Dạy nghề hiệu quả, tỉnh Hải Dương có nhiều nông dân giỏi
Dạy nghề hiệu quả, tỉnh Hải Dương có nhiều nông dân giỏi
Thu Hà
Thứ bảy, ngày 08/05/2021 12:30 PM (GMT+7)
Thay vì ngồi trong lớp học với những cách truyền thụ cũ, hội viên nông dân Hải Dương được học nghề ngay tại ao nuôi, ruộng vườn, trang trại của mình. Sau học nghề, nhiều nông dân nơi đây đã đầu tư nuôi gà, nuôi cá hiệu quả và có thu nhập cao.
Trang trại rộng 2ha của anh Vũ Văn Yên - Chi hội Phó Chi hội Nghề nghiệp nuôi thủy sản xã Minh Hòa, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) là địa điểm thăm quan của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh. Trang trại được quy hoạch khoa học, bài bản với vườn cây, khu chuồng trại chăn nuôi khép kín gồm ba ba, cá lồng, gà siêu trứng.
Đặc biệt, 2 khu chuồng nuôi 16.000 con gà siêu trứng được anh Yên lắp hệ thống điều hoà không khí, nuôi gà khép kín. Mọi người khi ra vào đều phải đi qua bể nông chứa nước vôi sát khuẩn.
Anh Yên cho biết anh bắt tay vào nuôi gà từ năm 2000, lúc đó chỉ có chút kinh nghiệm tự học và kỹ thuật được đơn vị thu mua gà hướng dẫn nên vẫn lúng túng. Năm 2002, khi dịch H5N1 bùng phát, đàn gà chết la liệt, thành quả lao động bấy lâu bỗng chốc tiêu tan.
Đến nay, các cấp Hội ND trong tỉnh xây dựng được 410 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 374 mô hình triển khai có hiệu quả và thể hiện rõ sự tác động của Hội. Các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm.
Ngã ở đâu đứng lên ở đấy. Chính vì vậy khi thấy Hội ND xã thông báo có lớp dạy nghề chăn nuôi gà do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân về dạy, anh Yên đăng ký theo học. Anh cũng đăng ký đưa mô hình của mình làm giáo cụ dạy học cho giảng viên. Nhờ vậy, anh Yên được hướng dẫn cụ thể việc lắp đặt, bố trí thiết bị trong chuồng trại, cách phân bổ lượng gà hợp lý, cách sử dụng các loại thuốc.
Được đào tạo bài bản, anh Yên nuôi gà mát tay hẳn. Hiện mô hình trang trại của anh Yên cho thu lãi hơn 800 triệu đồng/năm.
Nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hân ở thôn Tòng Hoá, xã Đoàn, Kết, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đã có của ăn, của để nhờ nghề nuôi thủy sản. Từ kinh nghiệm nuôi cá lâu năm, kết hợp với các biện pháp khoa học - kỹ thuật, năng suất cá của gia đình ông Hân đã tăng lên, đạt khoảng 8 tạ/sào/vụ.
Chỉ tay về những ao cá trước mặt, ông Hân cho biết: Trước đây, cả khu nuôi thuỷ sản rộng lớn này là cánh đồng chiêm trũng. Năm 2005, ông là một trong những hộ đi đầu mua đất đào ao thả cá ở khu vực này. Với 9 sào ao, ông nuôi ghép các loại rô phi, trắm, chép...
"Thời gian đầu, khi chưa áp dụng kỹ thuật, năng suất cá đạt thấp. Cá thường xuyên bị dịch bệnh nên giá trị kinh tế không cao. Sau lớp học nghề nuôi cá, chúng tôi đã biết sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý nước ao nuôi, dùng máy quạt nước để tăng ôxy nên năng suất, sản lượng cá cao hơn trước. Mới đây, tôi và con trai tiếp tục mở rộng thêm hơn 1 mẫu ở khu vực nuôi mới. Mỗi năm, tôi nuôi 2 vụ cá, mỗi vụ thu lãi hơn 50 triệu đồng" - ông Hân bộc bạch.
Ông Đặng Xuân Quyện - Giám đốc HTX Thủy sản Đoàn Kết cho biết: Xã Đoàn Kết có hơn 80ha ao nuôi cá nên nông dân trong xã có nhu cầu lớn về tìm hiểu kỹ thuật nuôi thủy sản. HTX Thủy sản Đoàn Kết đã phối hợp Hội ND tỉnh thường xuyên mở các lớp dạy nghề nuôi thủy sản tại địa phương.
Các tiết học chủ yếu tại ao nuôi của học viên. Giảng viên trực tiếp kiểm tra nguồn nước, kịp thời phát hiện những bất thường, hướng dẫn học viên cách xử lý. Nông dân cũng được so sánh với ao nhà mình để tự chẩn đoán tình trạng. Được giảng viên giải thích, hướng dẫn rõ ràng nên bà con hiểu nhanh, những bài học gắn liền với thực tế.
"Học lý thuyết gắn liền với thực hành, giải thích trên góc độ khoa học nên bà con nông dân rất thích thú. Có nhiều kinh nghiệm xưa nay các hội viên vẫn áp dụng nhưng sau khi theo học mới biết không phù hợp" - Giám đốc HTX Thủy sản Đoàn Kết cho biết.
Học nghề tại ao nuôi, ruộng vườn
Trong 5 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội ND tỉnh Hải Dương đã trực tiếp tổ chức hơn 200 lớp đào tạo nghề (thời gian từ 2 - 3 tháng/lớp) cho hơn 6.000 học viên là nông dân, hơn 1.000 lớp tập huấn, bồi dưỡng khoa học, kỹ thuật cho hơn 68.000 người, trong đó có 169 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo anh Đặng Quang Hưng - Phó Giám đốc trung tâm, trong thời điểm các trung tâm dạy nghề đều đang gặp nhiều khó khăn thì Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân vẫn hoạt động hiệu quả. Bởi trung tâm đã đưa lớp học tới tận khu vườn, đồng ruộng hay khu chăn nuôi của người dân. Thay vì các học viên ngồi trong lớp học với những cách truyền thụ cũ, nay các giảng viên về tận xã để mở lớp và dạy học.
Nắm bắt nhu cầu của nông dân thông qua tổ chức Hội cơ sở và nhu cầu canh tác thực tế của các địa phương, trung tâm lựa chọn mở lớp dạy nghề phù hợp. Các giảng viên thực hiện phương pháp "Cầm tay chỉ việc" một cách triệt để. Khoảng 70-80% tổng thời gian học, các học viên được học trực tiếp tại mô hình cụ thể. Các ao nuôi, ruộng vườn của học viên được trưng dụng làm giáo cụ học tập trực quan cũng là cơ hội để bà con được góp ý, tư vấn trực tiếp.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho biết: Việc được đầu tư cơ sở vật chất theo Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ giúp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh có điều kiện hoạt động chặt chẽ, bài bản theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao.
Điểm nhấn đáng chú ý của Hội ND Hải Dương là song song với thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, các cấp Hội đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm việc làm, thành lập mô hình liên kết sản xuất...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.