|
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân |
Quyết định 1956/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã triển khai hơn nửa năm, Bộ trưởng có thể cho biết vấn đề khó khăn nhất là gì?
- Tôi nghĩ vấn đề khó khăn khi triển khai đề án này có rất nhiều, bởi đây là một đề án lớn, liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau… nhưng nếu chính quyền địa phương quyết tâm vào cuộc chắc chắn chúng ta sẽ sớm thành công.
Trong thời gian triển khai, qua thực tế đã cho thấy một số địa phương còn triển khai chậm nhưng hầu hết các địa phương đã vào cuộc rất nhanh và quyết liệt.
Một trong số các địa phương thực hiện tốt bước đầu của quyết định này phải kể tới như Nam Định, Phú Thọ… Có địa phương như Phú Thọ đã sẵn sàng ứng kinh phí để triển khai dự án trước khi kinh phí hỗ trợ của nhà nước về tới địa phương. Nếu như địa phương nào cũng làm tốt và quyết liệt như vậy, chắc chắn những hỗ trợ của đề án sẽ đến sớm hơn với người nông dân.
Nhiều tỉnh cho rằng khó khăn khi thực hiện Quyết định 1956 là kinh phí, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trong thời gian tới?
- Vấn đề phân bổ kinh phí sẽ được thực hiện theo dự toán phân bổ kinh phí hàng năm của đề án. Ngày 22-7 tới đây, Ban chỉ đạo T.Ư thực hiện Quyết định 1956 sẽ tổ chức cuộc họp giao ban tại Khánh Hòa, tiếp tục thực hiện đánh giá, rà soát khu vực phía Nam. Đây là một đề án gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nên cần đẩy mạnh triển khai để sử dụng nguồn ngân sách đảm bảo mục tiêu của đề án, đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm sau đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội.
|
Lớp đào tạo nghề cơ khí tại Trường Trung cấp nghề tỉnh Kon Tum. |
Vấn đề nhiều người quan tâm nhất là giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Thời gian tới đề án triển khai rộng rãi, làm thế nào để đạt được mục tiêu đó, thưa Bộ trưởng?
- Đây là đề án hướng tới lợi ích của người nông dân, nên cần phải đẩy mạnh các hoạt động khảo sát, gồm: Khảo sát năng lực của cơ sở dạy nghề, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân và khảo sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp… Qua đó có thể đánh giá được toàn cảnh về cung cầu lao động, kết nối người lao động và doanh nghiệp để đạt được mục đích đề ra. Thực tế cho thấy, sau một thời gian triển khai đề án đã có sự đồng thuận của toàn xã hội. Từ chủ thể là người nông dân, đặc biệt là những người nông dân mất đất tới các doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền địa phương... đều có sự đồng thuận cao.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Thanh Xuân (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.