Đẩy lùi tập quán lạc hậu

Thứ tư, ngày 18/08/2010 23:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cùng với thu nhập được nâng lên, trên 400 hộ đồng bào Khmer sinh sống sát đường biên giới thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu, Tây Ninh, đang thay đổi tập quán lạc hậu nhờ đồng vốn ưu đãi.
Bình luận 0
img
Vợ chồng Xa Măn bên nhà tắm mới.

Không còn lo miếng cơm

Là một trong những hộ trong diện vay vốn ưu đãi của xã, Xa Măn, ngụ ở ấp Suối Dầm kể : "Trước năm 2005, vợ chồng tui nghèo lắm! Căn nhà dột nát được chính quyền hỗ trợ 10 triệu đồng mua vật tư mới dựng lại được. Nhờ Ngân hàng CSXH cho vay vốn sản xuất. Nay nhà tui thoát nghèo rồi, chỉ vài năm nữa sẽ khá thôi à".

Với 6 miệng ăn, vợ chồng Xa Măn có hơn 3ha đất canh tác. Trong đó, 6.000m2 mỗi năm trồng 1 vụ lúa, hơn 2ha vùng gò cao trồng mì (sắn), thu trên 50 tấn sản phẩm/năm. Củ mì có giá nên mỗi năm vợ chồng anh bỏ túi không dưới 100 triệu đồng. Ấy là chưa kể Xa Măn còn chăn nuôi trâu để cày kéo, khi cần, bán mỗi con thu hơn chục triệu đồng. Vợ anh mở quán tạp hóa bán đủ loại hàng phục vụ sinh hoạt cho bà con trong ấp.

Theo ông Dương Minh Trung - Chủ tịch UBND xã Tân Đông, Suối Dầm là một trong 3 ấp có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer đông nhất. Trước đây bà con chỉ canh tác lúa nước, năng suất thấp nên cuộc sống khá vất vả.

Không chỉ thiếu miếng ăn, nhà ở cũng tạm bợ. Bà con vẫn giữ thói quen tắm suối, phóng uế ngoài đồng, nhốt gia súc ngay dưới gầm nhà sàn. Vài năm nay, nhờ chuyển đổi sang trồng mía, mì, cao su, lại được vay vốn ưu đãi nên miếng ăn không còn trở thành nỗi lo thường nhật của bà con nữa.

Tính đến ngày 31-6-2010 Ngân hàng CSXH đã ủy thác qua Hội ND xã Tân Đông cho ND vay 11,4 tỷ đồng thực hiện 5 chương trình. Đây cũng cũng là địa phương tỷ lệ nợ quá hạn nhưng nợ quá hạn thấp nhất huyện Tân Châu.

“Không chỉ vợ chồng Xa Măn xóa xong nghèo, mấy năm trước các hộ như Lâm Phân, Thi Song… trước không dám vay vốn ngân hàng chỉ vì nghèo sợ không trả nổi, nay đều thoát nghèo và đang ăn nên làm ra. Hàng năm, các hộ đều đề nghị Hội ND bảo lãnh vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất"- ông Danh In - Trưởng ấp Suối Dầm cho hay.

Sống văn minh

Ông Ngô Khắc Lợi- Chủ tịch Hội ND xã Tân Đông cho biết, năm 2005, Đảng ủy xã chỉ đạo chính quyền phối hợp với Hội ND vận động đồng bào Khmer thực hiện chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường.

Sau gần một tuần vận động, chỉ có 12 hộ đồng ý khoan giếng, làm công trình vệ sinh, chuyển trâu, bò, heo ra phía sau cách nhà ở vài chục thước. "Nhờ có Danh Ngất và Cao Văn Xay ở ấp Kà-ốt tiên phong làm trước đã lôi kéo hơn 20 hộ àm theo" - ông Lợi kể.

Năm 2007, Ngân hàng CSXH cho mỗi hộ vay 8 triệu đồng để khoan giếng nước, xây nhà tắm - nhà vệ sinh tự hoại. Giới thiệu giếng nước khoan ở độ sâu 40m cùng nhà tắm, nhà vệ sinh của gia đình mình, Danh Măn nói: "Không nghe Hội ND vận động, không được Ngân hàng CSXH cho vay tiền thì gia đình tôi còn tắm ngoài suối trâu đầm, còn phóng uế ngoài ruộng".

Ngồi quanh bàn trà trước hiên nhà Danh Măn - Bí thư chi bộ ấp Suối Dầm, thông tin: "Ngoài 100% hộ dân tộc Khmer trong ấp xây giếng nước sạch và hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh, tại trung tâm sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc (nhà tha - la) chính quyền và Hội ND còn vận động bà con góp 7 triệu đồng xây nhà vệ sinh công cộng.

Nhận xét về việc sử dụng vốn Ngân hàng CSXH tại xã Tân Đông trong đó có ấp Suối Dầm, ông Trương Hoàng Sơn - Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Châu tỏ ra hài lòng khi thấy đối tượng vay vốn thực hiện 5 chương trình ủy thác qua Hội ND cao nhất so với các đoàn thể bạn và không ai nợ quá hạn. “Đồng vốn ngân hàng thực sự đã góp phần làm thay đổi tập quán lạc hậu từ lâu đời nay của đồng bào Khmer để xây dựng nếp sống mới có văn hóa" - ông Sơn khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem