Cơ hội từ thị trường lớnTheo Trung tâm Thông tin ngũ cốc và các loại dầu quốc gia TQ (CNGOIC), sản lượng gạo của nước này trong năm nay sẽ giảm 0,7% so với năm ngoái, xuống còn 202,8 triệu tấn. Bên cạnh đó, giá gạo nội địa tăng cũng là nguyên nhân khiến TQ tăng nhập gạo từ nay đến Tết Nguyên đán 2014.
Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, Việt Nam cần có gạo chất lượng với giá rẻ.
Từ đầu năm đến nay, TQ tiếp tục nổi lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam cả về chính ngạch và tiểu ngạch. Theo thống kê chưa đầy đủ của VFA, từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang TQ khoảng 1,2 triệu tấn.
Nếu thống kê cả chính ngạch (chưa đầy đủ, vì thị trường TQ rất khó thống kê chính xác lượng gạo xuất) khối lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm nay tăng trưởng mạnh, đạt trên 1,62 triệu tấn với giá trị đạt 671,61 triệu USD, chiếm 31,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường TQ tăng gấp 5,2 lần về lượng và 4,4 lần về giá trị.
Với việc Hội đồng Ngũ cốc quốc tế nâng dự báo lượng gạo nhập khẩu của TQ trong năm nay thêm 16% (lên 2,2 triệu tấn) và TQ có thể sẽ vượt qua Nigeria để lần đầu tiên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay thì cơ hội cho hạt gạo Việt Nam ở thị trường này không phải nhỏ.
Cạnh tranh sẽ gay gắtTuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào TQ là điều không dễ. Ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch VFA cho biết, đối thủ lớn nhất về xuất khẩu gạo nói chung của Việt Nam và vào TQ nói riêng hiện nay là Thái Lan. Cùng với kế hoạch nới lỏng nhập gạo, TQ đã nhất trí nâng lượng gạo nhập khẩu từ Thái Lan trong vòng 5 năm tới lên 1 triệu tấn/năm.
VFA nhận định: Thị trường xuất khẩu gạo từ nay tới cuối năm và đầu năm 2014 hy vọng sẽ tốt lên nhờ nhu cầu từ một số thị trường chính như châu Phi, Trung Quốc, Philipines... chuyển động hơn.
|
Thời gian qua, Thái Lan đã giảm giá bán một lượng lớn gạo phẩm cấp cao để đẩy mạnh xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá với Thái trong xuất khẩu. Chưa kể sắp tới, nhiều nước nhập khẩu gạo sẽ vào vụ thu hoạch ở nước họ, nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường gạo thế giới đang dồi dào, việc TQ gia tăng nhập khẩu gạo đương nhiên là mục tiêu của không ít quốc gia xuất khẩu. Vì thế, trong cuộc cạnh tranh này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam phải biết tận dụng lợi thế “láng giềng” của mình để thúc đẩy xuất khẩu. Thực tế, hiện gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi nhiều đối thủ mới nổi như Myanmar, Campuchia cũng đang giảm giá bán.
VFA nhận định, hiện tại, gạo Việt Nam có lợi thế về giá so với gạo sản xuất ở TQ. Giá gạo ở TQ hiện quá cao sẽ tạo sự hấp dẫn cho gạo Việt Nam vì giá rẻ hơn rất nhiều.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, Việt Nam cần có gạo chất lượng với giá rẻ. Việt Nam cũng cần thay đổi chiến lược sản xuất và xuất khẩu lúa gạo bền vững. Đặc biệt là cần tập trung định hướng người sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn chung toàn cầu và sản xuất lúa cho xuất khẩu.
Năm 2012, xuất khẩu gạo nước ta sang TQ tăng bất thường, đạt 2,2 triệu tấn (gấp 10 lần so với năm 2011), chưa kể hơn 500 tấn xuất khẩu đường tiểu ngạch.
Mai Nguyễn (Mai Nguyễn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.