, bón phân, phun thuốc, thụ phấn hoa, cắt tỉa cành, tưới nước…. anh Đặng Văn Tròn, ở ấp Phú Mỹ, xã Phú Quí, TX Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết:

“Trước đây tôi sản xuất 3 vụ lúa/năm hiệu quả kinh tế thấp, thông qua tập huấn khuyến nông tôi chuyển sang trồng màu dưới chân ruộng cho lợi nhuận cao gấp đôi so với trồng lúa. 

Sau khi có ô bao khép kín, tôi lên vườn trồng sầu riêng và xử lý cho cây ra hoa mùa nghịch, cuộc sống gia đình khắm khá, xây dựng nhà cửa khang trang đủ tiện nghi và nuôi con ăn học đến nơn đớn chốn“.

Cần cù, chí thú làm ăn từ nghèo khó anh Đặng Văn Tròn vươn lên làm giàu, thông qua việc chuyển đổi cây trồng phù hợp và xử lý mùa nghịch đang là 1 điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cần được nhân rộng ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem