Đẩy lùi “giặc dốt” vùng đồng bào dân tộc

HUỲNH XÂY Thứ sáu, ngày 27/11/2015 06:49 AM (GMT+7)
Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đẩy lùi “giặc dốt”, thời gian qua các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tích cực triển khai nhiều cách làm, cách dạy hay giúp bà con hiểu và viết được chữ, dễ dàng vận dụng vào cuộc sống.
Bình luận 0

Người dân dạy nhau học

Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Mỹ Hoà, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cho biết: “Trung tâm đã mở được 14 lớp xoá mù chữ (XMC), với 228 người theo học, trong đó có 150 học viên là người DTTS. Sau khi biết chữ, các học viên này sẽ tham gia Câu lạc bộ phát triển cộng đồng (hình thành nhóm sinh hoạt theo một chủ đề như: Nuôi lợn trên đệm lót sinh học, hùn vốn xoay vòng,…) để tiếp tục học tập, chống tái mù chữ”.

img

Lớp học người DTTS  trên địa bàn huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh . Ảnh: HUỲNH XÂY

Từ năm 2010 đến nay, huyện Vĩnh Hưng (Long An) đã tổ chức được 25 lớp với 175 học viên theo học (90% là con em Việt kiều Campuchia hồi hương). Theo Phòng GDĐT Vĩnh Hưng, điểm nổi bật trong công tác XMC ở địa phương là tổ chức bồi dưỡng (kiến thức, kỹ năng giảng dạy) cho những học viên học tập tốt để dạy lại những học viên có năng lực yếu hoặc dạy cho người thân trong gia đình khi không có điều kiện tham gia học.

Theo ông Lưu Phước Quang – Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Vĩnh Hưng, việc cho học viên về dạy lại cho người thân là giải pháp hiệu quả để XMC theo phương châm người biết chữ dạy người chưa biết chữ trong cùng một gia đình.

Không riêng gì 2 địa phương trên, nhiều tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL cũng đưa ra nhiều hình thức, biện pháp để đẩy mạnh công tác XMC như: Thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) vận động các nguồn lực XMC cho người lớn tuổi; mô hình “Câu lạc bộ không để con mù chữ, bỏ học giữa chừng” ở An Giang; hỗ trợ dụng cụ học tập đối với học viên nghèo ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long)...

An cư mới có tâm trí học

Theo thống kê của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đến cuối năm học 2014 - 2015, ước tính số người mù chữ là 489.432 người (hơn 1/3 số người mù chữ trong cả nước), trong đó, có 62.881 người là đồng bào DTTS. Số người mù chữ nhiều nhất là người Khmer và tỉnh An Giang là địa phương có số người mù chữ nhiều nhất vùng ĐBSCL. 

Theo ngành giáo dục các địa phương, để tiếp tục cải thiện tình trạng số người mù chữ trong đồng bào các dân tộc, thời gian tới ngành giáo dục cần có chính sách hỗ trợ kịp thời trong công tác vận động bà con đi học hoặc sau khi học viên học xong.

“Trước hết địa phương phải tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các hộ dân có công ăn việc làm. Họ có an cư lạc nghiệp mới có tâm trí tham gia các lớp XMC cũng như các phong trào liên quan. Đồng thời cũng huy động mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án như trung tâm chúng tôi đang được Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) giúp sức” - ông Thắng nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Hữu Nhân – Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cho biết thêm: “Đa phần những người mù chữ là lao động chính trong gia đình, kinh tế khó khăn, phải làm việc vất vả để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Để vận động những người này ra lớp phải có sự kết hợp của nhiều đơn vị như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học… và có sự hỗ trợ về mặt kinh tế, việc làm”.

Ngoài ra, để khuyến khích công tác XMC, Sở GDĐT các địa phương cho rằng cần có chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, người học XMC là người dân tộc, người tham gia công tác XMC… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem